Dịch tay chân miệng tại Hà Nội đang tăng cao

Thứ Ba, 10/10/2023, 17:05

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Thủ đô đã ghi nhận các ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non. Số ca mắc trong tuần đầu tiên của tháng 10 tăng gần gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. 

Theo CDC Hà Nội, trong tuần đầu tiên của tháng 10, Thủ đô ghi nhận 265 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).

Vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần.

Trong tuần cũng đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch tay chân miệng tại Sóc Sơn và Đống Đa, ổ dịch ở trường mầm non. 

Dịch tay chân miệng tại Hà Nội đang tăng cao -0
Phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý phòng bệnh tay chân miệng cho con.

Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong; có 47 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động.

Theo CDC Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới tăng nhanh ca mắc tay chân miệng là thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học. Dự báo, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng.

Tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Tại nước ta, từ đầu năm tới nay, ghi nhận nhiều ca tử vong do tay chân miệng.

Gần đây nhất là bệnh nhi sinh năm 2020, ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, khởi phát bệnh 19/9. Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau lúc 20h35 ngày 20/9. Đến 22/9, cháu bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) và tử vong lúc 19h25 phút cùng ngày.

Để phòng bệnh tay chân miệng tiếp tục lan nhanh, ngành y tế khuyến cáo các trường học, nhất là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, học sinh được rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách. Tăng cường vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập...để hạn chế lây lan. 

Tr.Hằng
.
.