Không có vùng cấm: Tinh thần Tổng Bí thư

Thứ Năm, 28/12/2017, 22:07
Và cho đến thời điểm này, thì không còn ai có thể nghi ngờ về thái độ cứng rắn, kiên quyết của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công cuộc đấu tranh với giặc nội xâm, khôi phục niềm tin của nhân dân, đưa quốc gia từng bước phát triển bền vững.

Chưa bao giờ niềm tin trong nhân dân về quyết tâm của Đảng đối với công cuộc chống tham nhũng lại dâng cao như vậy, đặc biệt là khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt giữ vào ngày 8-12-2017.

Một ngày mà chúng tôi tin rằng nhiều năm sau vẫn được nhắc về, ngày mà hoàn toàn không còn vùng cấm nào trong công tác đấu tranh với cái tiêu cực, cái sai, cái xấu đang còn tồn tại, ẩn nấp trong hệ thống chính quyền.

Sẽ không có gì ngượng nghịu hay băn khoăn khi sử dụng cái title báo này với tư cách là một nhà báo chuyên quan sát và bình luận.

Tinh thần chống tham nhũng, nói không với cái xấu của Tổng Bí thư kéo dài từ chiếc Lexus biển số xanh của ông Trịnh Xuân Thanh – Nguyên Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang cho đến nay đã trở thành tinh thần chủ đạo, truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho toàn bộ công cuộc đầy khó khăn, thử thách và chông gai này.

1. Chống tham nhũng, chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi đơn giản những cá nhân có khả năng tham nhũng đều đã trang bị cho mình một thứ quyền lực, nói có người nghe, đe có người sợ. Đó là chưa kể đến những chằng chịt của thân hữu, của nhóm lợi ích, của những người chung chiếu chung mâm với những cá nhân ấy.

Chống tham nhũng cần sự quyết liệt, nhưng quyết liệt phải tỉnh táo. Càng táo bạo lại càng phải điềm đạm, thậm chí là cần sự tính toán, cân nhắc để không kéo theo những xáo trộn, những tác động tiêu cực. 

Đúng như tinh thần của Tổng Bí thư, “Không phải kỷ luật nhiều là thành công, cốt đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến bộ mới là thành công... Việc điều tra tội phạm tham nhũng cần thu thập chứng cứ rõ ràng, phải có thời gian, không vội nhưng không vì vậy mà trì hoãn, kéo dài và quyết không thể để chìm xuồng”.

Minh họa: Lê Phương.

Trước khi công cuộc chống tham nhũng diễn ra, không ít những nghi ngại, thậm chí là hồ nghi về tiếng trống lệnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là đoạn chỉ đạo mà tôi có ghi chú rất cẩn thận vào sổ tay cá nhân, “Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Kiểm toán Nhà nước, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư”.

“Coi đây là việc cần làm ngay”, chỉ bảy chữ đủ để người quan sát mường tượng được quyết tâm của Đảng trong việc mà theo lời của Tổng Bí thư thì “"Chúng tôi nhiều lần nói việc xử lý tham nhũng không thể không làm. Muốn thế thì lòng dân phải thuận, tất cả đồng lòng. Lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc, chúng ta phải đi từng bước vững chắc”.

2. Hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng của các Tập đoàn, các cá nhân đã bị phanh phui, hàng loạt quan chức từ cao cấp cho đến địa phương đã bị bắt giữ, kỷ luật, kiểm điểm. 

Có thể kể đến những cái tên đầy uy quyền một thuở không chỉ riêng ông Đinh La Thăng, như: ông Vũ Huy Hoàng, ông Phạm Văn Vọng, ông Võ Kim Cự, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Nguyễn Xuân Anh…

Rồi đến những khoảng tối khoảng sáng đặc quyền đặc lợi của các tập đoàn từ Tập đoàn Dầu khí cho đến Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng đã bị lôi ra ánh sáng. Một chủ tịch tập đoàn nghỉ hưu từ năm 2012 cũng đã bị hồi tố, hoàn toàn không còn khái niệm hạ cánh an toàn hay về hưu là đã thoát khỏi sự giám sát của pháp luật, của tổ chức.

Những người đương nhiệm có liên đới trong các vụ việc gây bức xúc vốn tồn tại rất lâu như vụ việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo, bà Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Sở Xây dựng Tỉnh Thanh Hóa Trần Vũ Quỳnh Anh… 

Những vụ việc ở các địa phương như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Gia Lai, Đồng Nai… đều bị phanh phui, xác định trách nhiệm cụ thể từng cá nhân và có hình thức xử lý phù hợp.

Quyết tâm chống tham nhũng, chấn chỉnh công tác cán bộ của Tổng Bí thư đã thật sự thổi một làn gió nhiệt huyết vào từng câu chuyện của từng người dân.

3. Tôi luôn tin rằng khi Đảng quyết tâm và khi nhân dân tin tưởng, không gì là không thể làm được, không gì là không thể vượt qua, không gì là không thể giành thắng lợi cuối cùng với kết quả tốt đẹp.

Nhất là khi không chỉ bằng tuyên ngôn, mà bằng chính những hành động cụ thể, những cá nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm với những sai phạm cụ thể, lời nói đã đi liền với hành động, hoàn toàn không còn chuyện nói cho xong, nói cho có.

Sáng nay, tôi có ngồi trao đổi với một đồng nghiệp rất uy tín. Anh có kể cho tôi nghe về những đánh giá của các nhà quan sát quốc tế, các quỹ tín dụng nước ngoài về công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra hết sức quyết liệt tại nước ta. Tựu trung, những cá nhân được anh phỏng vấn đều đánh giá cao và tin tưởng vào công cuộc này.

Quan trọng hơn, họ đúc kết, khi mà Tổng Bí thư truyền tải được tinh thần làm trong sạch Đảng, giữ gìn uy tín cho Đảng, bảo vệ sức mạnh của Đảng thông qua việc loại trừ những đảng viên thoái hóa biến chất trục lợi. 

Còn Chính phủ kiến tạo không ngừng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác làm ăn phát triển, chú trọng đến các chính sách dân sinh thì những tín hiệu khả quan về một tương lai trong sáng là điều chắc chắn sẽ thành hiện thực.

Và cho đến thời điểm này, thì không còn ai có thể nghi ngờ về thái độ cứng rắn, kiên quyết của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công cuộc đấu tranh với giặc nội xâm, khôi phục niềm tin của nhân dân, đưa quốc gia từng bước phát triển bền vững.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.