Để giảm những “hiểm họa từ trên trời” khi ra phố

Thứ Hai, 05/01/2015, 09:35
Sau vụ sập giàn giáo cuối năm 2014, người Hà Nội ngày càng cảnh giác khi phải lưu thông dưới những “công trình giữa phố”. Nhưng liệu những lời kêu gọi, những “răn đe” từ cấp quản lý có thể khiến người đi đường an tâm hơn?

Vụ sập giàn giáo trên đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (ngày 28/12/2014) cuối cùng đã có một cái kết tốt đẹp: Không có ai trong chiếc taxi bị vùi trong bê tông. Nhưng không phải lúc nào những “tai bay vạ gió” như thế này cũng có một kết cục đẹp. Vụ tai nạn lao động kinh hoàng đã xảy ra trên đường Trần Phú (thuộc quận Hà Đông, TP Hà Nội) ngày 6/11/2014 đã làm một sĩ quan Công an chết và 2 người đi đường khác trọng thương. Đây không phải là những tai nạn lao động duy nhất tại Hà Nội mà nạn nhân không lao động cũng chẳng liên quan gì đến công trình.

Cách đây không lâu, một người phụ nữ đi xe máy trên đường Phạm Hùng bất ngờ bị thanh sắt từ tòa nhà đang xây dựng rơi làm vỡ xương tay phải. Trước đó, một chiếc cần cẩu đang thi công tại công trình trên phố Núi Trúc bị đứt cáp khiến một người tử vong tại chỗ. Đầu năm 2013, một sinh viên đã tử vong khi chiếc cần cẩu tại một công trình xây dựng thuộc phường Phúc La, quận Hà Đông, bất ngờ đứt cáp, rơi xuống.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, toàn thành phố hiện có 27 công trình đang thi công, trong đó có 10 công trình trọng điểm vừa thi công vừa sử dụng với 44 điểm rào chắn. Người đứng đầu lực lượng CSGT Thủ đô nhận định, những “sơ suất” này không chỉ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), mà gây mất an toàn cho người tham gia giao thông…

Sau vụ sập giàn giáo ngày 28/12/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có nhiều quyết định “mạnh tay”, trong đó có việc giáng chức, cảnh cáo nhiều quan chức. Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng thầu EPC phải thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm khắc phục triệt để nguy cơ mất an toàn lao động, không được lặp lại các sự cố tương tự xảy ra tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, Tổng thầu EPC chỉ tổ chức thi công trên cao khi công trường đã được cô lập, không có người, phương tiện lưu thông ở bên dưới và các biện pháp phòng ngừa khác khi cẩu lắp cấu kiện, vật liệu có thể vượt qua khỏi phạm vi đã được cô lập. Trong quá trình thi công, phải bố trí người cảnh giới, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện lưu thông gần khu vực công trường. Tiến hành rà soát các hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; biện pháp tổ chức thi công; an toàn lao động; an toàn giao thông trên công trường; kiểm toán lại khả năng chịu lực của các hệ thống đà giáo phục vụ thi công trên cao. Chỉ được thi công khi các biện pháp an toàn đã được kiểm soát tuyệt đối.

Trước đó, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Thanh tra xây dựng “xử lý nghiêm, kiên quyết đình chỉ thi công” đối với các đơn vị thi công không đúng giấy phép, không tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ… Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu BQL đường sắt đô thị Hà Nội tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm: Khi thi công công trình, phải có đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn… theo quy định, có cử người gác thường xuyên và chỉ cho phép người có trách nhiệm vào khu vực thi công.

Cơ quan thẩm quyền vẫn cố gắng “khuyến cáo” kèm theo những cảnh báo kiểu: Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm. Nhưng một trong những lý do mà nhiều nhà thầu buộc phải thi công vội vã do phải “chạy tiến độ”. Mà tiến độ lại phụ thuộc vào công tác GPMB. Vậy nên các công trình hạ tầng giao thông “trên phố” vẫn tiếp tục xây dựng ào ào. Người dân tiếp tục lưu thông dưới những mối nguy hiểm ngàn cân. Và nỗi ám ảnh về những tai họa từ các công trình này hẳn vẫn làm đau đầu các nhà quản lý dài dài!

Diệp Linh
.
.