Mùa xuân đầu tiên đón “trái ngọt”

Thứ Bảy, 28/01/2023, 09:22

Mùa xuân 2023 là mùa xuân đáng nhớ và trọn vẹn nhất của những cặp vợ chồng hiếm muộn khi họ được bế bồng con yêu sau bao năm kiên trì cố gắng. Ngôi nhà nhỏ của những cặp vợ chồng hiếm muộn Tết năm nay ấm áp và ngập tràn hạnh phúc bởi những tiếng ê a của con trẻ - thành quả của chương trình thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí. 

9 năm tìm kiếm và 5 lần “lỡ hẹn”

Sau 9 năm lấy nhau vẫn chưa có mụn con, mỗi khi Tết đến Xuân về, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sương (SN 1983, Diễn Châu – Nghệ An) mang nỗi buồn vời vợi. Anh em, bạn bè con cái đều đề huề, bế bồng vui vẻ ngày Tết, còn vợ chồng chị chỉ biết ước ao...  Theo chia sẻ của chị Sương, sau 2 năm lấy nhau, chị có thai lần đầu. Niềm vui chưa trọn vẹn thì sau đó một thời gian, vợ chồng chị nhận tin thai ngừng phát triển ở tuần thứ 8.

Mùa xuân đầu tiên đón “trái ngọt” -0
Chị Sương hạnh phúc đón Tết bên 2 bé trai sinh đôi.

Đến cuối năm 2015, chị có bầu lần 2, nhưng cũng khoảng hơn 10 tuần phải đình chỉ thai vì bác sĩ kết luận có bất thường. Một năm sau, trong lần mang thai tự nhiên, vợ chồng chị thêm một lần đau đớn khi thai kỳ cũng chỉ diễn ra 9 tuần, “đứa con trong mơ” vẫn không về bên họ. Quá nhiều lần “lỡ hẹn” với con, đến năm 2019 trong một lần đi khám, chị Sương phát hiện bị dính buồng tử cung và thực hiện mổ tách dính ngay sau đó. Khi bác sĩ cho biết tình trạng niêm mạc tử cung mỏng, tiền sử lưu thai nhiều lần chưa rõ nguyên nhân càng làm cơ hội đậu thai thành công của chị trở nên khó khăn. Tin này khiến chị suy sụp tinh thần, cộng với thời điểm đó, anh Lê Đình Bồi (chồng chị Sương) phải điều trị và phẫu thuật tim tại Bệnh viện Bạch Mai, càng làm cho kinh tế gia đình chị khó khăn gấp bội.

Khát khao cháy bỏng được làm cha mẹ, đến năm 2020 khi sức khỏe anh Bồi ổn định, hai vợ chồng chị tiếp tục hành trình tìm kiếm con ở các bệnh viện. Vay mượn khắp nơi để ra Hà Nội thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) 2 lần nhưng đều không thành công, hành trình tìm con đã lấy đi cả gia tài và sức khỏe, nhưng kết quả mang lại cho hai vợ chồng chị vẫn là “con số 0” tròn trĩnh.

Trong lúc tuyệt vọng, may mắn làm sao, vào tháng 5/2021, chị Sương đọc được thông tin về chương trình Tuần Lễ Vàng xét duyệt hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Hai vợ chồng lập tức khăn gói ra bệnh viện khám và nộp hồ sơ xét duyệt. Tháng 6/2021, họ nhận được tin vui, bệnh viện đã trao quyết định hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF cho hai vợ chồng. “Mừng quá, hai vợ chồng ôm nhau mà nước mắt lăn dài. Nếu không có món quà miễn phí của bệnh viện, chúng tôi làm sao có được 2 đứa con”, chị Sương chia sẻ.

