Quy hoạch TP Hồ Chí Minh khâu đột phá cần có trọng tâm, trọng điểm

Thứ Tư, 28/02/2024, 16:46

Ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn xin ý kiến đối với Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu… 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, cửa ngõ kết nối vùng; là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây cũng là thành phố có đóng góp gần 20% GDP cả nước và 25% tổng thu ngân sách.

Quy hoạch TP Hồ Chí Minh khâu đột phá cần có trọng tâm, trọng điểm -0
Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cần xác định khâu đột phá, đưa thành phố phát triển.

Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhiều tiềm năng, thế mạnh của địa phương và các đột phá sáng tạo chưa được khai thác hiệu quả, tăng trưởng kinh tế chưa tương ứng tiềm năng lợi thế, kỳ vọng, vai trò đầu tàu, dẫn dắt đang có xu hướng suy giảm. Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng thấp hơn trung bình cả nước; tỷ trong công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần; cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp còn lạc hậu, dựa nhiều vào thâm hụt lao động.

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi  bày tỏ mong muốn nhận được sự tham vấn, góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học để làm sao bản quy hoạch có thể nhận diện hết các điểm nghẽn, khai mở hết các tiềm năng, tạo không gian và động lực mới cho sự phát triển của TP.

Về mục tiêu tổng quát, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Tầm nhìn đến năm 2050, TP Hồ Chí Minh là thành phố toàn cầu bền vững, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, đáng sống, hạt nhân của vùng TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.

Dự thảo Quy hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong việc thực hiện quy hoạch; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh áp dụng các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… và một số lĩnh vực kinh tế đặc thù: Kinh tế đô thị, kinh tế biển...; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; thích nghi với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bằng nhiều nguồn lực; phát triển mạnh mẽ văn hóa-xã hội, giáo dục và đạo tạo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng con người của TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình; bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hòa nhập quốc tế; cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả quản trị đô thị.

Cùng với đó là 5 khâu đột phá trong: Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và liên kết vùng; huy động các nguồn lực phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược; đột phá trong việc triển khai thực hiện một số siêu dự án có tầm chiến lược.

Để đảm bảo quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu tham dự sự kiện đã tập trung cho ý kiến về việc xác định các vấn đề trọng tâm, các khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch, các vấn đề trọng tâm cần giải quyết đã xác định hợp lý. Bên cạnh đó, xác định lại quan điểm mục tiêu, tầm nhìn trong thời kỳ quy hoạch, cùng với đó, xác định các ngành kinh tế ưu tiên, giải pháp thực hiện các vấn đề về định hướng phát triển các ngành kinh tế biển, công nghiệp cao, kinh tế xanh, công nghiệp bán dẫn, kinh tế tuần hoàn…

Trân Trân
.
.