Những bí ẩn phía sau thị trường chuyển nhượng:

Wyscout và kỷ nguyên công nghệ chuyển nhượng

Thứ Sáu, 28/08/2015, 10:00
Thị trường chuyển nhượng mùa hè của bóng đá châu Âu đã đi đến những ngày cuối, nơi hàng loạt cuộc chạy đua sẽ diễn ra vô cùng "tàn khốc", thậm chí ở đó có thể sẽ xảy ra những cú sốc động trời. Những câu chuyện xoay quanh thị trường chuyển nhượng luôn đầy tràn mặt báo. Tuy nhiên, phía sau đó là gì lại là một câu chuyện khác, bí hiểm hơn và nhiều ngóc ngách.

1.Cuối tháng 5 cách đây hơn 2 năm, ngôi sao Gennaro Gattuso, một cầu thủ lừng danh, từng vô địch Champions League và World Cup, kết thúc thời gian gắn bó với đội bóng AC Milan. Anh đã nhận lời chuyển sang Argentina thi đấu cho Boca Juniors. Mọi thứ đã xong xuôi, đến độ Gattuso còn gặp gỡ cổ động viên (CĐV), đại diện CLB… để trò chuyện. Trong cuộc gặp gỡ tưởng như bắt đầu cho một "mối tình", Gattuso bất ngờ nói rằng anh bất đắc dĩ phải đưa gia đình đến Nam Mỹ. Lập tức, chỉ sau 30 phút, cả Gattuso thay đổi hoàn toàn ý định. Ngày hôm sau, cầu thủ này đến Thụy Sĩ để khoác áo CLB Sion.

Tại sao mọi thứ lại diễn ra nhanh đến vậy? Câu trả lời khó hiểu, nhưng lại rất đơn giản. Đó là sự nhúng tay của một tổ chức có tên Wyscout, tổ chức được thành lập ở Chiavari (Italia) vào năm 2004. Diễn đàn này là một nơi tập trung toàn bộ các thông tin chuyển nhượng, đại diện cầu thủ, đứng ra thương lượng, đàm phán, kết nối và tổ chức các thương vụ trên khắp thế giới. Wyscout là đối tác làm ăn của hơn 100 CLB lớn trên khắp hành tinh, trong đó có cả Manchester City, Manchester Utd, Chelsea, AC Milan, Liverpool, Juventus…

Hệ thống dữ liệu của Wyscout.

Cái tên này không phải ai cũng biết, nhưng nó tồn tại như một quyền lực trong thị trường chuyển nhượng tại châu Âu. Hầu hết các cuộc dàn xếp mà họ thực hiện (có thể là đối tác, cũng có thể tự họ tạo ra một tình huống tạo ra thương vụ) được diễn ra cực nhanh, hầu hết là các CLB gặp gỡ đại diện cầu thủ và chỉ không quá 30 phút, mọi chuyện ngã ngũ  nhanh chóng.

Tại sao họ lại có thể làm được điều đó? Là vì những đại diện cầu thủ, những chuyên viên của họ là những nhân vật phải gọi là "siêu nhân". Và đây là câu chuyện về một người, Matteo Capodonico, cựu cầu thủ bán chuyên nghiệp, chỉ chơi ở giải hạng Serie D của Italia. Trong bộ dạng sang trọng, complet, cavat, giày bóng láng, Capodonico xuất hiện ở các sân cỏ, bất kì nơi nào ông muốn tới.

Cách đây 11 năm, tìm một người bạn, một chiếc máy quay phim cầm tay nhỏ xíu, đến các sân tập của mọi CLB, cần mẫn quay phim, ghi hình tất cả các trận đấu của CLB đó từ năm 2004. Một bước ngoặt đến với Capodonico khi ông gặp Walter Sabatini, khi đó đang là GĐ thể thao của CLB Lazio.

Capodonico nhớ lại: "Vào ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa Đông, tháng 1/2008, Sabatini đã bỏ lỡ một vụ chuyển nhượng đáng giá khi ông ấy không thể tìm được 1 chiếc DVD ghi hình người đó trong chồng 300 chiếc đĩa trên bàn làm việc. Khi đó, tôi đã nghĩ đến một công việc hiệu quả và triệt để hơn".

2.Một năm sau đó, Capodonico đã đưa ra nền tảng của hệ thống Wyscout, để đến bây giờ, nó là một sản phẩm công nghệ đủ để tạo nên tên tuổi của một tổ chức uy tín và cực kì hiệu quả, nhanh chóng, gọn nhẹ. Wyscout hiện nay được coi là công cụ tìm kiếm cầu thủ số 1 và lớn nhất thế giới. Tại đây lưu trữ tới trên 75.000 trận đấu đầy đủ, và cứ mỗi tuần họ thêm vào cơ sở dữ liệu 500 trận nữa. Số lượng chuyên viên của họ là 30 người phụ trách theo dõi 120 giải đấu từ Serie A, Bundesliga, Premier League đến cả những giải VĐQG của đảo Síp, hay các nước châu Phi.

