Xuân Hà Nội xưa qua hội họa hấp dẫn du khách

Thứ Hai, 29/01/2024, 07:39

Với sự hỗ trợ của công nghệ đồ họa kỹ thuật số, mapping… những tác phẩm hội họa về Hà Nội ngày xuân của nhiều danh họa như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Trọng Kiệm, Phạm Văn Đôn, Trần Lưu Hậu… khiến nhiều người ngỡ ngàng trong triển lãm "Xuân Hà Nội" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Mặc dù thời tiết giá rét và không khí Tết đã rộn rã đến từng ngõ phố, nhiều khách tham quan, trong đó có những vị khách đặc biệt là họa sĩ, con cháu của các họa sĩ nổi tiếng một thời vẫn tranh thủ ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật cũng không kém phần đặc biệt - các bức tranh về Hà Nội xưa vào dịp Tết cổ truyền.

Xúc động giới thiệu bức tranh bột màu "Thăng Long - Đông Đô" trưng bày trang trọng trong phòng triển lãm của bảo tàng, họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết, tác phẩm vẽ gò Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết, từ năm 1984. Đây là ngày khai hội Gò Đống Đa - lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, tưởng nhớ, tri ân công ơn của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Xuân Hà Nội xưa qua hội họa hấp dẫn du khách  -0
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng khách tham quan triển lãm "Xuân Hà Nội".

Với người dân Thủ đô, đây là điểm du xuân đặc biệt đầu năm, gắn với rất nhiều kỷ niệm, ký ức đẹp về ngày xuân. Họa sĩ cũng cho biết, với những người con của Hà Nội như ông, Tết Hà Nội luôn mang lại những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Có lẽ vì thế nên Hà Nội ngày xuân cũng là chủ đề được nhiều họa sĩ, trong đó có ông vẽ khá nhiều.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Xuân Hà Nội" mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số các tác phẩm hội họa về chủ đề này của nhiều họa sĩ mà ông từng biết. Không chỉ xúc động khi gặp lại "đứa con tinh thần" sau nhiều chục năm, ông thực sự bất ngờ khi các tác phẩm được phóng chiếu lên toàn bức tường của phòng triển lãm. "Vẫn là tác phẩm đấy nhưng chúng lạ lắm", họa sĩ Trần Nguyên Đán cho hay.

Chung cảm xúc trên, họa sĩ Nguyệt Nga chia sẻ rằng, bà làm tranh đồ họa đã nửa thế kỷ. Tác phẩm được trưng bày tại triển lãm lần này được bà vẽ về con trai của mình cách đây gần 50 năm, khi con mới gần 4 tuổi. Ngắm lại bức tranh, bà nhớ về một thời kỳ đầy khó khăn nhưng đầy say mê với những ký ức ấm áp bên người thân, gia đình một thời.

Cùng với em trai - đạo diễn, NSND Nguyễn Bá Thước dạo quanh phòng tranh, nhà văn Nguyễn Văn Thọ tự hào cho biết, tác phẩm tranh sơn khắc "Xuân Hồ Gươm" của cha ông - họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu sáng tác vào năm nông nghiệp Việt Nam bội thu. "Khi ấy cha tôi đang dạy tôi vẽ. Ông nói các tác phẩm này, phải nhìn khung cảnh từ trên cao, từ tầng 3 nhìn xuống. Có lẽ vì sáng tác vào năm đất nước được mùa nên không khí xuân phơi phới. Tác phẩm có hàng trăm nhân vật, các nhân vật đều cho thấy sự ấm no, hạnh phúc…", nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.

Ông Thọ cũng cho rằng, số lượng tác phẩm mỹ thuật về Xuân Hà Nội tại triển lãm không hẳn nhiều nhưng cho thấy những "chất" rất riêng của các họa sĩ một thời, nhất là các tác phẩm của các tác giả thuộc lớp họa sĩ Đông Dương. "Các cụ vẽ rất kỹ, luôn bám sát tính dân tộc nhưng cũng rất hiện đại. Nhìn vào tranh là thấy ngay đây là tác phẩm của Việt Nam chứ không phải của một đất nước nào khác. Tôi nghĩ, những triển lãm như "Xuân Hà Nội" rất quý. Với cá nhân, anh em chúng tôi có dịp ngắm lại tác phẩm của cha mình sau nhiều năm. Với công chúng, các triển lãm này cho chúng ta thấy về Hà Nội, về đất nước một thời, đồng thời góp phần tích cực trong giáo dục mỹ cảm, tôn vinh và trân trọng văn hóa Việt Nam nói chung", nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.

Được biết, "Xuân Hà Nội" là triển lãm đặc biệt do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân dịp chào đón Xuân Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Chia sẻ về triển lãm này, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Xuân Hà Nội là đặc trưng riêng có và là nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ từng sống, gắn bó với Hà Nội hay dù chỉ một lần đặt chân lên mảnh đất "lắng hồn núi sông ngàn năm" này. Rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về mùa xuân đã được các văn nghệ sĩ sáng tác, đi vào tâm thức của mỗi người. Với nghệ thuật tạo hình, không khí, cảnh sắc giao hòa của mùa xuân Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ sáng tác.

Các tác phẩm trưng bày tại "Xuân Hà Nội" được chọn lọc từ Bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và sưu tập dòng tranh dân gian Hàng Trống - dòng tranh cổ truyền, đặc trưng của Hà Nội; những tác phẩm đồ họa đặc sắc về Hà Nội. Những nét đẹp truyền thống của người dân Thủ đô như Đi chợ hoa, Đi chợ Tết, bày mâm Ngũ quả… hiện lên rõ nét thông qua sự thể hiện của danh họa Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn, Trần Lưu Hậu.

Thời khắc giao thừa thiêng liêng được miêu tả sinh động qua các tác phẩm của danh họa Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Việt Hải. Ngày xuân - du xuân, vãn cảnh, lễ chùa với những địa danh nổi tiếng của Hà Nội trong không khí đón xuân được các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Nghĩa Duyện, Nguyễn Trọng Kiệm tái hiện qua các tác phẩm như: Phố, Làng hoa Ngọc Hà, Gò Đống Đa, Văn Miếu, Chùa Láng, Hội đền Phù Đổng...

Qua ngôn ngữ tạo hình, các tác phẩm đã thể hiện thành công cảnh sắc tươi đẹp của Xuân Hà Nội. Đặc biệt, dịp này, Bảo tàng còn phối hợp với một số đơn vị áp dụng hình thức trưng bày đồ họa, trình chiếu mapping... Bên cạnh việc trưng bày các tác phẩm gốc theo truyền thống, sự kết hợp với kỹ thuật đồ họa, mapping mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới, hiệu ứng thị giác mới.

Trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục khai thác tính ưu việt của công nghệ trong việc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật, mở rộng hơn giải pháp phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là đưa các tác phẩm mỹ thuật quý, bảo vật quốc gia tiếp cận nhiều hơn với công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Hoa Nguyễn
.
.