Hai ngày cuối cùng không thể nào quên ở Trại Davis

Thứ Năm, 27/04/2023, 07:11

Từng là sĩ quan phiên dịch của đoàn đại biểu quân sự ta trong Trại Davis, tác giả kể lại câu chuyện từ ký ức của một nhân chứng lịch sử và những tài liệu mà ông tiếp cận được trong những năm qua.

Cuối chiều ngày 28/4/1975, ông Dương Văn Minh tiếp nhận chức tổng thống từ ông Trần Văn Hương. Buổi lễ nhậm chức vừa kết thúc thì một tốp máy bay A.37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, gây nên cảnh hỗn loạn tại hội trường của Quốc hội Sài Gòn. Tại Đại sứ quán Mỹ cũng diễn ra cảnh hỗn loạn tương tự. Ở Trại Davis, hai đoàn đại biểu quân sự ta đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu. Từng là sĩ quan phiên dịch của đoàn đại biểu quân sự ta trong Trại Davis, tác giả kể lại câu chuyện từ ký ức của một nhân chứng lịch sử và những tài liệu mà ông tiếp cận được trong những năm qua.

Ngày 28/4/1975, đơn vị chúng tôi vừa hoàn thành việc xây dựng một hệ thống hầm hào chiến đấu vững chắc dưới lòng đất, gồm công sự, hầm trú ẩn, hào giao thông, hầm chỉ huy, hầm cứu thương, mạng thông tin và các hầm dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, dầu đèn, nước sạch. 

Đó là kết quả của gần ba tuần lễ lao động cật lực, khẩn trương, bí mật của gần 300 sĩ quan, chiến sĩ của đơn vị. Gần hai chục tháp canh của quân đội Sài Gòn, bố trí ngay bên kia hàng rào, không phát hiện ra bất kỳ điều gì bất thường trong khuôn viên Trại Davis. 

Lúc đó đã gần 6h chiều. Trời cuối mùa khô trong xanh và vẫn còn ánh nắng. Tiểu đội anh nuôi đang bận rộn chuẩn bị bữa cơm chiều, còn anh em đang chơi thể thao, tập thể dục và chăm sóc các luống rau xanh. Đột nhiên, một tốp 5 máy bay A.37 xuất hiện trên bầu trời sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng lần lượt bổ nhào và thả những quả bom hình bầu dục đen trũi lướt qua đầu chúng tôi, rồi rơi xuống bên kia hàng rào của Trại Davis. Khói đen và lửa đỏ bốc lên cuồn cuộn, mảnh bom cùng đất đá, vật liệu các loại văng tung tóe. Cát bụi bay mịt mù. Đám lính Sài Gòn kêu la hoảng hốt. Từ các ổ súng phòng không, vang lên tiếng súng đại liên bắn trả yếu ớt.

Trước đó, Đảng ủy của hai đoàn đại biểu quân sự ta đã quyết định sẽ bám trụ chiến đấu như một đơn vị ém sẵn trong lòng địch. Sau khi nghiên cứu kỹ “kế hoạch giải cứu Trại Davis” nhận được từ Bộ Chỉ huy B2, Đảng ủy nhận thấy việc tổ chức cho gần 300 con người rút ra khỏi vòng vây dày đặc của địch trong lúc chiến sự diễn ra ác liệt là một nhiệm vụ phức tạp, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro về bảo toàn lực lượng. Hai là, rút lui sẽ đánh động đối phương về ý đồ và kế hoạch chiến đấu của ta. Ba là, rút lui sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tình báo và nghi binh chiến lược được cấp trên giao phó. Và, sau cùng, việc xây dựng hệ thống công sự vững chắc sẽ giảm thiểu rủi ro về tổn thất lực lượng. Có thể nói rằng, ở lại Trại Davis để chiến đấu là một quyết định dũng cảm, chính xác và phù hợp với tình hình thực tế. 

