Hàng nghìn người tình nguyện hiến máu đáp ứng tiểu cầu cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Chủ Nhật, 03/12/2023, 08:10

Sáng 2/12, hàng nghìn bạn trẻ là thanh niên, sinh viên đã hiến máu tại Ngày hội “Trái tim tình nguyện” lần thứ XV – năm 2023, hưởng ứng Ngày Quốc tế tình nguyện 5/12.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội, nhu cầu sử dụng tiểu cầu rất lớn, để người bệnh không thiếu tiểu cầu là nhờ hàng nghìn người tham gia hiến máu. Họ là những người sẵn sàng làm việc thiện nguyện, ở bất cứ thời điểm nào khi người bệnh cần.

Một mình đến với ngày hội “Trái tim tình nguyện”, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Thương mại Nguyễn Thị Thuỳ Linh chia sẻ em dự định hiến máu từ lâu nhưng do chưa đủ tuổi, nên chưa thực hiện được tâm nguyện. Tình cờ, đọc được thông tin hiến máu trên trang fanpage của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Linh vui mừng khi chương trình hiến máu diễn ra vào ngày 2/12 đúng là ngày em tròn 18 tuổi, đủ tuổi để hiến máu. Nguyện vọng của nữ sinh viên là được làm việc có ý nghĩa vào ngày sinh nhật của mình và mong máu của mình có thể cứu được người bệnh nào đó.

hiến máu 1.jpg -0
Sinh viên Nguyễn Thị Thuỳ Linh hiến máu vào ngày em tròn 18 tuổi.

TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, bắt đầu từ năm 2009 đến nay, ngày hội “Trái tim tình nguyện” được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị dịp cuối năm. Được tổ chức vào dịp Ngày Quốc tế tình nguyện 5/12 hằng năm, sự kiện là dịp để ghi nhận, tri ân những đóng góp của các tổ chức, tình nguyện viên, những người luôn tình nguyện mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội và cộng đồng. Qua đó tiếp tục lan tỏa tinh thần nhân ái, sẻ chia, xung kích, tình nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...

“Hiện nay, nhu cầu máu cho điều trị mỗi ngày trên toàn quốc là 5.500 đơn vị, Trung tâm Máu Quốc gia cần 35.000 – 40.000 đơn vị máu/tháng để cung cấp cho 180 bệnh viện của 27 tỉnh, TP phía Bắc và hỗ trợ một số bệnh viện ở phía Nam. “Viện cần khoảng 110.000 đơn vị máu và 12.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách trong 3 tháng tới (12/2023 – 2/2024) để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị của 182 cơ sở y tế. Ngày hội hiến máu “Trái tim tình nguyện”, chúng tôi dự kiến thu được 3.000 đơn vị. Nhu cầu máu nhóm O vẫn rất cao so với các nhóm khác, Viện mong muốn người dân có nhóm máu O, nếu đủ điều kiện sức khỏe sẽ tham gia hiến máu ngay trong thời gian này”, TS Quế nói.

Nhiều người hiến máu đặt câu hỏi, tại sao họ hiến máu tình nguyện không lấy tiền, nhưng người bệnh lại phải trả tiền khi sử dụng máu? TS Quế cho hay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, hoạt động hiến máu để bền vững và an toàn phải dựa trên lực lượng hiến máu tình nguyện, hiến máu nhắc lại và thường xuyên. Hiến máu tình nguyện là trên tinh thần thiện nguyện, để máu đạt chuẩn đến tay người bệnh đòi hỏi nhiều chi phí, từ khâu tổ chức, vận động, vật tư tiêu hao, xét nghiệm, sàng lọc để đảm bảo an toàn, điều chế, chiết tách các thành phần máu, bảo quản, lưu trữ và cung cấp máu.

“Trên thế giới, trừ một số quốc gia miễn phí cho dịch vụ y tế, còn các nước khác, dù người hiến máu tình nguyện, miễn phí, nhưng người bệnh khi sử dụng máu và chế phẩm máu để cấp cứu, điều trị thì phải chi trả”, TS Quế cho biết.

Theo quy định, người hiến máu tình nguyện có giấy chứng nhận nếu phải truyền máu tại các bệnh viện công lập, sẽ được bồi hoàn miễn phí lượng máu bằng với số lượng đã hiến. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho người thân của người hiến (trường hợp người hiến không sử dụng máu) và các đối tượng này vẫn phải chi trả như các bệnh nhân khác. Trung tâm Máu Quốc gia đang đề xuất xây dựng quỹ để hỗ trợ máu miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, khó khăn, những người không đủ khả năng chi trả chi phí cho nhu cầu máu điều trị.

Trần Hằng
.
.