Hiện thực giấc mơ có con của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn

Thứ Ba, 30/04/2024, 16:45

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Vô sinh do biến chứng quai bị

Sau nhiều năm kết hôn, vợ chồng Nguyễn Thị Nhung (Hải Dương) không có dấu hiệu mang thai, hai vợ chồng chị bắt đầu lo lắng, sốt ruột. Mỗi khi Tết đến, vợ chồng chị cũng ngại ra khỏi nhà; bạn bè rủ đi tụ tập, họ cũng tự ti không muốn đi.

Đến khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chồng chị bất ngờ khi biết mình bị vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch). Bác sĩ tìm ra nguyên nhân dẫn đến chồng chị bị biến chứng teo tinh hoàn là căn bệnh quai bị lúc nhỏ. Căn bệnh này đã đánh mất khả năng có thai tự nhiên của vợ chồng chị Nhung, khiến anh gặp phải tình trạng teo tinh hoàn dẫn đến vô tinh.

Hiện thực hoá giấc mơ có con cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn  -0
Cặp song sinh 1 trai 1 gái của vợ chồng chị Nhung.

“Biết tin này anh ấy rất sốc và tuyệt vọng, nghĩ rằng mình không có con được nữa. Nhưng nghe bác sĩ nói muốn có con chỉ còn cách phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro-TESE) kết hợp với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vợ chồng mình lại le lói tia hy vọng”, chị Nhung kể.

ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng, mang lại hiệu quả điều trị cao cho các trường hợp vô tinh. Bác sĩ mổ phải có kinh nghiệm "căn" rất chuẩn sao cho tinh trùng lấy ra đủ để làm IVF và cũng không lấy quá nhiều mô gây tổn thương tinh hoàn ảnh hưởng đến chức năng tình dục sau này.

Ngày mổ vi phẫu, chồng chị Nhung rất hồi hộp, lo lắng. Khi bác sĩ thông báo đã “bắt” được mấy chú tinh binh, anh như trút được gánh nặng, hai vợ chồng ôm nhau mừng rỡ. Tưởng mọi chuyện đã “xuôi chèo mát mái” khi phôi đã chuẩn bị xong, bác sĩ siêu âm lại phát hiện những chùm polyp trong tử cung của chị Nhung có thể cản trở quá trình đậu thai. Bác sĩ chỉ định nội soi thăm dò buồng tử cung kết hợp cắt bỏ polyp.

 Theo ThS.BS Trịnh Thị Thuý, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, polyp buồng tử cung chiếm khoảng 10 - 15% nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới và phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung được coi là tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán kịp thời các bệnh lý buồng tử cung, đồng thời giúp tăng tỷ lệ có thai tự nhiên cũng như tăng hiệu quả chuyển phôi thành công ở các cặp vợ chồng can thiệp hỗ trợ sinh sản. Với trường hợp của chị Nhung, polyp dạng chùm, nhỏ rất khó để phát hiện thông qua các phương pháp thông thường như siêu âm bơm nước, siêu âm 3D buồng tử cung…

Ở lần chuyển phôi đầu tiên, chị Nhung đã đậu thai. Sau 9 tháng 10 ngày, chị sinh bé gái đầu lòng, mang đến hạnh phúc vô bờ cho cả gia đình. Khi con gái được 3 tuổi, chị lại đến bệnh viện để chuyển phôi trữ với mong muốn sinh bé thứ hai.

Hiện thực hoá giấc mơ có con cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn  -0
Chị Nhung hạnh phúc bên 3 con sau nhiều năm hiếm muộn.

Nhưng lúc này niêm mạc tử cung của chị Nhung bị quá sản toàn bộ, polyp dày đặc buồng tử cung, rất khó để đậu thai. Chị được bác sĩ chỉ định điều trị thuốc và thực hiện mổ nội soi buồng tử cung ngay trong chu kỳ để loại bỏ các chùm polyp trước khi thực hiện chuyển phôi.

May mắn lại lần nữa "gõ cửa" với gia đình hiếm muộn khi chị Nhung làm IVF lần hai thành công. Họ đón cặp sinh đôi một trai, một gái chào đời. Ông bố vô tinh giờ đây đã có 3 người con, vô cùng mãn nguyện và hạnh phúc.

 Nhiều cặp vợ chồng nghèo có được thiên chức thiêng liêng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong 100 cặp vợ chồng vô sinh, có 40% do vợ, 30% do chồng, do cả hai là 20% và 10% không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ hiếm muộn chiếm gần 8% trong độ tuổi sinh đẻ, ngày càng có xu hướng tăng.

Nếu như trước kia, nam giới được chẩn đoán vô tinh hầu như đều tuyệt vọng vì không thể có con. Tình trạng không có tinh trùng trong tinh dịch là tình trạng nặng nề nhất, chiếm khoảng 15% trong các trường hợp vô sinh nam.

Nhưng từ năm 2020, nhờ sự tiến bộ của y học, phương pháp vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng đã được thực hiện tại Việt Nam, mang lại hạnh phúc cho biết bao ông bố vô tinh.

Trước đây, khi chưa có mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng, tại Trung tâm Đào tạo nghiên cứu Công nghệ Phôi của Học viện Quân y có công nghệ nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng. Phương pháp này cũng giúp một số ông bố vô tinh có được mụn con, mang lại rất nhiều hy vọng cho các ông bố hiếm muộn.

Hiện thực hoá giấc mơ có con cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn  -0
Mổ vi phẫu tìm tinh trùng, phương pháp cứu cánh cho các ông bố bị vô tinh.

Theo ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hành trình tìm con của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn rất gian nan, nhiều cặp vợ chồng kiên trì đeo đuổi đã thành công. Nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để theo đuổi khát khao có con nếu họ không được nhận sự giúp đỡ của cộng đồng.

Biết được điều này, 5 năm nay, bệnh viện đều tổ chức thực hiện chương IVF miễn phí hoàn toàn cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và 10 cặp vợ chồng là quân nhân nghèo hiếm muộn.

Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng nghèo là thầy giáo cắm bản, chiến sĩ nơi đảo xa… rơi nước mắt vì hạnh phúc khi họ đã thực hiện được ước nguyện thiêng liêng là làm cha, làm mẹ, điều tưởng xa vời nếu như không có chương trình miễn phí. Đến này, đã có 100 em bé chào đời từ chương trình miễn phí này, mang lại hạnh phúc vô bờ cho các gia đình hiếm muộn nghèo.

Trần Hằng
.
.