Cũng vào thời điểm này, ở Quốc hội Sài Gòn, ông Dương Văn Minh vừa tiếp nhận chức tổng thống từ ông “tổng thống một tuần” Trần Văn Hương, bằng một bài phát biểu nhậm chức ngắn gọn. Ông Minh kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và thương lượng hòa bình. Ông cũng hứa sẽ thành lập một chính phủ bao gồm cả những người có lập trường hòa giải.

Tiếp đó, ông Dương Văn Minh, với tư cách là Tổng tư lệnh, giao cho “các chiến hữu trong quân lực Việt Nam Cộng hòa” nhiệm vụ “phải bảo vệ phần lãnh thổ còn lại của quốc gia..., phải kiên định tinh thần, siết chặt đội ngũ, giữ vững vị trí chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ”. 

Cuối cùng, ông Minh giới thiệu với Quốc hội tân Thủ tướng và tân Phó Tổng thống. Giữa tiếng vỗ tay lộp bộp và những khuôn mặt đầy lo âu của cử tọa, bỗng một ánh chớp sáng lòe quét qua Hội trường. Ngay sau đó là một loạt tiếng nổ lớn, làm rung chuyển thành phố. Cả Hội trường trở nên hỗn loạn. Lúc này là đúng 5h50 chiều.

Vào thời điểm này, năm cánh quân của ta đã áp sát nội đô Sài Gòn. Hai ngày trước đó, sáng 26/4/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã ra tuyên bố đòi Mỹ chấm dứt can thiệp vào tình hình nội bộ miền Nam và kêu gọi lật đổ chính quyền Sài Gòn. Ông Minh còn gì để thương lượng và còn bao nhiêu lãnh thổ để bảo vệ? Ông chẳng có gì và tất cả đã quá muộn.

Ở Đại sứ quán Mỹ đã xảy ra một cảnh tượng hoảng loạn tương tự, được Frank Snepp kể lại tường tận trong cuốn hồi ký “Decent Interval”. Xin trích dịch lại một số đoạn của tác giả Snepp để bạn đọc hình dung ra tình cảnh ở Đại sứ quán Mỹ lúc đó.

“Báo cáo của Phòng Tùy viên quân sự về sự cố rất ngắn gọn: “Vào hồi 18h, một phi đội 5 máy bay A.37 được trang bị bom MK.81 đã tấn công khu vực gần đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Sáu quả bom rơi trúng khu vực đỗ máy bay của không lực Việt Nam Cộng hòa, phá hủy nhiều máy bay. Hai quả bom cuối cùng đã rơi trúng Trung tâm điều không và tháp chỉ huy sân bay...”.

Tôi đang ngồi ở bàn làm việc khi tốp máy bay xuất hiện, được báo hiệu bằng mấy loạt đạn lạc. Rồi, cả thế giới dường như nổ tung trong những tiếng nổ điếc tai của súng máy và pháo phòng không. Tôi cố đứng lên, nhưng hai đầu gối cứ khuỵu xuống. Tôi cố đứng lên một lần nữa và chạy lom khom ra hành lang, cố giữ đầu và hai vai bên dưới khung cửa sổ. Các đồng nghiệp ở phòng bên cạnh hoảng loạn chạy nhào ra hành lang. Một số ngã dúi dụi xuống sàn nhà, bò lết trên mặt sàn, mấy đầu ngón tay cào mặt sàn như những con thú đang đào lỗ để lẩn trốn.

Tôi dừng lại một phút để lấy hơi, rồi chạy lom khom trở lại phòng làm việc. Quỳ hai gối xuống cạnh chiếc điện thoại an ninh, tôi quay số gọi Phòng Tùy viên quân sự. Tiếng trả lời từ đầu dây bên kia bị át đi trong tiếng bom và tiếng súng máy.

- Chúng ta đang bị tấn công trực diện. Một tốp máy bay A.37 vừa ném bom xuống gần đường băng sân bay. Một số máy bay bị phá hủy, một số chiếc đã nổ máy để tháo chạy, nhưng phần lớn vẫn nằm im tại chỗ. Tình hình rất tệ. Tình hình bên anh thế nào?

