Thầy Park, Thành Lương và chuyện của bóng đá Việt

Thứ Tư, 01/05/2019, 09:56
Tiền vệ Thành Lương đã khước từ lời mời trở lại đội tuyển quốc gia của HLV Park Hang-seo. Đó là điều mà không phải bất cứ cầu thủ nào cũng dễ dàng làm được.

Sau khi chứng kiến Thành Lương gây ấn tượng tại sân chơi V.League, đặc biệt trong chiến thắng của Hà Nội trước Hải Phòng, HLV Park Hang-seo đã đặt vấn đề mời anh trở lại đội tuyển quốc gia. Lương “dị” vốn là của hiếm của bóng đá Việt Nam, và điều đó đã lọt vào mắt xanh thầy Park.

Tuy nhiên, Thành Lương vẫn bảo lưu quan điểm như cách đây 2 năm khi anh giải nghệ. Anh chỉ có thể nói lời cảm ơn thầy Park và dành những cơ hội ấy cho các cầu thủ trẻ. “Tôi không phải từ chối nghĩa vụ với ĐTQG mà thấy mình nên dừng lại để tạo cơ hội cho các em trẻ” – đó là câu trả lời khi chia tay đội tuyển.

Còn khi được thầy Park đặt vấn đề, Thành Lương chia sẻ: “Tôi cảm ơn HLV Park Hang-seo cũng như người hâm mộ vẫn còn nhớ tới tôi. Thực sự, đó là tự hào và vinh dự nghề. Tôi đã chia tay ĐTQG từ sau AFF Cup 2016, lâu nay vẫn cổ vũ cho các đội tuyển của chúng ta.

Thành Lương là biểu tượng của một thế hệ. Ảnh: H.A.

Nếu thầy Park hay đội gặp vấn đề, ở thời điểm hay hoàn cảnh khó khăn thì tôi không bao giờ dám từ chối lời đề nghị trân trọng như thế. Thế nhưng lâu nay dưới thời HLV Park Hang-seo, các ĐTQG đều chơi tốt. Mọi thứ đều đang rất ổn, thế nên tôi thấy không cần thiết...

Thời chúng tôi, nhiều thứ không bằng, không làm được như các em. Khi quyết định từ giã ĐTQG, tôi cho rằng đã đến lúc dừng lại để nhường sàn diễn cho những người trẻ, tài năng và có thể đóng góp được nhiều hơn. Thực tế 2 năm qua, với nhiều thành công thì thế hệ trẻ trung của ĐT Việt Nam đã làm được quá nhiều điều cho bóng đá.

Giờ là thời của các cầu thủ trẻ, là đất diễn của thế hệ sau. Các em đang phát huy tốt vai trò ở ĐTQG thì phải để các em phát huy hết khả năng, vai trò của mình”.

Đó là lời khước từ không phải cầu thủ nào cũng làm được như Thành Lương. Bởi đối với mỗi một cầu thủ, suy cho cùng sự nghiệp chỉ được khẳng định khi cống hiến và mang lại vinh quang trong màu áo đội tuyển quốc gia. Thế nên, có những người phấn đấu cả sự nghiệp chỉ mong một lần được khoác lên mình màu áo ấy bất kể thời điểm nào và được giao đá ở vị trí nào.

Nhưng với Thành Lương thì anh lại chọn cách chia tay màu áo ấy quá sớm, khi chỉ mới 28 tuổi. Và giờ đây, khi đứng trước một cơ hội trở lại vào thời điểm bóng đá lên hương thì anh vẫn bình thản chọn cách khước từ cùng thông điệp không thể ý nghĩa hơn. Đó cũng là lý do vì sao người trong nghề hay dùng Thành Lương để nói về những giá trị của nhân cách trong làng bóng.

Trong sự nghiệp của mình, Thành Lương từng chia sẻ điều anh tiếc nuối nhất khi chia tay đội tuyển là chưa có được danh hiệu HCV SEA Games và một lần giành thêm chức vô địch AFF Cup. Thế nhưng, điều mà có lẽ Thành Lương vui nhất khi các thế hệ đàn em của mình, đặc biệt là Quang Hải đã trưởng thành chính từ sự kế thừa phần nào những kinh nghiệm, phong cách của mình.

Còn với thầy Park, thêm một lần nữa chúng ta lại thấy rằng ông luôn công tâm trong việc trao cơ hội cho tất cả các cầu thủ, kể cả là những gương mặt đã giã từ đội tuyển hay hết thời. Với HLV người Hàn Quốc thì điều gì có lợi cho đội tuyển ông đều có thể làm.

Ông Park từng đưa Anh Đức trở lại khi cầu thủ này đã có quãng thời gian chia tay đội tuyển. Và chính quyết định này đã đóng góp lớn vào chức vô địch AFF Cup 2018 của ĐT Việt Nam. Sự trở lại của Anh Đức không chỉ giúp cho đội tuyển mạnh hơn, nó còn cho thấy tài dụng binh của ông Park.

Không bỏ sót một tài năng và luôn tạo điều kiện cho họ là điều mà ông Park tiếp tục làm từ trường hợp mời Thành Lương trở lại. Các đội tuyển quốc gia dưới thời ông Park luôn mở toang cánh cửa cho các tài năng, đó cũng là điều giúp chúng ta có được những thành công trong suốt thời gian qua.

Sau Asian Cup 2019, nhiều phóng viên thể thao đã lên cả một bản danh sách các tuyển thủ quốc gia dưới thời HLV Miura và Nguyễn Hữu Thắng chưa được ông Park triệu tập. Thực tế, trong số này có nhiều người đã đánh rơi phong độ, nhiều người lại không phù hợp với triết lý bóng đá của ông Park. Tuy nhiên, nếu các cầu thủ tiếp tục trân trọng giá trị nghề nghiệp và thể hiện khát khao, chắc chắn ông Park sẽ không để tài năng nào phải thất vọng.

Thành Lương khước từ lời mời của thầy Park, thế nhưng trong câu “cảm ơn” ấy gợi mở ra nhiều vấn đề. Điều quan trọng nhất chính là thông điệp mà anh muốn gửi đến các cầu thủ trẻ, cơ hội chỉ để cho những ai biết nỗ lực và trân trọng nghề nghiệp.

HLV Mai Đức Chung chia sẻ về trận Bắc - Nam lịch sử

Cứ đến ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, nhiều người trong làng bóng đá lại nhớ về trận đấu lịch sử giữa đội Tổng cục Đường sắt Việt Nam và Cảng Sài Gòn.

HLV Mai Đức Chung là người ghi bàn thắng đầu tiên trong trận cầu lịch sử giữa đại diện hai miền Nam - Bắc.  Ông chia sẻ: “Bàn thắng ấy thiêng liêng lắm, vinh dự lắm, bởi không phải ai cũng có thể làm được. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầu thủ của tôi. Tôi vẫn nhớ sau khi ghi bàn, tôi giơ tay, chạy ăn mừng đầy sung sướng. Đó là trận đấu cuộc đời, một trận đấu lịch sử mà bất cứ ai tham gia vẫn còn ghi nhớ mãi”.

Đó là trận đấu đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Nhưng lịch sử phải nói đến năm 1980, đó là thời điểm giải bóng đá toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức. Trước đây, bóng đá được tổ chức 3 miền là các giải Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long. Và năm 1980 chính là dấu mốc để đời trong sự nghiệp bóng đá của tôi, vì đó là năm giải được tổ chức trên toàn quốc, năm đầu tiên bóng đá thống nhất và Tổng cục Đường sắt vô địch. (H.H.)


Hưng Hà
.
.