Phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo qua mạng ở Bắc Giang

Thứ Tư, 06/09/2023, 08:27

Công an tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giúp người dân, các cơ quan, ban ngành, nhận diện thủ đoạn tội phạm lừa đảo để phòng ngừa. Qua đó, đã phối hợp với ngân hàng, bưu điện… ngăn chặn hàng chục vụ người dân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo; bắt giữ nhiều vụ, hàng chục đối tượng.

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ đối tượng giả danh Công an, Viện kiểm sát, Toà án, lãnh đạo cấp cao gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp; giả danh CSGT thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn; giả danh nhân viên ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online; giả danh cơ quan, tổ chức thông báo “trúng thưởng may mắn”… để rồi bằng nhiều chiêu thức lừa nạn nhân chuyển tiền…

Để giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, Công an tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giúp người dân, các cơ quan, ban ngành, nhận diện thủ đoạn tội phạm lừa đảo để phòng ngừa. Qua đó, đã phối hợp với ngân hàng, bưu điện… ngăn chặn hàng chục vụ người dân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo; bắt giữ nhiều vụ, hàng chục đối tượng có hành vi trên.

Nhờ nhân viên ngân hàng kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường

Ngày 2/9, gia đình bà H.T.T., SN 1963, ở xã Mỹ An, Lục Ngạn làm mấy mâm cơm vừa để mừng con cháu đông đủ trong ngày Quốc Khánh, vừa mừng bà vừa thoát được “cú lừa” 115 triệu đồng. Trong bữa cơm, bà luôn miệng cảm ơn cán bộ Công an và Viettel Lục Ngạn đã giúp bà không bị mất tiền. 115 triệu đồng là số tiền vô cùng lớn đối với người phụ nữ cả đời lam lũ như bà.

Bà T. cho biết, sáng 30/8, bà nhận được số điện thoại lạ, người đàn ông gọi điện cho bà nói là cán bộ Cục CSĐT tội phạm về ma túy, nghi vấn bà T. liên quan tới vụ án buôn bán ma túy. Ông ta liên tục đe doạ, khủng bố tinh thần, nói rằng, bà sẽ bị bắt, phải lĩnh án tử hình. Sau đó, đối tượng yêu cầu bà T. phải chuyển hết tiền trong sổ tiết kiệm để chứng minh tài chính, yêu cầu bà không được nói với ai. Quá lo sợ, bà T. gom hết tiền trong nhà được 115 triệu đồng đem ra cửa hàng Viettel Lục Ngạn để chuyển cho đối tượng.

Phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo qua mạng ở Bắc Giang -0
Cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang tuyên truyền cho người dân về thủ đoạn lừa đảo qua mạng.

Thấy bà T. có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, chị Lâm Thị Liên, Trưởng cửa hàng – người đã được Công an huyện tập huấn về nhận diện và phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua mạng đã cảnh giác, gọi điện cho Thượng uý Lưu Văn Ngọc, điều tra viên Công an huyện Lục Ngạn để thông báo tình hình. Sau khi nhận được tin, Thượng uý Lưu Văn Ngọc đã báo cáo lãnh đạo rồi đến cửa hàng Viettel gặp gỡ, động viên tinh thần và mời bà T. về Công an huyện làm việc, tiếp nhận 115 triệu đồng từ cửa hàng Viettel Lục Ngạn.

Tại Công an huyện, bà T. đã được đồng chí Lưu Văn Ngọc giải thích chi tiết về những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, qua điện thoại. Sau khi nghe giải thích, bà T. đã nhận ra thủ đoạn của các đối tượng, đồng thời cảm ơn Thượng uý Lưu Văn Ngọc và chị Lâm Thị Liên đã giúp bà không mất số tiền trên. Thượng uý Lưu Văn Ngọc đã trao trả cho bà T. số tiền 115 triệu đồng. 

