Ninh Thuận nỗ lực phòng, chống khô hạn

Thứ Hai, 15/04/2024, 07:05

Những ngày giữa tháng Tư, đi qua nhiều vùng quê ở Ninh Thuận – vùng đất quanh năm nắng gió khốc liệt, chúng tôi chứng kiến hình ảnh nắng nóng như trút lửa xuống những cánh đồng nối liền những dãy núi đá đang có nguy cơ khô hạn, cháy khát.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, nguồn nước tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh này đến đầu tháng 4/2024 có tổng dung tích hơn 194,5 triệu m3, chiếm 46,58% dung tích thiết kế. Bên cạnh diện tích cây lâu năm 12.700ha, trong đó cây nho 972ha, táo 1.109ha, điều 4.862ha; vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng 31.389ha cây nông nghiệp, trong đó có 17.331ha lúa và 14.057ha sắn, đậu, hoa màu. Đến nay đã thu hoạch 47,24% diện tích, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 4/2024, nên các hồ chứa đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân cho năng suất và sản lượng cao.

Tuy nhiên nắng nóng có nguy cơ kéo dài, nếu trong 6 tháng đầu năm không có mưa, dự báo một số khu vực ở Ninh Thuận không thể sản xuất vụ Hè Thu 2024, khả năng thiếu nước sinh hoạt khoảng 2.105 hộ gia đình gồm 8.464 người dân ở các xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn; Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải và Phước Tiến, huyện Bác Ái.

Ninh Thuận nỗ lực phòng, chống khô hạn -0
Nắng nóng khốc liệt khiến cho hồ Ông Kinh ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cạn kiệt xuống mực nước chết.

Nguồn nước tại các con suối trên địa bàn tỉnh đang giảm dần, nếu không có mưa thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt vùng nông thôn diễn ra trên diện rộng. Do đó Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng phương án cấp nước ở từng nhà máy và cấp nước liên thông giữa các nhà máy Phước Kháng, huyện Thuận Bắc; Tà Nôi, huyện Ninh Sơn; Phước Thành, Phước Trung, huyện Bác Ái. Còn nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2024 phụ thuộc vào hồ chứa Đơn Dương chảy qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và 14 hồ chứa khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tạo thế chủ động ứng phó với hạn hán, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động kiểm tra, theo dõi, nắm chắc diễn biến hạn hán để triển khai một số giải pháp cấp thiết. Trước hết cần phải ưu tiên nguồn nước tại các hồ chứa để cung cấp nhu cầu sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước, chia sẻ nguồn nước sinh hoạt hợp lý; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; tiếp tục nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả; tạm dừng gieo trồng ở khu vực không chủ động nước tưới; tăng cường trữ nước; áp dụng các giải pháp tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần có phương án chở nước sinh hoạt cho người dân vùng thiếu nước; tiếp tục chỉ đạo nạo vét, đào thêm ao chứa nước; trồng thêm cỏ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo nguồn thức ăn cho gia súc; xây dựng kế hoạch di chuyển đàn gia súc từ vùng khô hạn đến nơi có thức ăn, nước uống; tiếp tục áp dụng các mô hình sản xuất xen canh, luân canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap các loại cây nho, táo, rau; quản lý nước ruộng lúa theo giai đoạn sinh trưởng, chủ động tưới nước theo quy trình ướt – khô xen kẽ nhằm tiết giảm nguồn nước.

Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận triển khai giải pháp điều tiết nước ở các sông, suối, hồ, đập; siết chặt kiểm tra nguồn nước tại các công trình thủy lợi, chống rò rỉ, thất thoát nước; tăng cường điều tiết cấp nước tưới luân phiên giữa các đập dâng trên sông Cái; tiến hành nạo vét, khơi thông kênh mương, trạm bơm để bảo đảm nguồn nước sản xuất và dân sinh; kiểm tra, bảo dưỡng máy bơm nước, đường ống dẫn nước để chủ động phòng, chống hạn cục bộ…

Liên quan đến giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất; tại vùng “tiểu sa mạc” thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước trước đây nông dân bơm tưới lên mương đất tự chảy vào ruộng rau màu nên lượng nước lớn, thất thoát nhiều. Sau đó, nhiều gia đình đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa hoặc nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước mà thật sự hiệu quả nên nhiều ruộng rau màu, măng tây xanh tốt nhờ đảm bảo độ ẩm. Từ năm 2019, Ngân hàng ADB hỗ trợ nguồn vốn trong Dự án Nông thôn tổng hợp miền Trung, nên địa bàn Tuấn Tú đã có trạm bơm cấp 1 giúp cho nông dân chủ động nguồn nước tưới để đầu tư cánh đồng măng tây hơn 300ha.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, đến nay Ngân hàng ADB đã hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đầu tư 5 dự án với tổng kinh phí 1.350 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tập trung xã An Hải, huyện Ninh Phước và xây dựng kênh mương, tuyến ống dẫn nước, bể chứa nước, trạm bơm ở một số địa phương khác. Còn tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái, nhiều hộ dân không còn nỗi lo thiếu nước trong mùa khô do được hỗ trợ đào ao trữ nước từ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ - Ninh Thuận” (SACCR - Ninh Thuận). Đến nay, dự án này đã triển khai tại 15 xã ở 4 huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải với tổng kinh phí đầu tư hơn 143 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, năm 2023 lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với nhiều năm trước nên lượng nước nhiều hồ chứa, đặc biệt là khu vực phía Nam Ninh Thuận đều giảm thấp; nắng nóng kéo dài ba tháng qua đã khiến cho 3/23 hồ chứa đã xuống đến mực nước chết. Đến nay, nguồn nước từ hồ Sông Cái trong hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã liên thông đến các hồ chứa Cho Mo, Phước Trung, Thành Sơn ở huyện Bác Ái; tuyến kênh chung Tân Mỹ cũng đã bổ sung nguồn nước vào đập dân Nha Trinh – Lâm Cấm. Riêng các hồ chưa Bà Râu, Sông Trâu ở huyện Thuận Bắc và hồ Ông Kinh ở huyện Ninh Hải còn đang thi công đường ống dẫn nước liên thông, dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn thành.

“Với mục tiêu “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”, Ninh Thuận đã và đang nỗ lực triển khai những giải pháp phòng, chống khô hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 và Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024” – ông Trần Quốc Nam cho biết thêm.

Hữu Toàn
.
.