Italia – Tây Ban Nha và hai sắc thái tương phản

Thứ Hai, 27/06/2016, 08:59
Mấy ai dám nghĩ tới cái cảnh Italia và Tây Ban Nha (TBN) sớm đụng độ từ vòng 1/8. Màn tái hiện trận chung kết EURO 2012 diễn ra trong hoàn cảnh cả hai đội tuyển sớm đang trải qua cuộc chuyển giao thế hệ.

Nhưng trên tất cả, vẫn còn đó những đặc tính cơ bản làm nền thương hiệu của hai nền bóng đá trứ danh.

Có thể coi Italia là cổ đại, TBN là tân thời. Người Italia dù có xoay chuyển chiến thuật, sản sinh ra những tiền vệ tấn công đậm chất hiện đại thì vẫn cứ đi theo một dòng chảy xuyên suốt, là nghệ thuật catenaccio.

Người TBN, dù đã bắt đầu trưng dụng những tiền vệ biên tốc độ và lựa chọn những hậu vệ biên thực dụng cũng không bao giờ rời xa triết lý tiqui-taca.

Italia – Tây Ban Nha và hai sắc thái tương phản khác nhau.

Nếu Italia nổi tiếng với loại vang nho hảo hạng, ngâm càng lâu càng ngấm, phải uống từ từ mới cảm nhận hết cái ngon thì TBN giống thức rượu trộn, càng uống càng “say”, cứ như người nghệ sỹ đi trên dây giữa mơ và thực.

HLV Conte dù sở hữu rất nhiều hào thủ tấn công, có trong tay một Insigne được mệnh danh là “Maradona của Italia” nhưng lại dùng cặp tiền đạo “cục mịch” Pelle – Eder, tối giản lối chơi xuống mức tối thiểu có thể, dùng sự thực dụng tới khô khan buộc đối phương tự mắc sai lầm.

HLV Del Bosque đã từ bỏ ý tưởng dùng “số 9 ảo”, yêu cầu các tiền vệ và hậu vệ biên chăm tạt cánh cho những tiền đạo “thuần chủng” là Morata và Aduriz song khi bế tắc, vẫn phải cậy nhờ ở Iniesta và Silva – hai công thần còn sót lại từ EURO 2008, cột mốc đánh dấu sự phát triển của tiqui-taca.

Trong quá khứ, người Italia từng kịch liệt phản đối những cầu thủ nhập tịch thì nay, kể từ sau World Cup 2006, truyền thống dùng hàng “nhập” luôn được các đời HLV duy trì.

Quay ngược bánh xe lịch sử, bóng đá TBN từng thay đổi bản ngã, chuyển từ bóng đá tổng lực sang bóng đá tinh tế sau hàng loạt những thất bại ở World Cup thì giờ đây, họ không bao giờ lựa chọn lối chơi giàu thể lực, cày ải khắp mặt sân để chiến thắng.

Bóng đá Italia luôn sẵn sàng chơi rắn, như vụ Mauro Tassotti đấm vỡ mũi Luis Enrique hồi World Cup’94 và lưu giữ những phẩm chất có phân thô bạo ấy tới ngày nay (Chiellini).

Bóng đá TBN chưa bao giờ thiếu đi những “kịch sỹ” sân cỏ, và sau hàng thập kỷ, nét chấm phá đó chưa từng biến mất khỏi bức tranh bóng đá TBN, mà điển hình là Sergio Busquets.

Hai nền bóng đá giàu bản sắc, có tính tự tôn dân tộc cao, nay lại gặp nhau trong cảnh “oan gia ngõ hẹp”. Thất bại ở 1/8 là cái tát quá mạnh vào nền bóng đá của từng quốc gia, nhưng đêm nay, chỉ một sắc thái lên ngôi.

Khải Huyền
.
.