Báo chí góp phần định hướng dư luận, làm giảm tội phạm

Thứ Tư, 30/11/2022, 08:30

Là nhà báo lăn lộn nhiều năm với mảng tin tức an ninh trật tự, Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang, Phó trưởng Ban Thời sự, Truyền hình CAND dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về những tác động của thông tin tội phạm trên truyền thông tới công chúng.

Nhân dịp công trình nghiên cứu “Ảnh hưởng của thông tin tội phạm trên truyền hình đối với công chúng Việt Nam” được Nhà xuất bản CAND phát hành, Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang đã có buổi trò chuyện về công trình này cùng mảng đề tài mà ông đã theo đuổi nhiều năm qua. 

Báo chí góp phần định hướng dư luận, làm giảm tội phạm -0
Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang và người thân trong ngày bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

PV: Công trình “Ảnh hưởng của thông tin tội phạm trên truyền hình đối với công chúng Việt Nam” được Nhà xuất bản CAND giới thiệu tới độc giả như một góc nhìn mới về hiệu quả và hệ quả của truyền thông tới công chúng. Ông có thể chia sẻ lý do vì sao ông chọn đề tài này?

Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang: Tôi tham gia hoạt động báo chí, tuyên truyền về đề tài an ninh trật tự từ năm 2001. Trong thời gian công tác tại Công an tỉnh Bắc Giang, tôi đã tiếp xúc với điều tra viên tham gia vụ án Thịnh “mắt ma” giết người, cướp xe ôtô làm phương tiện để thực hiện hành vi cướp tiệm vàng trên địa bàn. Quá trình trao đổi, một điều tra viên cho biết: Thịnh khai nhận, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng này đã bỏ ra rất nhiều thời gian đến quán Internet công cộng không phải chơi games mà chỉ để đọc báo tìm hiểu về các vụ án nhằm học hỏi cách thức gây án, thủ tiêu tang chứng, vật chứng…

Trường hợp này có thể xem là một sự ảnh hưởng tiêu cực từ báo chí đến một đối tượng phạm tội cụ thể. Từ vụ án này tôi luôn tâm niệm, những tác phẩm báo chí tôi thực hiện trước hết là phải phản ánh được những nỗ lực của lực lượng Công an trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và sau đó quan trọng không kém là phải tạo được những ảnh hưởng tích cực, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa đối với công chúng.

Cuối năm 2011, tôi chuyển công tác về Truyền hình CAND (ANTV), tiếp xúc với nhiều vụ án, nhiều loại tội phạm, và thực hiện luận văn thạc sĩ năm 2015 về đề tài “Thông tin tội phạm trong các bản tin thời sự trên kênh ANTV”. Quá trình thực hiện luận văn, tôi nhận thấy tại Việt Nam, các nghiên cứu ở trong nước chủ yếu tập trung về lĩnh vực tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, riêng nghiên cứu về truyền thông và tội phạm, thông tin tội phạm, ảnh hưởng của thông tin tội phạm trên báo chí đối với công chúng gần như không có mặc dù hệ thống báo chí từ sau khi đất nước mở cửa đã đề cập đến thông tin tội phạm theo cấp độ tăng dần. Chính vì vậy, công trình nghiên cứu “Ảnh hưởng của thông tin tội phạm trên truyền hình đối với công chúng Việt Nam” là sự tiếp nối, mở rộng nghiên cứu luận văn thạc sĩ của cá nhân tôi.

PV: Trong cuốn sách, ông đã kết luận rằng, “đạo đức xuống cấp và cảm giác hoang mang lo lắng cảm thấy không an toàn là những cảm xúc tiêu cực phổ biến của công chúng thường xuất hiện sau khi tiếp cận một số thông tin tội phạm”. Theo ông, những thông tin tội phạm hiện nay trên truyền hình và mạng xã hội đã ảnh hưởng như thế nào tới đời sống tinh thần của công chúng?

Báo chí góp phần định hướng dư luận, làm giảm tội phạm -0
Đề tài của TS Nguyễn Đăng Khang có tính ứng dụng trong thực tiễn.

Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang: Thông tin tội phạm hiện nay trên báo chí phần lớn có ảnh hưởng tích cực đến hành động và niềm tin cũng như đời sống tinh thần của công chúng. Đối với thông tin tội phạm trên mạng xã hội, lại là một câu chuyện khác. Một trong những điểm nổi bật của mạng xã hội là tính kết nối và chia sẻ rất mạnh mẽ, dẫn tới khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng và khó kiểm soát.

