Chiến lược tăng trưởng xanh của TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 01/05/2024, 07:23

TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn với mật độ dân cư cao, nhiều phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến lượng phát thải thuộc nhóm cao nhất cả nước về chất thải rắn, nước thải, không khí... Thực trạng trên đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người dân, làm mất cảnh quan đô thị và ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện, TP Hồ Chí Minh đang triển khai các giải pháp nhằm khơi thông những điểm nghẽn trên...

Nhiều rào cản khó thu hút FDI

Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.878 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu là chôn lấp nên không hiệu quả, tốn kém và gây ra nhiều hậu quả xấu cho môi trường. Với nước thải đô thị chứa nhiều vi sinh vật, kim loại nặng, chất độc hại, là "thủ phạm" gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng hiện nay thành phố cũng chỉ mới có 7/28 trạm trung chuyển đạt tiêu chuẩn, xử lý đạt chuẩn khoảng 12,8% nước thải đô thị trước khi thải ra môi trường.

Đáng chú ý, chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém và gây nguy hại đến sức khỏe của người dân. Theo chia sẻ của bà Lê Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình trong năm 2022 là 104, cao hơn 2 lần mức an toàn theo tiêu chuẩn của WHO, nhiều thời điểm TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những thành phố có chỉ số chất lượng không khí thấp nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là do sự phụ thuộc quá lớn vào các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu diesel. Các dự án vận chuyển khối lượng lớn (đường sắt đô thị, BRT...) triển khai chậm dẫn đến phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa phát huy hiệu quả. Thành phố hiện có hơn 8 triệu xe máy và gần 1 triệu ôtô đang lưu thông (chiếm đến 90% tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông), không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn gây tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống.

Chiến lược tăng trưởng xanh của TP Hồ Chí Minh -0
TP Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, cơ hội của nhà đầu tư.

Mặc dù là địa phương đứng đầu cả nước trong thu hút FDI, với tổng vốn đăng ký FDI năm 2023 gần 6 tỷ USD (tăng gần 50% so với 2022) và chiếm khoảng 16% vốn FDI của cả nước, nhưng nếu môi trường đầu tư không sớm được cải thiện thì TP Hồ Chí Minh sẽ khó "giữ chân" các nhà đầu tư hiện hữu, cũng như khó tiếp tục thu hút được FDI trong tương lai. Bà Lê Huỳnh Mai cho rằng: "Để giải quyết được các vấn đề tồn tại nêu trên của TP Hồ Chí Minh thì cần khơi thông các điểm nghẽn trong thể chế, nhằm phát triển hạ tầng giao thông xanh và bền vững, phát triển đô thị xanh gắn với tái bố trí lại dân cư và chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống, gắn với các công nghệ xanh, thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng".

Hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

Theo ông Trần Văn Bích, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, các yếu tố tác động đến phát triển kinh tế xanh của TP Hồ Chí Minh là do Việt Nam đã có những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính và ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế liên quan đến phát triển bền vững. Mục tiêu của phát triển kinh tế xanh là hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của DN và tăng cường kết nối - hợp tác. Tuy nhiên, trên thực tế năng lực chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới của DN còn yếu. TP Hồ Chí Minh hiện có đến 98% DN vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất phần lớn cũ và lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn. Vì vậy, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố, cũng như sự tham gia của các đối tác có công nghệ cao trên thế giới.

Từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một loạt chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường, cải thiện chất lượng sống. Liên quan đến phát triển giao thông xanh và đô thị xanh, thành phố đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ mới có hơn 12.000 xe điện 2 bánh (chiếm 0,16% tổng lượng xe 2 bánh trên địa bàn thành phố) và xe ôtô điện số lượng không đáng kể. Vì vậy, cơ chế này sẽ là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch (xe chạy điện, xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro,...). Với hệ thống đường sắt và xe điện công cộng, ngoài các tuyến Metro 1 cơ bản đã hoàn thành, thành phố đang tiếp tục phát triển các dự án Metro 2, Metro 5... và triển khai công tác giải tỏa mặt bằng, nhằm tạo ra quỹ đất sạch để các nhà đầu tư yên tâm phát triển dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, với dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư, thành phố thực hiện thí điểm cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa. Thực hiện đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu... Các chính sách này giúp TP Hồ Chí Minh có thể chủ động linh hoạt trong việc kêu gọi, triển khai các thủ tục đầu tư PPP nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, theo đúng mục tiêu Quốc hội đã đặt ra cho TP Hồ Chí Minh. Với cơ chế này, TP Hồ Chí Minh dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức BT đối với một số đoạn tuyến trên đường Vành đai 2 để khép kín đồng bộ trục giao thông huyết mạch này, đồng thời thành phố cũng xác định danh mục 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT.

Ngoài các giải pháp trên, TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội, mục đích tạo nơi ở ổn định, có chất lượng sống tốt cho người dân. Thực hiện cơ chế khuyến khích các DN chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn, các dự án năng lượng tái tạo, đổi mới khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh... Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, thành phố vừa hoàn thiện khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030 (tầm nhìn 2050) xác định lấy người dân - DN thành phố làm trung tâm chuyển đổi. Các giải pháp này không chỉ áp dụng cho TP Hồ Chí Minh mà còn là hình mẫu thử nghiệm cho 36 tỉnh, thành liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các tỉnh vùng Tây Nguyên cùng nghiên cứu và áp dụng tại địa phương.

Thúy Hà
.
.