Chợt mừng lại chợt lo với bóng bàn trẻ

Thứ Năm, 29/06/2023, 06:50

Đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành tấm HCV lứa tuổi U17 nam tại Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2023 đã mang lại niềm vui cho người trong nghề và người hâm mộ. Nhưng sau niềm vui bất ngờ ấy, người ta lại chợt lo khi nhìn vào sự đầu tư cho các tay vợt Việt Nam nói chung, trong đó có các tay vợt trẻ.

Niềm vui bất chợt

Trước ngày lên đường dự Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2023 tại Brunei, đội tuyển Việt Nam với thành phần chủ yếu từ các lò đào tạo danh tiếng như T&T, Quân đội, Hà Nội, Hải Dương… cũng chỉ kỳ vọng giành huy chương chứ không đặt ra mục tiêu giành HCV. Đơn giản vì ở nhiều giải trước đó, các tay vợt trẻ Việt Nam không thể giành HCV trước sự vượt trội về kinh nghiệm thi đấu của các tay vợt đến từ Singapore, Thái Lan…

Thế nhưng, bất ngờ đã xảy đến ở nội dung U17 nam, một trong số ít nội dung gây chú ý tại giải. Ở đó, tay vợt trẻ Nguyễn Hoàng Lâm đến tử lò đào tạo Quân đội, vốn được gửi “tập ké” đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tập trung tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia bằng kinh phí của thể thao Quân đội, đã lên ngôi vô địch sau khi vượt qua tay vợt người Singapore trong trận chung kết. Chính phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn cũng gọi đây là bất ngờ vì thực sự ở lứa tuổi U17, nhiều tay vợt trẻ các nước thuộc Đông Nam Á đã có bước phát triển mạnh về chuyên môn, kinh nghiệm trận mạc tốt hơn hẳn các tay vợt Việt Nam.

Chợt mừng lại chợt lo với bóng bàn trẻ -0
Tay vợt Nguyễn Hoàng Lâm trên bục nhận huy chương tại Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2023.

Gọi là bất ngờ nhưng thực tế chức vô địch này cũng trong tính toán của Ban huấn luyện, nhất là khi tay vợt Nguyễn Hoàng Lâm đã có mặt ở trận chung kết. Lúc đó, tất cả đều tin rằng lối đánh của Hoàng Lâm có thể “trị” được giơ “cắt” cực kỳ hiệu quả của tay vợt Singapore, có thể khiến đối thủ “hết hơi” rồi tự thua. Thực tế, Nguyễn Hoàng Lâm - tay vợt trẻ vô địch U15 quốc gia năm 2022, đang ở tuổi 16, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất nhiên, người trong cuộc cũng nhận xét, nếu phải thi đấu thêm 1 séc nữa, tay vợt Việt Nam có thể “hết pin” trước lối phòng thủ bền bỉ của tay vợt Singapore.

Đó cũng là tấm HCV duy nhất tại giải năm nay và là đầu tiên sau hơn chục năm của bóng bàn Việt Nam tại Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á. Với người trong nghề, gắn bó với đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia trong đó có HLV trưởng Bùi Xuân Hà, đó là dấu mốc thực sự của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia sau nhiều năm được duy trì.

Trong hành trình đó, có lúc điều kiện tập luyện của đội còn ở mức “tối thiểu” như nhìn nhận của người trong nghề. Và phải nhờ đến nỗ lực từ phía Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và tự thân Ban huấn luyện với sự đồng hành của một số doanh nghiệp thì đội mới được duy trì, đầu tư trang thiết bị tập luyện, có cơ hội tập huấn nước ngoài. Cũng có lúc, việc tập trung đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia bị nghi ngờ về tính hiệu quả nhưng rõ ràng, tấm HCV vừa qua là một phần của câu trả lời cho những nghi ngại đó. Và như ông Phan Anh Tuấn đánh giá, thành tích này là sự động viên tinh thần rất lớn cho các tay vợt trẻ, cho công tác đào tạo trẻ của bóng bàn Việt Nam.

Nỗi lo muôn thuở

Sau khi đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam trở về Hà Nội vào tuần trước, các tay vợt đã bắt tay ngay vào tập luyện. Nhưng tập luyện chỉ là một phần trong hành trình phát triển của các tay vợt bóng bàn hiện nay. Muốn tiến nhanh, tiến chắc, chắc chắn VĐV phải được thi đấu quốc tế liên tục. Đó cũng là lý do giải thích cho việc các tay vợt trẻ Singapore, Thái Lan, thậm chí là Philippines dự Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á vừa qua đã có tên trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng bàn thế giới. Các tay vợt này liên tục được thi đấu quốc tế, đặc biệt các giải đấu trong hệ thống Pro Tour của bóng bàn thế giới.

Trong khi đó, việc thi đấu quốc tế, nhất là những giải trong hệ thống Pro Tour của bóng bàn thế giới với các tay vợt Việt Nam, đặc biệt là các tay vợt trẻ, vẫn là xa xỉ. Ngay như hành trang thi đấu quốc tế của nhà tân vô địch trẻ Đông Nam Á Nguyễn Hoàng Lâm cũng chỉ là con số 0 cho đến trước giải vô địch trẻ Đông Nam Á 2023. Có lẽ, nhờ yếu tố bản lĩnh bẩm sinh thì tay vợt này mới có thể lên ngôi vô địch trước đối thủ dày dạn hơn nhiều về kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Còn một số đồng đội của Hoàng Lâm đã không còn là chính mình khi bị “ngợp” ở sân chơi này trong khi nhiều tay vợt nước ngoài lại thoải mái vào cuộc để thể hiện hết khả năng.

Câu chuyện giờ nằm ở việc, với đà đầu tư cho thi đấu quốc tế hiện nay thì liệu năm sau nhà vô địch trẻ Đông Nam Á Nguyễn Hoàng Lâm cùng các đồng đội sẽ đi đến đâu trước các đối thủ từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Singapore, Thái Lan, Philippines? Đó cũng là nỗi lo muôn thuở của bóng bàn Việt Nam. Người trong cuộc đều hiểu rõ kết cục khi nhìn vào trường hợp của các tay vợt đội tuyển quốc gia. 2-3 năm trước, họ lấn lướt trước các tay vợt trẻ Singapore nhưng đến SEA Games 32 vừa qua, tất cả đều phải công nhận các tay vợt trẻ Singapore đã vượt trội ở nhiều nội dung trong khi các tay vợt Việt Nam đều chững lại. Tất cả đều nằm ở việc đầu tư thi đấu quốc tế cho các tay vợt.

Như HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà nhận định, khó có thể chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế còn hạn hẹp từ phía bộ môn bóng bàn của Tổng cục TDTT. Bởi rõ ràng, nguồn kinh phí ấy còn chưa lo đủ nhu cầu của đội tuyển bóng bàn quốc gia thì khó nói tới đội trẻ. Tất nhiên, người hiểu chuyện cũng hiểu theo cách khác trong đó có thể sử dụng nguồn kinh phí đó cho số ít tay vợt trẻ, để họ được thi đấu quốc tế nhiều hơn thay vì dồn hết vào Giải vô địch trẻ Đông Nam Á với hơn 20 thành viên.

Minh Hà
.
.