Sở dĩ hệ thống của họ đồ sộ như vậy bởi Wyscout là đối tác của tổng cộng 300 CLB lớn nhỏ khắp thế giới, cung cấp thiết bị công nghệ, chiếm 75% tổng số CLB tham dự Champions League và 70% đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh. Đây là một cuộc cách mạng lớn, bởi chỉ 1 thập kỉ trước, mọi thứ thuộc về công nghệ đều khó khăn, việc xem một trận đấu ở khu vực Scandinavian cũng là không thể chứ đừng nói là ngoài châu Âu.

Bây giờ tất cả nằm trên một máy tính hoặc iPad. Công nghệ này cho phép các CLB xem các trận đấu đầy đủ, hoặc đánh giá bất kì khía cạnh nào của cầu thủ, CLB. Công nghệ này cho phép HLV có thể tìm cầu thủ có chỉ số, thông số kĩ thuật phù hợp theo vị trí, số bàn thắng, số pha kiến tạo, tuổi tác, chiều cao, thậm chí là tìm theo… hộ chiếu EU. Chi phí của mỗi hệ thống  này vào khoảng 10.000 bảng cho mỗi mùa giải. Tuy nhiên, chi phí đó độc lập với chi phí chuyển nhượng. Số tiền này có vẻ cao, nhưng lại cực rẻ, cực tiết kiệm cho CLB, vì họ không mất chi phí đi lại, thuê khách sạn cho người tìm kiếm tài năng.

Không chỉ đơn thuần là tìm kiếm, Wyscout còn biến mình trở thành “kẻ trinh sát số 1 châu Âu". Họ thành lập diễn đàn và dàn xếp các cuộc gặp, đề cử cầu thủ, và mọi thứ mà CLB yêu cầu, hoặc thậm chí là chưa… yêu cầu. Chỉ trong 1 ngày, Wyscout có thể thông tin, kết nối, giới thiệu tới khoảng 1.000 cầu thủ và CLB. Capodonico còn tiết lộ, mỗi kì chuyển nhượng mùa hè, một CLB tầm cỡ Man City, Liverpool có thể yêu cầu tới 250 cầu thủ, có trên 400 giao dịch thương lượng. Số lượng công việc này, nếu sử dụng cách thông thường, không qua Wyscout sẽ mất… 1 năm.

Không chỉ chi phối các CLB Tây Âu, thị trường mới nổi cũng là nơi Wyscout nhắm tới, kể cả Trung Đông, Tây Á… Trong khoảng 3 năm qua, đây là nơi mà họ kiếm khá nhiều tiền, nhiều khách hàng và nhiều uy tín với những bản hợp đồng chất lượng.

Wyscout không chỉ là nơi tạo ra "niềm vui" cho CLB, mà còn là nơi giải quyết những "tâm tư" của cầu thủ. Một ai đó cảm thấy không ổn ở đội bóng hiện tại sẽ là khách hàng tiềm năng, là người nối dài nguồn tư liệu cho Wyscout. Rob Newman, một chuyên viên cao cấp của Wyscout tiết lộ rằng, có nhiều tên tuổi lớn đã nhắn tin cho ông để đưa tên mình lên hệ thống chuyển nhượng. Họ được liên kết với những CLB muốn đến, số tiền muốn nhận và cơ hội muốn có.

Cách đây hơn 1 năm, CLB của Anh là Wolves đã để ý tiền vệ Jambos Jonsson và có liên lạc thông qua Wyscout. Trong 1 ngày, nhân viên đại lí của Wyscout gặp gỡ 10 đại diện cầu thủ và CLB, tham gia 18 thương vụ, trong đó có 3 thương vụ của Wolves, bao gồm cả Jonsson. Nhưng trong những cuộc họp triền miên đó, Jonsson được tiết lộ ra ngoài và vì điều đó một số CLB khác bất ngờ vào cuộc. Kết cục, chỉ trong vòng 30 phút, giá của cầu thủ vô danh này tăng từ 250.000 bảng lên 650.000 bảng ngay trên bàn họp.

Trụ sở của Wyscout.

3.Có một sự khác biệt khá hay ho. Wyscout là đối tác chính của 70% số CLB tại giải Ngoại hạng Anh trong lĩnh vực chuyển nhượng. Nhưng chính tại Anh, thông tin chuyển nhượng trên báo chí lại nổi tiếng là lá cải. Chính Wyscout đã thống kê và đưa ra thông tin rằng, có tới 82% số thông tin chuyển nhượng của báo chí Anh là… tin vịt hoặc không thành hiện thực.

