Giải bài toán thu hút, giữ chân giáo viên mầm non

Thứ Hai, 24/07/2023, 08:37

Một trong những vấn đề nóng dư luận xã hội những ngày gần đây là tình trạng thiếu giáo viên mầm non và đặc biệt là hiện tượng nhiều giáo viên cấp học này xin nghỉ việc. Trong đó, riêng năm học 2022-2023, theo ước tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), số giáo viên mầm non bị thiếu trên toàn quốc tăng thêm 7.887 người.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công việc của giáo viên mầm non áp lực nhất, vất vả nhất trong các bậc học song chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng. Nhiều ý kiến cho rằng, xác định mầm non là cấp học nền tảng cho giáo dục phổ thông nên việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non cần cơ chế đặc thù với sự chung sức của nhiều phía, không chỉ riêng ngành Giáo dục.

Chế độ đãi ngộ thấp, công việc nhiều áp lực

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Giải bài toán thu hút, giữ chân giáo viên mầm non -0
Là bậc học nền móng nhưng sự quan tâm của toàn xã hội đối với giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 -2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên). Còn cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên). Ngoài ra, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc)…

Tại Hội nghị tổng kết giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết: Mặc dù trong những năm gần đây, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non như giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng; tuy nhiên mức hỗ trợ và lương chi trả chưa đáp ứng được thù lao, công sức và sự vất vả của giáo viên nên việc thu hút nguồn nhân lực đầu vào đối với giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Sở GD&ĐT Gia Lai cũng đề nghị cần có chính sách cử tuyển đào tạo giáo viên mầm non đối với con em người dân tộc thiểu số địa phương nhằm tạo nguồn cho địa phương đáp ứng đủ định mức giáo viên theo quy định cho những năm tới, đặc biệt đối với cơ sở giáo dục mầm non công lập tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết: Toàn TP Hà Nội hiện có 2.557 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Khó khăn là số cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển nhanh, không theo quy hoạch, nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc không ổn định. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và tỉ lệ tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên còn thấp. Bà Hoa kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non, bởi hiện nay giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt nên thu hút vào ngành rất khó.

Nhiều bất cập về chính sách cần được tháo gỡ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận: Trong quá trình ứng phó với dịch COVID-19, giáo dục mầm non chịu nhiều thách thức, tác động nhất. Số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều nhất là ở bậc mầm non. Nhìn nhận giáo dục mầm non năm học vừa qua đã có những khởi sắc từ quy hoạch đến sắp xếp mạng lưới, tỷ lệ huy động trẻ tới trường tăng song theo người đứng đầu ngành Giáo dục đào tạo cho rằng, giáo dục mầm non vẫn còn nguyên thách thức với từ khoá chính là “thiếu”: thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ…

Phân tích lý do dẫn tới những cái thiếu này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng “có lẽ là thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương”. Từ phân tích này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: Cần thống nhất điều chỉnh về tư tưởng đối với giáo dục mầm non trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Những người làm giáo dục mầm non cần kiến nghị nhiều hơn nữa, tham mưu nhiều hơn nữa để khối giáo dục mầm non được quan tâm hơn. Với Bộ GD&ĐT, thời gian tới cần đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục mầm non trên mọi phương diện.

“Chúng ta đã có nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non rồi nhưng phải cả xã hội cùng nhận thức”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng đề cập tới ứng xử hiện nay với bậc học mầm non - khi đây là bậc học hình thành nhân cách, tinh thần, tình cảm của mỗi con người - nhưng lại là bậc học có tỷ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất. Lẽ ra đây phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất nhưng lại đang đẩy mạnh xã hội hoá nhất.

“Không thể dùng xã hội hoá để thay cho Nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non. Cần phải cả hai để tăng cường phát triển giáo dục mầm non mới là sự quan tâm đúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ: “Tự chúng ta phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc việc này. Thời gian tới cần tăng cường chính sách, tăng cường đầu tư nguồn lực. Kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa cho bậc học mầm non”.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp cũng là một trong nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT xác định trọng tâm trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, toàn ngành cần tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục năm học 2023- 2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72- QĐ/TW.

Huyền Thanh
.
.