Những “đứa con” của Hà Nội

Thứ Bảy, 31/03/2018, 09:08
Sau cuộc “chuyển khẩu” của CLB Hà Nội vào TP HCM và đổi tên thành CLB Sài Gòn, đội bóng Thủ đô lại đứng trước một “di cư” mới vào Hà Tĩnh.

Năm 2016, khi V.League mới trải qua được 4 vòng đấu, CLB Hà Nội tuyên bố sẽ chuyển “hộ khẩu” vào TP HCM và đổi tên thành CLB Sài Gòn. Cuộc chuyển đổi này được người trong cuộc lý giải nhằm mục đích giúp đội bóng phát triển bền vững hơn. Bởi khi chuyển vào TP HCM sẽ dễ kêu gọi những nguồn lực tài trợ đến từ nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, CLB Hà Nội được ví như “con đẻ” của Hà Nội T&T (bây giờ là Hà Nội FC) nên sẽ khó cạnh tranh khán giả khi cùng ở trong một thành phố. Ngoài ra, việc di cư của đội bóng dưới sự dẫn dắt của HLV Đức Thắng thời điểm đó cũng được xem là nguyện vọng của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Bởi đã nhiều năm thành phố này không có đội bóng ở sân chơi V.League.

Cuộc chuyển đổi ấy đã nhận được nhiều phản ứng gay gắt của dư luận khi mùa giải đang diễn ra. Thậm chí, ngay cả những người trong cuộc cũng tỏ ý không hài lòng khi đội bóng Hà Nội tận dụng những kẽ hở của quy chế bóng đá chuyên nghiệp, hợp thức hoá thủ tục. 

Theo lý giải của VFF thì CLB Hà Nội chỉ chuyển đổi địa điểm và tên đội bóng chứ không thực hiện việc chuyển đổi chủ sở hữu nên đã được chấp thuận.

Đội bóng hạng Nhất của CLB Hà Nội. Ảnh: HN FC

Sau 2 năm chuyển giao, Sài Gòn FC với nòng cốt ban lãnh đạo và cầu thủ là người Hà Nội đã ít nhiều để lại dấu ấn ở sân chơi V.League. Đặc biệt, khi đội bóng được đầu tư những nguồn lực từ nhiều doanh nghiệp đã thay da đổi thịt và trở thành đội bóng đầy tiềm năng. 

Cùng với cuộc thăng hạng của CLB TP HCM, đời sống bóng đá của đất Sài Thành đã trở nên sôi động. Tuy nhiên, đến mùa giải 2018, Sài Gòn FC được chuyển giao cho bầu Đại, toàn bộ ban huấn luyện cũ cũng xin rút. 

Cùng với đó, Hà Nội FC cũng gọi luôn những cầu thủ từng cho Sài Gòn mượn về lại Thủ đô. Được biết, “cha đẻ” của Sài Gòn FC muốn rút dần tầm ảnh hưởng của mình tại đội bóng này.

Bây giờ, Hà Nội đang đứng trước cuộc chuyển giao đội bóng hạng Nhất của mình vào vùng trắng bóng đá Hà Tĩnh. Tuy nhiên, việc chuyển đội hạng Nhất của CLB Hà Nội từ Công ty CP Thể thao T&T sang Công ty TNHH Phát triển Thể thao Thịnh Phát để đăng ký thi đấu tại giải hạng Nhất Quốc gia 2018 với tên CLB Hà Tĩnh đã bị VFF tuýt còi. Lý do được đưa ra là vì việc chuyển đổi sở hữu giữa 2 doanh nghiệp này là không đúng quy định, do CLB này chưa tham dự giải hạng Nhất 2018 do VPF tổ chức.