Trên  “mặt phẳng” thông tin này, mỗi người dân đều có thể được coi là một “nhà báo công dân”, dễ dàng chia sẻ thông tin tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật theo những gì họ nghe thấy, nhìn thấy, theo quan điểm của cá nhân họ. Chính vì vậy không tránh khỏi việc chia sẻ hình ảnh, nội dung vụ việc mang tính liệt kê, miêu tả tội ác, phản cảm. Đây là một hạn chế rất lớn của mạng xã hội nhưng lại là ưu thế để các cơ quan báo chí tận dụng trong việc phản ánh giá trị chân thực, khách quan. Nhưng để chiếm được ưu thế, giành được công chúng từ mạng xã hội thì các cơ quan báo chí cần phải giải rất nhiều bài toán khó trong giai đoạn hiện nay.

PV: Trong công trình của mình, ông khẳng định những thông tin tội phạm mà công chúng tiếp cận giúp làm giảm tình hình tội phạm tại nhiều địa phương. Ông lý giải thế nào về điều này?

Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang: Qua thực tiễn khảo sát tại nhiều địa phương, chúng tôi thấy rằng báo chí đã thực sự phát huy vai trò trong việc tuyên truyền đấu tranh, phòng ngừa tội phạm của người dân. Tuy nhiên, khi có hiểu biết về tội phạm, người ta có thể lên án đó là điều xấu, nhưng cũng có thể làm theo. Và không thể cho rằng, cứ phát sóng, đăng tải thông tin tội phạm là có hại cho công chúng. Vấn đề quan trọng nhất là thông tin vụ án được xử lý như thế nào dưới góc nhìn của người làm báo.

Báo chí góp phần định hướng dư luận, làm giảm tội phạm -0
Báo chí góp phần định hướng dư luận, làm giảm tội phạm -0
Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa.

PV: Là một nhà báo nhiều năm làm việc trong mảng tin tức an ninh trật tự, ông có cái nhìn như thế nào về mảng thông tin xấu độc trên mạng xã hội thời gian qua?

Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang: Do có quá nhiều nguồn tin khác nhau nên thông tin trên mạng xã hội thường đan xen tin giả, tin thật, tin xấu độc. Bản thân tin xấu độc thường là những câu chuyện gây sốc, hấp dẫn đánh mạnh vào trí tưởng tượng, tò mò của công chúng. Trong khi tỷ lệ công chúng “thông hiểu truyền thông” chưa cao, hiếu kỳ, cả tin nên có thể tin vào những tin tức mà họ tiếp nhận được. Vì vậy, tin tức xấu độc dễ lan truyền và được một bộ phận đông đảo công chúng đón nhận và tiếp tục tán phát.

Thực tế những tin xấu độc, tin giả kiểu xuyên tạc có ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như văn bản, hình ảnh, video, clip nhưng được chỉnh sửa hoặc cắt ghép không đúng sự thật và thường được đăng tải trên các trang thông tin không chính thống, qua các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn hay các công cụ tìm kiếm trên Internet.

Lượng tin giả, xấu độc đang có xu hướng ngày càng gia tăng, tác động lớn đến tâm lý chung của công chúng, khiến các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin. Do vậy, rất cần những luồng thông tin chính xác, đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan báo chí, định hướng dư luận xã hội, "nắn dòng" thông tin sai lệch, xấu độc, từ đó có thể chiếm lĩnh được “không gian ảo” trên môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay.

PV: Ông có thể chia sẻ một chút về nghề báo cũng như công việc cá nhân hiện tại? Ông có dự định gì về mảng đề tài thông tin tội phạm trong thời gian tới?

Thượng tá, TS Nguyễn Đăng Khang: Hiện nay tôi đang cùng các đồng nghiệp tổ chức các bản tin thời sự hằng ngày phát sóng trên kênh ANTV. Để tạo những ảnh hưởng tích cực, tôi luôn cho rằng báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính thống cho công chúng để gạt đi những lời đồn đại, thông tin xấu độc.

Thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên báo chí là xác thực, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “suy đoán vô tội” góp phần bảo đảm công lý. Ngược lại, nếu báo chí không tuân thủ nguyên tắc này sẽ vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền công dân và để lại hậu quả khôn lường cho toàn xã hội. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng một số hướng nghiên cứu khác liên quan đến đề tài như xây dựng hệ thống thông tin tội phạm trên báo chí phục vụ mục đích tuyên truyền phòng, chống tội phạm…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)
.
.