 - Tôi không thể nói gì lúc này, tôi trả lời. Mấy chiếc máy bay đang gầm rú ngay trên đầu chúng tôi. Ngoài phố người ta đang bắn loạn xạ...

Tôi  đặt ống nghe xuống và lật đật chạy đến văn phòng ông Polgar. Hai cô thư ký của Polgar đang ngồi như hóa đá ở bàn làm việc, cách cửa sổ chỉ vài bước chân. “Chui ngay xuống gậm bàn!”, tôi hét lên và chạy qua mặt họ để vào văn phòng ông Polgar...

Bỗng ai đó hốt hoảng hét lên từ phía cầu thang: “Họ đã lọt vào trong hành lang rồi!”. Dường như tôi không phải là người duy nhất bị ám ảnh bởi cảnh tượng kinh hoàng năm 1968, khi biệt động Cộng sản tấn công vào tòa nhà Đại sứ quán. Từ hai đầu hành lang, nghe rất rõ tiếng lách cách đồng loạt của kim loại va chạm vào nhau, khi các băng đạn được ấn vào ổ súng...

Rồi có một người hô lớn: “Báo động giả. Đại sứ quán vẫn an toàn... Không phải tấn công trên bộ. Đấy là một cuộc tấn công bằng không quân xuống sân bay Tân Sơn Nhất!

Trên sân thượng của tòa nhà Đại sứ quán, Polgar đang cố lập lại trật tự. Ông ta giơ cao hai tay: “Ổn rồi, ổn rồi. Hãy bỏ vũ khí xuống nào. Không phải là một cuộc tấn công trên bộ...”.

1.jpg -0
Chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn cắm cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước tại Trại Davis lúc 9h30 phút ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu.

Sau trận ném bom, cuộc sống ở Trại Davis nhanh chóng trở lại bình thường. Tiếng cười nói râm ran quanh các bàn ăn, xen lẫn những lời bình luận sôi nổi về “món đặc sản” mà tốp máy bay A.37 do người Mỹ chế tạo vừa “thết đãi” đám tay sai Sài Gòn. Ai cũng tin trận ném bom là do không quân Sài Gòn phản chiến. Lực lượng không quân mà phản chiến có nghĩa là nội bộ địch đã rối loạn. Thật không có gì vui hơn thế.

Tối 28/4/1975, toàn đơn vị chúng tôi được lệnh ngủ dưới hầm và tổ chức cảnh giới cẩn thận. Mọi người thao thức, không sao ngủ được. Bỗng có tiếng rít của đạn bay, rồi tiếng nổ đinh tai của pháo hạng nặng làm rung chuyển sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi được Ban Chỉ huy đơn vị thông báo pháo binh ta đã bắt đầu tấn công sân bay. Lúc này là gần 4h sáng ngày 29/4/1975.

Cả sân bay chìm trong khói lửa. Những tiếng nổ ngày càng đanh hơn, dày hơn. Một số quả đạn pháo bay xèn xẹt trên đầu, rồi rơi xuống khuôn viên Trại Davis. Tiếng nổ xé tai, làm rung chuyển các căn hầm. Đất đá, mảnh đạn văng rào rào. Rồi đèn điện phụt tắt, nhưng sân bay vẫn sáng choang vì các đám cháy mỗi lúc một lan rộng. Binh lính Sài Gòn bên kia hàng rào Trại Davis chạy tán loạn để tìm chỗ ẩn nấp. 

Sau những loạt đạn pháo đầu tiên, chúng tôi nhận được lệnh phải ở dưới hầm để tránh thương vong. Trung sĩ Nguyễn Quang Hòa và Đại úy Nông Văn Hưởng vừa hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cảnh giới trên mặt đất. Đã xảy ra tổn thất đau thương, nhưng chiến đấu là vậy. Vả lại, đơn vị chúng tôi ở trong sân bay Tân Sơn Nhất, là một trong 5 mục tiêu trọng điểm mà quân ta phải tấn công và làm tê liệt hoàn toàn. Nhưng trận địa pháo của ta đặt cách Tân Sơn Nhất hơn hai chục cây số, nên đạn lạc vào Trại Davis là điều khó tránh khỏi.