Đón Tết trong tiếng cười trẻ thơ

Nhớ lại hành trình hơn 1 năm qua, chị Sương vẫn ngỡ như một giấc mơ. Ở lần chuyển phôi đầu tiên, chị đã may mắn đậu “song thai”. Nhưng chị có tiền sử sản khoa nặng nề, lại 40 tuổi rồi, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã quyết định hỗ trợ chị ở lại khu nội trú để tiện theo dõi. Đến tuần 10 thai kỳ, chị Sương bị ra máu dọa sảy, ngay lập tức chị được các bác sĩ hỗ trợ tích cực và giữ thai thành công. Cầm cự đến tuần thứ 25, chị Sương gặp nguy cơ sinh non và phải khâu eo cổ tử cung cấp cứu để giữ thai an toàn. Vất vả khó khăn này chưa qua, đến tuần 26 chị lại phát hiện bị tiểu đường thai kỳ, nguy cơ tiền sản giật. Do phát hiện sớm, được bác sĩ hỗ trợ, điều chỉnh chế độ ăn, dần dần tình trạng đường huyết của chị được kiểm soát. Nhưng tới tuần thứ 30, chị lại bị đa ối và phù to hai chân.

Hành trình mang thai quá vất vả và nhiều nguy cơ, nên các bác sĩ chỉ định can thiệp mổ lấy thai. Sau hơn 9 năm vô vọng, vợ chồng chị hạnh phúc đón 2 “thiên thần” Lê Đình Khải và Lê Đình Hoàn chào đời bình an. “Đây là cái Tết hạnh phúc và có ý nghĩa nhất của vợ chồng tôi. Có các con ê a, bi bô, căn nhà lúc nào cũng ngập tràn không khí yêu thương và hạnh phúc trọn vẹn”, chị Sương ngân ngấn nước mắt nói.

Giống như vợ chồng chị Sương, Tết này, vợ chồng anh Đàm Văn Tuân (SN 1988) và chị TrầnThị Hương (1992) quê Tuyên Quang cũng ngập tràn hạnh phúc sau 12 năm mong mỏi đã có được bé trai kháu khỉnh. “Vui nhất là mình được bế con đi chào hỏi người thân họ hàng, được nở nụ cười tươi hạnh phúc và kể thật nhiều câu chuyện vui khác so với 12 năm hiếm muộn trước đây”, anh Tuân vui vẻ khoe. “Khoảng thời gian 5 năm chạy chữa tìm con, chồng tôi có lúc muốn dừng lại để giải thoát cho tôi đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng vợ chồng đến được với nhau là cái duyên, chỉ cần yêu thương và luôn bên cạnh nhau thì mọi khó khăn sẽ vượt qua, nên tôi không đồng ý…”, chị Hương chia sẻ.

12 năm vô sinh, hiếm muộn, họ đã phải đối mặt với vô vàn áp lực và gian nan. Từng mất hết hi vọng sau 2 lần chuyển phôi không thành công, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn khiến anh chị không thể có tiền làm IVF tiếp. Cũng may mắn như gia đình chị Sương, vợ chồng anh Tuân được chọn là 1 trong 10 cặp vợ chồng hiếm muộn được miễn phí 100% IVF từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Anh Tuân được các bác sĩ kê thuốc uống điều trị để nâng cao chất lượng tinh trùng. Đến tháng 6/2021, chị Hương được bác sĩ chuyển phôi thành công. Niềm hạnh phúc như vỡ òa khi đôi vợ chồng trẻ cầm trên tay thông báo tin vui từ bác sĩ. Sau 9 tháng mang thai, chị Hương hạ sinh bé trai kháu khỉnh.

“Món quà hạnh phúc mà bệnh viện mang đến cho vợ chồng tôi thật không lời nào tả xiết. Hành trình 12 năm tìm con gian nan của chúng tôi đã có trái ngọt”, anh Tuân xúc động nói. Đứa con đã trở thành sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, mang đến một không khí Tết đầm ấm và vẹn tròn hạnh phúc. Được biết, trong 3 năm qua, đã có vài chục em bé chào đời từ chương trình IVF miễn phí của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đem lại hạnh phúc cho biết bao cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn nghèo.

Trần Hằng
.
.