Đây lại là câu chuyện về công nghệ gây sốc, tạo ra những tin tức giật gân, sản phẩm của  ông trùm truyền thông Rupert Murdoch với những sản phẩm báo chí nổi danh như News of the World hay The Sun. Nhưng đây sẽ là câu chuyện được kể sau. Ngay bây giờ, với sự xuất hiện của Wyscout, ngay trong bản thân truyền thông và bóng đá Anh đã có sự va chạm thông tin. Truyền thông Anh thì gần như không công nhận sự tồn tại của Wyscout. Đâu là sự thật? Hay có chuyện Wyscout không "vĩ đại" như những gì người ta đồn về họ. Hoặc có khi nào chính cái hệ thống này là kẻ hủy diệt bóng đá về sau này, khi có thể và có đủ sức mạnh, quyền năng để khống chế, thay đổi bộ mặt bóng đá châu Âu và thị trường chuyển nhượng?

Chưa thể biết điều gì sẽ đến, nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù chẳng có liên hệ gì, nhưng truyền thông Anh và Wyscout đang là những yếu tố tác động trực tiếp đến chuyển nhượng với những hành động bí hiểm, những cuộc điều tra, trinh sát, tìm kiếm y hệt những nhà thám tử ở từng ngóc ngách thế giới bóng đá, đi đến tận cùng từng cá nhân, từng nhu cầu của CLB… Và điểm chung giữa họ, đều có thể và có khả năng đẩy giá của một cầu thủ lên gấp nhiều lần giá trị thực, chỉ vì cái hệ thống và sức mạnh của chúng quá lớn.

Chuyện cười mùa chuyển nhượng

1. Không ghi bàn giao hữu - Nghỉ!

Năm 1980, Clive Allen, một tuyển thủ Anh, ngôi sao lớn của Tottenham được Arsenal mua với giá 1,25 triệu bảng, số tiền khổng lồ khi đó. Nhưng sau 3 trận giao hữu không ghi được bàn thắng, Allen bị bán cho Crystal Palace.

2. Hợp đồng 3 ngày

Thực ra Sol Campbell kí hợp đồng 5 năm với Notts County (CLB hạng 3 Anh năm 2009). Nhưng chỉ sau 1 trận thua, Campbell đã ra đi chỉ sau… 3 ngày.

3. Hợp đồng… ma

Kevin-Prince Boateng (hiện khoác áo Schalke), có một hợp đồng "ma" năm 2011, khi kí 4 năm với Genoa. Nhưng vừa kí xong, Boateng còn chưa kịp gặp bất kì đồng đội nào ở CLB này, đã được bán sang AC Milan.

4. Không có giấy phép lao động

Năm 2013, Stoke đồng ý kí hợp đồng với Juan Agudelo từ CLB của Mỹ. Nhưng do không lấy được giấy phép lao động ở Anh, cầu thủ này được cho Utrecht mượn để chờ giấy phép. Nhưng 1 năm sau, tờ giấy này chưa có, và anh được trả lại New England Revolution. Như vậy, Agudelo không có 1 ngày nào đến Stoke.

5. Đứa con trai tưởng tượng

Năm 2011, sau 10 năm thi đấu ở Anh, Steed Malbranque quyết định trở về Pháp. Nhưng chỉ 1 tháng sau khi kí hợp đồng với Saint-Etienne (từ Sunderland), cầu thủ này xin cam kết đó và nói rằng anh muốn giải nghệ để chăm sóc con trai đang bị ung thư. Nhưng sau đó người ta phát hiện anh này chẳng có đứa con trai nào cả.

6. Áo một đằng, kí một nẻo

Năm 2006, cả Chelsea lẫn MU đều chắc chắn họ đã kí hợp đồng với cầu thủ 18 tuổi John Obi Mikel. Thậm chí, Mikel đã mặc áo MU để họp báo. Lập tức sau buổi "ra mắt" đó, Mikel phải sống dưới sự giám sát của an ninh, và 1 ngày sau anh ra mắt… Chesea.

7. Một năm 5 CLB

Kì tích này thuộc về cựu cầu thủ của Watford và Fulham, Hameur Bouazza. Trong 1 năm từ 2008 đến 2009, Bouazza khoác áo… 5 CLB, gồm: Fulham, Charlton, Birmingham, Sivasspor và Blackpool. Tính ra, từ 2009 đến nay, Bouazza đã thi đấu cho 12 đội bóng ở 7 quốc gia khác nhau.

Lê Giang
.
.