Đại pháo ta bắn lúc cấp tập, lúc cầm chừng suốt cả ngày và đêm 29/4/1975. Gần nửa đêm, một viên trung tá của Sư đoàn dù Sài Gòn bên cạnh Trại Davis lập cập chạy sang xin gặp sĩ quan ta. Trong tâm trạng hoang mang cực độ, anh ta nói trong hơi thở đứt quãng: “Pháo của các ông bắn khủng khiếp quá... Xin các ông cho biết bây giờ chúng tôi phải làm gì?”.

Đồng chí sĩ quan ta bình tĩnh trả lời: “Bây giờ các anh nên trở về đơn vị và hạ vũ khí. Khi Quân giải phóng đến thì các anh nộp vũ khí và đầu hàng vô điều kiện. Nghe theo lời khuyên của chúng tôi sẽ tốt cho các anh đấy”. Viên sĩ quan dù Sài Gòn cun cút chạy về đơn vị.

Khoảng nửa đêm, qua chiếc đài bán dẫn, Ban Chỉ huy đơn vị nghe ông Dương Văn Minh ra lệnh các đơn vị quân Sài Gòn “cứ ở nguyên vị trí của mình, trong khi chính phủ đã cho người đi thương lượng với phía bên kia...”. Ông Minh đâu biết ba vị đại diện - Luật sư Châu Tam Luân, Linh mục Chân Tín và Giáo sư Phạm Ngọc Liễng, mà ông phái đến Trại Davis đang bị “mắc kẹt” ở căn hầm dự phòng của Ban Chỉ huy đơn vị chúng tôi. Khi họ xin gặp phái đoàn ta để thảo luận việc “bàn giao chính quyền”, Đại tá Võ Đông Giang đã đồng ý tiếp họ với tư cách cá nhân. Ông Giang thẳng thắn bảo họ về khuyên ông Dương Văn Minh đầu hàng ngay, bởi ông ấy “chẳng còn gì để mà thương lượng nữa”.

Nghe ông Giang nói vậy, họ xin phép trở về Sài Gòn. Nhưng, do đại pháo ta bắn quá dữ dội nên họ đã ở lại để bảo đảm an toàn cho đến lúc pháo ngớt rồi trở về Sài Gòn. Dưới làn đạn rền vang của pháo binh ta, họ có một đêm trò chuyện thú vị với Đại tá Giang về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Họ còn được ông đãi trà Hồng Đào, thuốc lá Điện Biên, kẹo Hải Hà từ Hà Nội gửi vào và những quả chuối chín vàng mà các chiến sĩ ta tự tay vun trồng trong Trại Davis.  

Sáng sớm ngày 30/4/1975, xung quanh Trại Davis vắng tanh. Con đường phía trước cổng ngập tràn những quân phục, giày da, mũ sắt, ba lô, quân hàm, quân hiệu của binh lính Sài Gòn. Họ đã tan rã và tháo chạy tự bao giờ.

Đại pháo của ta bắn cấp tập đến 8h sáng, sau đó thưa dần và ngừng hẳn. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và Đại tá Võ Đông Giang tiễn ba phái viên của ông Dương Văn Minh ra cổng để trở về Sài Gòn thì cũng là lúc một đơn vị mũi nhọn của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 Quân giải phóng tiến vào để tiếp quản Trại Davis. Hai chiến sĩ của phái đoàn ta được lệnh trèo lên đỉnh tháp nước, điểm cao nhất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, để treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng. Đây là một trong những lá cờ cách mạng đầu tiên được giương cao ở TP Sài Gòn. Lúc này là 9h30 sáng (giờ Sài Gòn) ngày 30/4/1975...

Phan Đức Thắng
.
.