Ký ức của những nhân chứng lịch sử trong cuốn 'Phi công Mỹ ở Việt Nam'

Thứ Sáu, 18/09/2015, 18:53
Nhân 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (1995 – 2015) và 70 năm khởi đầu lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước (1945 – 2015), NXB CAND đã ấn hành cuốn tư liệu quý “Phi công Mỹ ở Việt Nam”.

Nhân dịp này, chiều 18/9, NXB CAND đã tổ chức buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử với sự tham dự của NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch UB TƯMTTQ Việt Nam; ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 3 (Bộ Công an); 2 cựu phi công MIG 21 là ông Vũ Đình Rạng, người đầu tiên bắn trúng máy bay B52 Mỹ trên thế giới và ông Nguyễn Hồng Mỹ- phi công đầu tiên bắn rơi F4 năm 1972; Đại tá Trần Trọng Duyệt, cựu Trại trưởng Trại giam tù binh phi công Mỹ tại Hỏa Lò những năm chiến tranh vv…

Đại tá Trần Trọng Duyệt và 2 cựu phi công MIG 21 - ông Vũ Đình Rạng và ông Nguyễn Hồng Mỹ giao lưu với khán giả.

Khán giả đã được Đại tá Công an Trần Trọng Duyệt cho biết nhiều câu chuyện thú vị về phi công Mỹ ở trại Hỏa Lò và sự đối xử nhân đạo với tù binh đã được chính các cựu tù bình Mỹ kể khi trở lại thăm ông sau 40 năm được trao trả, như thượng nghị sĩ John McCain; một cựu phi công Mỹ cũng về thăm và tặng ông chiếc vòng tay cùng tờ 5 đô la gấp hình ngôi sao 5 cánh; một cựu phi công viết thư và lấy theo họ Trần của ông vv…

Đặc biệt, cựu phi công Vũ Đình Rạng đã kể lại những giây phút căng thẳng trên bầu trời Tổ quốc những năm chiến tranh, thời khắc phát hiện và “săn” B52 Mỹ để trở thành người đầu tiên bắn rơi “thần sấm Mỹ” năm 1971, đã được phía Mỹ xác nhận. Ông cũng tiếp tục tham gia bảo vệ Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972. Trong số các phi công Mỹ bị bắt năm 1972, có người khai chính là phi công lái chiếc máy bay bị ông bắn và chiếc máy bay phải hủy vì không sử dụng được.

Ông Nguyễn Hồng Mỹ bổ sung thêm: Sau này, khi sang Mỹ, ông được tiếp cận các tài liệu mật của Mỹ và thấy ghi: Chiếc máy bay B52 cho phi công Vũ Đình Rạng bắn hỏng một động cơ. Mặc dù Việt Nam chỉ ghi phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương B52, nhưng phía Mỹ ghi rõ: “Chiếc máy bay đầu tiên bị không quân Bắc Việt bắn rơi”.

Ông Nguyễn Hồng Mỹ cũng kể về thời điểm vô cùng gay cấn khi ông đuổi theo chiếc F4 vào tháng 1/1972 giữa một “bầy” máy bay Mỹ, để là người đầu tiên diệt máy bay Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội. Khi hạ cánh, kỹ thuật cho biết máy bay của ông chỉ còn rất ít dầu mà chỉ chậm một chút là nguy hiểm. Ông kết luận: “Ai ở địa vị tôi cũng phải làm thế, vì cả dân tộc ta khi đó đều trong tâm thế ta không đánh thì nó đánh ta chết! Có bữa chúng tôi ngồi ăn với nhau 5 người, khi trở về chỉ còn lại 2 người. Chúng tôi sống được đến nay là hạnh phúc và may mắn hơn nhiều người đã hy sinh.”

Một câu chuyện rất thú vị cũng được ông Nguyễn Hồng Mỹ chia sẻ: Sau chiến tranh, ông hay được những người “bạn” Mỹ mời sang nói chuyện. Ông đã được Chính phủ Mỹ tặng Huân chương Anh hùng, vì là người đầu tiên bắn rơi máy bay … Mỹ năm 1972. Thống đốc bang Kentucky cũng phong Đại tá danh dự cho ông và ảnh ông được dùng để phát hành một bộ tem, số tiền bản quyền đó đã được ông tặng cho Bảo tàng của bang.

Cuốn “Phi công Mỹ ở Việt Nam” vừa được Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng bổ sung nhiều tư liệu mới, mang đến nhiều thông tin quý giá và ý nghĩa về mối quan hệ Việt-Mỹ từ 7 thập kỷ trước: Năm 1945, với tài ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Claire Lee Chennault, Tư lệnh đơn vị mang “Hổ Bay” của Mỹ đóng tại vùng Hoa Nam Trung Quốc (đại diện cao nhất của quân Đồng Minh tại khu vực) đã cử đơn vị tình báo đặc nhiệm “Con Nai” thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược OSS nhảy dù xuống Tân Trào ngày 16-7-1945, để huấn luyện giúp Việt Minh cách sử dụng một số vũ khí và bàn cách phối hợp chống phát xít Nhật. Sau khi điều chỉnh quân số, biệt đội “Con Nai” có 7 người: Thiếu tá Allison K.Thomas, là Trưởng nhóm; phiên dịch Henry Albert Prunier, Trung úy Rene Defoumeaux, bác sỹ quân y Paul Hoaglan, Thượng sỹ Lawrence Vogt, Trung sỹ kiêm nhiếp ảnh gia Aaron Squires và Thượng sỹ điện đài William Zielski.

Nhóm “Con Nai” ở cách Tân Trào 3 km, tích cực huấn luyện quân sự cho lực lượng của Việt Minh, tiếp tế một số vũ khí hạng nhẹ, hàng quân sự cho Việt Minh. Họ cố vấn cho ta xây dựng sân bay dã chiến ở Lũng Cò, cách Tân Trào khoảng 8 km về hướng Tây Bắc, để nhận hàng. Có người làm bác sĩ đã chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người bị ốm. Nhóm “Con Nai” đã cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập “Đại đội Việt - Mỹ” khoảng 200 người, do đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…) chỉ huy, Thiếu tá A.K.Thomas làm cố vấn, cùng chống phát xít Nhật. Chính nhóm này đã dự lễ xuất quân từ cây đa Tân Trào sau Quốc dân Đại hội và Quân lệnh số 1 phát động khởi nghĩa, cùng chúng ta hành quân về Hà Nội. Đây là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trước khi trở về nước, nhóm “Con Nai” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ chuyển giúp lá thư đến Chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Harry S. Truman công nhận độc lập và giúp đỡ cách mạng Việt Nam! Nhưng tiếc là thời điểm ấy, vị Tổng thống đang phải đối phó với nhiều mối quan tâm khác nên lịch sử quan hệ 2 nước phải trải qua nhiều thăng trầm vv…

Có thể nói, thông qua những tài liệu tuyệt mật một thời về số phận của những tù binh chiến tranh, “Phi công Mỹ ở Việt Nam” đã góp phần khái quát lịch sử quan hệ Việt – Mỹ trong 70 năm qua.

Thanh Hằng
.
.