Thiên tai và nhân tai

Những cơn bão lòng tham

Chủ Nhật, 08/10/2017, 07:07
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Quảng Bình trong cơn bão số 10, nếu tôi nhớ không nhầm ông là người đứng đầu Chính phủ đầu tiên thị sát vùng bão ngay trong tâm bão.

Khúc ruột miền Trung lại đắm mình trong bão dữ, những bi thương chia ly, những khói hương đưa tiễn, những căn nhà là gia sản một đời đổ ập, những vụ mùa của hy vọng tan biến… Bão về rồi bão đi, cuốn theo bao nhiêu nụ cười chỉ còn để lại những nỗi niềm hiu hắt khôn nguôi.

Thủ tướng mặc áo mưa đội mũ cối đến hiện trường của đổ nát, chỉ đạo không để nhân dân Quảng Bình lâm cảnh màn trời chiếu đất, chỉ đạo cấp phát gạo cho Quảng Bình.

Hình ảnh ấy thật xúc động, và thêm lần nữa Thủ tướng đã truyền đi những cảm xúc tích cực trong lòng nhân dân.

1. Tôi đã đi qua những vùng bão hoang tàn, tôi đã đi qua những buổi chiều ngồi với bà con vùng lũ, tôi đã nghe những câu chuyện đau lòng, tôi đã nhìn thấy rất nhiều nước mắt, tôi đã hít đầy lồng ngực mình mùi của mất mát, mùi của nỗi buồn… Phải đến tận nơi thì mới hiểu những mất mát trong cơn lũ cũng đột ngột và đầy bất ngờ trong những tình huống không ai có thể tưởng tượng được.

Cậu bé học sinh lớp ba đạp xe đạp qua nhà bạn để mượn vở vì hôm qua mưa lớn quá phải nghỉ học, nhà bạn cách nhà mình có một quãng, vậy mà vĩnh viễn không về nữa. Cây cầu bắc ngang suối hiền lành vậy mà bỗng chốc thành con quái vật nuốt chửng cậu bé lúc nào không hay.

Cha đi ra ruộng lùa lũ vịt đến nơi an toàn kẻo nước lũ cuốn mất, con học lớp mười thương cha đi một mình buồn nên xin theo, cha chiều con. Vậy mà nước xoáy khiến thuyền lật úp, con chới với trong vùng nước đục ngầu, cha lặn ngụp nắm được tay con rồi nhưng cũng không níu được con.

Vợ chồng nghèo khó, ngày đi làm thuê sâm sẩm tối chèo ghe đi lưới cắm câu mang ra phiên chợ sớm bán kiếm thêm chút tiền. Mưa gió dầm dề, lũ về. Vợ chồng níu nhau giữa con suối thường ngày vẫn lưới cá, đuối lắm rồi, vợ nói thôi anh buông tay em ra, anh còn sống để lo cho hai con. Chồng có muốn buông đâu, nhưng rồi cứ lả người đi, tay không còn nắm chặt được nữa. Vợ mãi mãi không về, chỉ có nén nhang trên bàn thờ đỏ rực..

Có đi đến đó mới thương đồng bào của mình, có đi đến đó mới thấy đồng bào của mình nhiều nơi còn khổ cực, còn nhọc nhằn ra sao, có đi đến đó thì mới thấy nhiều khi của nả duy nhất là cái tivi cũ xì, vật đáng giá tiếp theo là cái giường ọp ẹp, phải đi đến đó thì mới thấy ước vọng của đời người nhiều lắm chỉ mong được đủ gạo quanh năm để nấu cơm cho đứa con thiểu năng…

Minh họa: Lê Phương.

2. Cơn bão số 10 để lại những hậu quả thật khủng khiếp. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo về thiệt hại do bão số 10 gây ra. Sau 6 tiếng đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình, bão làm 8 người chết, gần 200.000 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng, đổ sập, thiệt hại về tài sản hơn 11.000 tỷ đồng.

UBND Tỉnh Nghệ An báo cáo thiệt hại ước tỉnh khoảng 700 tỷ đồng, UBND Tỉnh Thanh Hóa báo cáo thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Con số báo cáo này chắc chắn sẽ được cơ quan chức năng thẩm định tính chính xác.

Thế nhưng, ngoài những mất mát về người không gì có thể bù đắp được do cơn bão thiên nhiên gây ra thì thử liên tưởng thiệt hại của một cơn bão lớn do nhân tai gây ra với những công trình đội vốn, với những nhà máy đắp chiếu, với những khoản nợ của các tập đoàn kinh tế lớn thì chưa là gì cả.

Một tập đoàn hóa chất Việt Nam vừa được xác định đã gây lỗ 4.200 tỷ đồng. Tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được UBND TP HCM ra quyết định điều chỉnh tăng thêm tới 1,4 tỷ USD vốn đầu tư, nghĩa là đội vốn 1,4 tỷ USD, quy ra VNĐ là hàng chục nghìn tỷ. Lý do đơn giản như không, "do thiếu kinh nghiệm quản lý". Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn 250 triệu USD. Tuyến Nhổn - ga Hà Nội đội vốn 600 triệu USD...

Còn rất nhiều, rất nhiều công trình đội vốn khác mà tôi tin rằng dư luận đã biết rõ. Ngay như cái chuyện thậm vô lý là Bộ Công thương đã chi 2,6 tỉ đồng để thuê một công ty trong nước định giá Dự án gang thép Thái Nguyên có vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng nhưng bị trùm mền, không hoạt động vẫn có thể diễn ra như không. Nghĩa là tốn thêm tiền tỷ cho một công trình đã ngốn rất nhiều nghìn tỷ.

3. Nhìn nguồn lực của quốc gia bị phung phí, bị rơi vãi, bị bào mòn không thương tiếc… bất cứ ai có lương tri đều cảm thấy đau lòng và phẫn nộ. Biết hậu quả hôm nay là chuỗi ngày dài quá khứ, nhưng có lẽ cũng phải có giải pháp thu hồi tiền thất thoát, tiền đầu tư sai, phải có hình thức xử lý cá nhân giám sát, đầu tư để đội vốn chứ, không lẽ cứ cha chung không ai khóc mãi.

Một cơn thiên tai dữ dội thiệt hại không bằng một lần đội vốn cho công trình hạ tầng dân sinh, thế mới thấy cơn bão của lòng tham còn nguy hại hơn cơn bão của thiên nhiên trăm lần, nghìn lần.

Mà cơn bão của thiên nhiên còn có hình có ảnh, chứ cơn bão của lòng tham thì có ai nhận diện được đâu để phòng chống, để đối phó, để bài trừ. Bất chấp, có nhận diện được hay không cũng chính là do lòng người, lòng người thấy nhận diện được thì là nhận diện được, lòng người thấy vô thanh vô ảnh thì nghĩa là vô thanh vô ảnh.

Cơn bão của trời chúng ta còn khắc phục được, lẽ nào cơn bão của lòng tham chúng ta cứ mãi bị động hay sao?

Ngô Nguyệt Lãng
.
.