Cũng may mắn như bà T. là bà Nguyễn Thị Ghi, SN 1961, ở thôn Bình An, xã Chu Điện. Bà Ghi cho biết, bà nhận được điện thoại của một người tự xưng là “cán bộ của Bộ Công an” thông báo đang điều tra, bắt giữ một số đối tượng trong đường dây lừa đảo; những đối tượng bị bắt giữ có khai là có chuyển tiền vào tài khoản cho bà. Để tạo niềm tin, đối tượng còn đọc số căn cước công dân, địa chỉ thường trú, số điện thoại của bà Ghi, đồng thời, yêu cầu bà phối hợp với “cán bộ Công an” để điều tra bắt giữ nhóm đối tượng trong tổ chức vẫn đang lẩn trốn. Nhóm này yêu cầu bà giữ bí mật, không được nói với gia đình và phải nhanh chóng chuyển tiền, nếu không bà sẽ bị bắt giam, tịch thu toàn bộ tài sản. Lúc này, bà Ghi rất hoang mang và thực hiện ngay theo chỉ dẫn của đối tượng.

Khi bà ra Phòng giao dịch Sàn thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Lục Nam, thực hiện các bước, ký hoàn thành giao dịch, chỉ chờ đại diện Phòng giao dịch xuất tiền, chuyển theo yêu cầu. Lúc này, cán bộ của ngân hàng thấy bà Ghi liên tục nghe điện thoại, có biểu hiện lo lắng, sợ sệt nên báo tin cho Công an thị trấn Phương Sơn. Công an thị trấn đã cử cán bộ xuống hướng dẫn, trấn an tinh thần, đề nghị ngân hàng dừng ngay việc chuyển tiền, đồng thời trực tiếp nói chuyện qua điện thoại với đối tượng. Thấy không phải bà Ghi, đối tượng tắt máy và ngắt liên lạc. Bà Ghi bày tỏ: "Tôi rất cảm ơn các cán bộ Công an, ngân hàng đã giúp ngăn chặn vụ lừa đảo. Sau vụ việc, tôi mong mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác, không cả tin, nếu có vấn đề gì báo ngay cho cơ quan Công an".

Trường hợp chị Nguyễn Thị N. ở Đào Mỹ, Lạng Giang còn cố chấp hơn khi chồng và Công an viên giải thích vẫn không nghe mà cứ nhất thiết chuyển tiền cho “Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm ma tuý” vì tin rằng, nếu mình không phải tội phạm, “Công an” sẽ trả lại tiền cho mình. Công an xã phải mời ra trụ sở, đã trực tiếp nói chuyện với đối tượng, tuyên truyền, giải thích về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chị N. mới bình tĩnh lại, nhận ra đó là hành vi lừa đảo nên và dừng việc chuyển tiền.

Còn bà H.T.H., SN 1964, ở xã Mỹ Thái, Lạng Giang cũng ngân hàng rút 2 sổ tiết kiệm với số tiền là 155 triệu đồng để chuyển tiền đi.Thấy bà H. lo lắng, hoang mang và liên tục ra ngoài nghe điện thoại nên cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Agribank Tâm Dĩnh đã dừng các thủ tục giao dịch chuyển tiền, báo cho Công an xã Tân Dĩnh. Giám đốc Phòng giao dịch Lương Mạnh Hùng và đồng chí Nguyễn Vũ Hưng, Trưởng Công an xã Tân Dĩnh đã nghe điện thoại của bà H., trực tiếp đối thoại, chất vấn đối tượng trước sự chứng kiến của bà H, đối tượng bị chất vấn lúng túng, không trả lời được các thông tin và tự động ngắt liên lạc. Đến lúc này, bà H. mới nhận ra mình bị lừa đảo. 

Làm tốt công tác tuyên truyền

Được biết, Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an các huyện, thành phố chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền cho cán bộ các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, học sinh các trường học và người dân biết các thủ đoạn của tội phạm, cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ nhiều đối tượng, đường dây tội phạm.

Điển hình nhất, Công an Bắc Giang vừa bắt giữ 40 đối tượng có hành vi giả danh nhân viên ngân hàng, Công an, Viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng nghìn người dân trên cả nước, gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, ban chuyên án đã thu giữ 28 bộ máy vi tính, 31 thiết bị phát sóng Internet, 43 điện thoại di động các loại, 18 thẻ ngân hàng, 61 thẻ sim điện thoại và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Đặc biệt, Công an tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành công văn về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo tuyên truyền, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để các cơ quan, tổ chức và nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; không để tội phạm lợi dụng sự mất cảnh giác, thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi phạm tội. Khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân và doanh nghiệp trên các trang mạng xã hội; không kết bạn với người lạ qua mạng xã hội nhất là khi đối tượng đưa ra những lời hứa về vật chất, nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao trách nhiệm cho từng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác; đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. 

Phương Thuỷ
.
.