Nhiều khúc mắc khi giải quyết các chế độ ốm đau cho người lao động là F0

Thứ Sáu, 01/04/2022, 08:31

Ngày 31/3, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) và Bảo hiểm xã hội (BHXH TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh lần thứ 220. Khoảng 200 doanh nghiệp tham dự hội nghị.

Nhiều câu hỏi thắc mắc về mức đóng, căn cứ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) khi thuộc trường hợp F1, F0, thủ tục khai báo đăng ký hồ sơ BHXH; giải quyết chế độ ốm đau và chính sách hỗ trợ NLĐ trong dịch COVID-19... đã được các doanh nghiệp đặt ra với cơ quan BHXH. Trong đó, hơn 30 câu hỏi đặt ra tại hội nghị và gần 20 câu hỏi gửi trước cho Ban tổ chức.

Đại diện Công ty liên doanh TNHH Nippon Express Việt Nam (công ty về vận tải, kho bãi, trụ sở quận Tân Bình) đặt câu hỏi: “Người F1 nghỉ có được hưởng BHXH không? Căn cứ nào để tính? Nếu một người cứ thường xuyên bị F1 thì có qui định tối đa 1 năm bao nhiêu ngày không?”.

Đại diện BHXH TP Hồ Chí Minh trả lời, theo quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau: NLĐ bị ốm đau phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Như vậy, NLĐ là F1 không bị ốm đau (và không phải là F0) thì không được hưởng chế độ ốm đau.  

Đại diện Công ty cổ phần Dệt may đầu tư - thương mại Thành Công (TP Thủ Đức) cũng nêu câu hỏi: “NLĐ nghỉ ốm do COVID-19, khi đi xin giấy cấp lại (giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH) tại một trạm y tế ở quận Gò vấp thì trưởng trạm không đóng dấu cấp lại và nói rằng không có công văn thông báo. Vậy NLĐ phải làm gì để xin được đóng dấu cấp lại này?”.

Trả lời, BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 điều 26 của Thông tư 56/2017 ngày 1/3/2018 có trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh về việc cấp lại và đóng dấu cấp lại trên các loại giấy tờ để hưởng các chế độ BHXH.

lao dong (1).jpg -0
Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh sáng 31/3.

Ngày 2/12/2021, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 9000 về cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ là F0. Theo đó, đối với hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư 56, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo điều kiện cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXHnếu NLĐ có đầy đủ hồ sơ xác nhận đã cách ly điều trị COVID-19.

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, mới đây ngày 8/3, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Thủ tướng về giải quyết các vướng mắc chi trả chế độ nghỉ việc hưởng BHXH cho NLĐ là F0, đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ để FO điều trị tại nhà được hưởng chế độ này. Và hiện vẫn đang trong thời gian chờ đợi, nếu trường hợp nào có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (mẫu C65) thì cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện, giải quyết. 

Một câu hỏi khác từ Trường Đại học Quốc tế (TP Thủ Đức) nêu ra, trường hợp NLĐ bị mắc COVID-19, sau khi hết bệnh đi làm lại đã gửi cho đơn vị đang công tác giấy nghỉ ốm hưởng BHXH. Trong khi đó, thời gian họ nghỉ ốm tại nhà đã được đơn vị trả tiền lương đầy đủ, tuy nhiên, họ vẫn muốn nhận tiền trợ cấp ốm đau với lý do trong thời gian ốm, họ vẫn phải làm việc do công việc gấp (việc nhận tiền lương là điều tất yếu) và đã được trưởng phòng ký giấy xác nhận thời gian nghỉ ốm vẫn làm việc. Vậy trường hợp này nên giải quyết như thế nào cho hợp tình hợp lý?

Đại diện BHXH TP Hồ Chí Minh cho hay theo quy định của Luật BHXH: “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần hoặc toàn bộ thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”. Trường hợp NLĐ phát sinh ốm đau do mắc COVID-19, nhưng vẫn được đơn vị trả đầy đủ tiền lương (thu nhập của NLĐ không bị giảm hoặc mất) thì không được giải quyết thêm tiền trợ cấp chế độ ốm đau…

Vấn đề giải quyết các chế độ ốm đau cho NLĐ là F0 đã được nhiều cơ quan, cá nhân yêu cầu gỡ vướng trong thời gian qua. Đối chiếu quy định pháp luật, các trường hợp NLĐ là F0 được hoặc nghỉ việc để chăm sóc cho con dưới 7 tuổi là F0 được hưởng chế độ ốm đau với điều kiện có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế (giấy ra viện nếu điều trị nội trú và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú). Tuy nhiên, thực tế, có nhiều trường hợp NLĐ không được cấp lại giấy, sai thông tin thời gian nghỉ ốm... 

Từ tháng 6/2021 đến nay, cơ quan BHXH đã gửi nhiều văn bản đề nghị Bộ Y tế tháo gỡ vấn đề này và đề xuất hướng xử lý. Nhưng trong Công văn 238/2021 trả lời, Bộ Y tế cho rằng đây là quy định của Luật BHXH, do đó, cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành nghị quyết nhằm giải quyết.

Trong thời gian chờ đợi, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cấp và quản lý giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động là F0. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có gì sửa đổi, bổ sung...

Phú Lữ
.
.