10 năm và khoảng trống để lại

Thứ Ba, 13/09/2011, 16:15
Tôi muốn chọn con số 10 năm, tính từ Hội nghị những người viết trẻ lần thứ 6 năm 2001 để nhìn một cách trực diện vào lực lượng những người còn đam mê với công việc vốn thầm lặng và nhiều… cực hình này. Văn chương giờ đây đang đối diện với một nhịp đập khác, mà chính người trong cuộc cũng chưa nhận biết hết.

Trong những kỳ hội nghị từ 2001 trở về trước, người ta có thể nhìn ra được rất rõ những gương mặt nổi bật, với những tác phẩm tạo được dấu ấn rõ ràng. Nói theo ngôn ngữ showbiz bây giờ, là trong một cái nền của những gương mặt quen thuộc, luôn có những… ngôi sao.

Những "ngôi sao làng văn" của những hội nghị trước, có thể thấy từ Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà cho đến Trần Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Huỳnh Thạch Thảo, Phan Hoàng, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh…  Còn đến hội nghị lần này, thực sự là một khoảng trống còn để lại. Những "ngôi sao năm cũ" nay đã không còn là "nhà văn trẻ" nữa. Mà lực lượng kế cận thì có vẻ như khó tìm ra hiện tượng để thành… "sao".

Đoàn đại biểu Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VIII dâng hương tại Đền Hùng trước khi đến Tuyên Quang khai mạc hội nghị.

Hơn 100 đại biểu tham dự hội nghị lần này, vẫn rất nhiều tâm huyết và luôn khao khát được khẳng định mình bằng những tác phẩm chân chính. Khát vọng đó luôn đáng quý, nhưng để làm được điều đó thì thách thức lại không hề nhỏ. Cuộc sống hôm nay đã đổi thay quá nhanh và người viết chưa kịp có thời gian để bóc tách từng lớp vỏ và miêu tả sâu sắc cái cốt lõi của nó.

Đó có lẽ chính là nguyên nhân quan trọng nhất, khiến lực lượng viết trẻ chưa có những đỉnh cao. Mặt bằng tác phẩm không cao, kèm theo sự thờ ơ của độc giả (với văn hóa đọc nói chung) đã biến văn học trẻ thành một chiếc áo không rực rỡ nhưng cũng chẳng đủ trầm tĩnh. Một chiếc áo mờ nhạt.

Thêm vào đó, dường như văn trẻ đang thiếu đi những con mắt xanh của nhà phê bình, để nhìn ra được một đội ngũ và làm bật được những nhân tố mới điển hình. Theo dõi tất cả những bản tham luận sôi nổi của các đại biểu trong hội nghị, cho thấy dường như nhiệt huyết của người viết là không khác, nhưng mặt bằng tác phẩm thì khác và cách biểu đạt, cách công bố tác phẩm đã khác.

Chụp ảnh lưu niệm dưới chân tượng đài chiến thắng Sông Lô tại Đoan Hùng, Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Nhưng, văn học trẻ vẫn chưa có được những "hiện tượng". Điều mà chính những vị khách mời tham dự hội nghị, tóc đã muối tiêu, cũng tự đặt câu hỏi cho chính mình. Vì đời sống quá bộn bề, hay vì sự xao lãng của niềm đam mê vào những thú vui khác, vì sự "đau đời" chưa đủ cần thiết để tạo ra được những điểm nhấn? Có thể là không phải, nhưng có thể là tất cả. Văn học trẻ, ngoài khoảng trống về lực lượng, thì vẫn là một chân dung còn đang dở dang.

Hỏi những đại biểu tham dự, rằng có coi văn chương là một nghề thực sự hay không, câu trả lời hầu hết là phân vân. Ai cũng có công việc khác để kiếm sống. Ai cũng loay hoay với cuộc mưu sinh của mình. Rồi văn chương như một món nợ, chỉ nhớ đến khi tâm trí ráo riết đòi nợ. Cứ như vậy, chúng ta có thể đọc trên Internet, có thể đọc những cuốn sách mới in được đóng bao rất cầu kỳ và những lời khen trên bìa sực nức như mùi nước hoa trong sảnh khách sạn 5 sao, nhưng chúng ta sẽ phải tự hỏi, đây có phải văn chương đích thực, hay mới chỉ là những thứ gần giống?

Hoặc, chúng ta có những cuốn sách đáng đọc, nhưng lại bị công nghệ PR làm cho chìm khuất, để nhường chỗ cho những tác phẩm lá cải lên ngôi. Nói người viết văn chưa hết lòng với văn chương cũng được. Nhưng cũng có thể ngược lại, rằng cuộc sống hôm nay dễ khiến văn chương phụ bạc người viết…

Lần hội nghị nào cũng có thảo luận để tìm ra những hướng đi mới cho văn trẻ. Nhưng, lần nào câu trả lời cũng rơi vào… gió. Vì hơn ai hết, viết là một hành trình cô độc và mỗi ngòi bút tự tìm hướng đi cho mình. Khoảng trống đã để lại, cũng không làm người ta nặng lòng nhiều bằng những khoảng trống trong lòng bạn đọc. Rằng làm thế nào, để bạn đọc không nhìn những cuốn sách văn chương Việt Nam trong sự ghẻ lạnh đến rợn người. Có lẽ, tài năng và thời gian vẫn là một đáp án đúng và đủ cho công việc thầm lặng này…

Hoài Phố
.
.