Kỳ thi THPT quốc gia 2019:

Những việc quan trọng phải được kiểm soát “tay đôi”, “tay ba” độc lập

Thứ Hai, 15/10/2018, 19:33
Trước kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc, cử tri dành nhiều quan tâm cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, sẽ được hoàn thiện như thế nào để lấy lại được niềm tin trong xã hội. Mới đây, mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia đã được người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định là để xét tốt nghiệp.

Như vậy có thể hiểu, kỳ thi THPT quốc gia không còn mục tiêu “2 trong 1”, mặc dù các trường đại học vẫn được sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về những giải pháp hoàn thiện kỳ thi 2019.

PV: Ông sẽ mong muốn điều gì cho kỳ thi THPT quốc gia 2019?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Tôi mong muốn một kỳ thi tổng thể giữ ổn định như năm 2018 và cải tiến những yếu tố kỹ thuật để hạn chế, loại bỏ tiêu cực trong quy trình bảo mật bài thi và chấm thi.

PV: Hiện nay, mục tiêu của kỳ thi này đã rõ hơn, đó là cách tiếp cận của đề thi không phục vụ "2 trong 1", mà phục vụ xét tốt nghiệp và đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Như vậy, đề thi cũng sẽ thay đổi. Dư luận đang hiểu là nếu hướng tới phục vụ xét tốt nghiệp là chính thì đề thi sẽ dễ hơn. Khi đó, những trường ĐH tốp đầu như Bách Khoa có sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển hay không, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Theo tôi đánh giá thì trong mấy năm qua kỳ thi đã thực hiện tốt hơn nhiều so với trước đây. Và khi chất lượng dạy và học THPT đã được đánh giá tốt thì kết quả thi vẫn được sử dụng làm cơ sở chính để xét tuyển đại học. Tùy từng yêu cầu của từng ngành, từng chương trình đào tạo, các trường có thể bổ sung một số hình thức, tiêu chí khác để xét  tuyển phù hợp hơn.

PV: Chúng ta đang nói nhiều đến một đề thi “chuẩn hóa”. Vậy theo ông, đề “chuẩn hóa” phải đạt được những tiêu chí gì? Một ngân hàng đề thi “đủ mạnh” sẽ phải đáp ứng những tiêu chí nào?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Với một hệ thống đề thi được chuẩn hóa, mỗi mã đề đều phải có cấu trúc thống nhất và mức độ khó dễ tương đương, đánh giá khách quan và trung thực kiến thức, kỹ năng của học sinh, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục – không phụ thuộc mã đề thi và lần thi. Muốn vậy thì ngân hàng đề thi cần phải đủ lớn, phải được thử nghiệm và căn chỉnh kỹ lưỡng.  

PV: Phương thức thi trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm nhưng khó đánh giá năng lực tư duy suy luận, khái quát và sáng tạo của học sinh, chứa đựng yếu tố may rủi, nhất là môn tự nhiên. Bách Khoa là một trường tốp đầu, có môn Toán là môn cốt lõi cơ bản, có mặt trong nhiều tổ hợp, vậy theo ông, có nên cải tiến đề Toán theo hướng vừa trắc nghiệm, vừa tự luận hay không?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Năng lực tư duy và sáng tạo cũng chỉ là một trong nhiều năng lực mà học sinh cần có để học đại học và để thành công trong cuộc sống. Đánh giá năng lực của một con người phải vừa dựa vào quá trình, vừa dựa vào kết quả làm việc, chứ qua một kỳ thi là một việc rất khó. Đánh giá là năng lực tư duy suy luận, khái quát và sáng tạo của một con người qua một kỳ thi lại càng khó, đôi khi cái chúng ta đánh giá được chỉ là “sự sáng tạo khi làm bài” chứ chưa chắc đã là tư duy suy luận, khái quát và sáng tạo của một con người. Việc đánh giá năng lực qua một kỳ thi phụ thuộc nhiều yếu tố như hình thức thi, nội dung đề thi và chấm thi,vì vậy các kỳ thi hiện nay thường lựa chọn cách kiểm tra kiến thức và kỹ năng. 

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 với nhiều cải tiến kỹ thuật hy vọng sẽ mang lại niềm tin cho xã hội

Đối với thi trắc nghiệm, khó đánh giá cách làm bài của thí thí sinh nhưng việc chấm thi lại không có yếu tố chủ quan. Nếu kết hợp được thi trắc nghiệm với thi tự luận là lý tưởng, tuy nhiên để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia thì thi trắc nghiệm là hợp lý trong lúc này. 

Bên cạnh đó, nếu đề thi ra có chất lượng tốt, xác suất những thí sinh kém năng lực tư duy sáng tạo mà có điểm cao hơn sẽ rất thấp. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có thêm kỳ thi tuyển chọn vào các chương trình tài năng, chất lượng cao với môn Toán tự luận và Lý (hoặc Hóa) kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Trong quá trình học đại học, với rất nhiều hoạt động học tập và thực hành khác nhau, sinh viên sẽ dần phát triển và thể hiện rõ hơn những năng lực cần có của mình.

PV: Việc đánh giá lứa sinh viên 2 năm gần đây về chất lượng học môn Toán có được nhà trường thực hiện hay không, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Nhà trường đều có đánh giá đều đặn hằng năm, thông qua ý kiến của các thầy cô và kết quả học tập của sinh viên. Ý kiến ban đầu của nhiều thầy cô cho rằng sinh viên thụ động và lười lên lớp hơn trước kia, nhưng phân tích dữ liệu điểm các môn Toán cao cấp cho thấy không có sự khác biệt đáng kể qua 2-3 năm nay.

PV: Hiện Bộ GD & ĐT đã đưa ra được các giải pháp, trong đó có giải pháp công nghệ để hoàn thiện kỳ thi. Theo ông, để chống gian lận thi cử trong kỳ thi này, giải pháp nào sẽ có ý nghĩa then chốt, quyết định?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Theo tôi, việc xây dựng một quy trình chặt chẽ, khoa học là quan trọng nhất, đảm bảo nguyên tắc những việc quan trọng được kiểm soát “tay đôi” hoặc thậm chí “tay ba” từ nhiều bên hoàn toàn độc lập. Đồng  thời, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ giải quyết hiệu quả việc này.

PV: Trong xu hướng tự chủ tuyển sinh, Bách Khoa có hướng tới tuyển sinh riêng hay không? Nếu có thì phương án tự chủ sẽ là thế nào, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Chắc chắn là sẽ có những cái chung và những điểm riêng, chúng tôi ủng hộ việc chung tối đa (như có thể) và đưa vào những điểm riêng (như cần thiết). Nguyên tắc là vậy, còn phương án cụ thể sẽ được xây dựng phù hợp với lộ trình đổi mới thi cử, đổi mới chương trình, sách giáo khoa của ngành.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương (thực hiện)
.
.