Mặc dù cuộc chuyển giao này vẫn  chưa được thực thi vì những vấn đề liên quan đến pháp lý. Tuy nhiên, giữa Hà nội FC và phía Hà Tĩnh đã đạt được những thoả thuận nhất định, và nhiều người hiểu rằng việc chuyển đổi cũng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo ông Nguyễn Quốc Hội – Chủ tịch CLB Hà Nội thì đây là chuyển giao chứ không hề có sự mua bán hay cho tặng. Và cũng như TP HCM trước đây thì phía tỉnh Hà Tĩnh cũng mong muốn có đội bóng chuyên nghiệp. Thậm chí phía Hà Nội cũng sẽ có sự hỗ trợ về tư vấn kinh nghiệm làm bóng đá và giúp kêu gọi tài trợ.

Phía Hà Nội có tuyến trẻ tốt và như lãnh đạo đội bóng này chia sẻ thì mỗi lần lên hạng đều gặp phải rắc rối  vì quy định là không được có hai đội bóng ở cùng một giải đấu. Bên cạnh đó, lãnh đạo Hà Nội FC cũng bày tỏ quan điểm nếu xét về lý thì không được, nhưng cần ủng hộ vì bóng đá ở các nơi phát triển tốt sẽ giúp ích cho bóng đá Việt Nam.

Đấy là quan điểm cần ghi nhận vì tất cả hướng đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, nhìn vào thực tế, chuyện một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng vẫn là  câu chuyện tranh cãi chưa hồi kết tại V.League. 

Và thử nghĩ xem, nếu một ngày những “đứa con” của Hà Nội thăng hạng và giành vé lên chơi ở V.League, những trận đấu với “cha đẻ” của mình có còn tính khách quan? Đấy cũng là điều sẽ khiến cho nền bóng đá Việt Nam sẽ không xoá được vấn nạn quan hệ.

Muốn các địa phương phát triển bóng đá, chắc chắn cần sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp lớn và những trung tâm bóng đá, những nhà quản lý có kinh nghiệm. 

Thế nhưng, tuyệt nhiên không nên là chuyện cho tặng hoặc chuyển giao một đội bóng đã thành hình hài. Tất cả chỉ phát triển khi được xây dựng bằng nền móng ban đầu từ các tuyến trẻ chứ không nên là chuyện “ăn xổi ở thì”.

Hai ý kiến Ban bóng đá chuyên nghiệp không đồng ý

VFF đã gửi tờ trình lấy ý kiến các thành viên của Ban bóng đá chuyên nghiệp. Đã có 2 thành viên là ông Phạm Ngọc Viễn (Trưởng ban) và ông Cao Văn Chóng cũng đồng quan điểm không đồng ý cuộc chuyển đổi này. Ông Chóng còn đưa thêm lý do “đây không phải là việc chuyển đổi chủ sở hữu để đăng ký thi đấu trong cùng một địa giới hành chính của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp”.

Theo đó, tại điểm a khoản 2, điều 14 có quy định: “CLB, đội bóng được chuyển đổi chủ sở hữu để đăng ký thi đấu trong địa giới hành chính của cùng một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương. Việc chuyển đổi chủ sở hữu CLB, đội bóng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, của VFF và không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của CLB, đội bóng đối với đơn vị tổ chức giải, VFF, giải đấu và các bên thứ ba có liên quan. Nếu vi phạm, CLB sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo Quy định về kỷ luật của VFF. VFF không công nhận việc chuyển đổi chủ sở hữu của CLB, đội bóng trong khi mùa giải đang diễn ra”.

Đội trẻ hạng Nhất của Hà Nội là tập hợp lứa cầu thủ U21 và U19. Đây là lứa cầu thủ được dẫn dắt bởi HLV Phạm Minh Đức.Theo đó, tháng 4 này, giải hạng Nhất Quốc gia 2018 sẽ chính thức khởi tranh. Được biết, Phía Hà Tĩnh cũng đã có kế hoạch làm các thủ tục pháp lý cần thiết cũng như tu sửa sân và các phòng chức năng tại SVĐ Hà Tĩnh để đảm bảo yêu cầu của VPF.        

H.H

Hưng Hà
.
.