Vì sao con bạn ít bộc lộ yêu thương?

Thứ Ba, 28/06/2016, 16:22
“Hôm nay ở trường con thế nào?” “Tốt ạ!” … Đó không phải là sự chia sẻ! Thực tế câu trả lời ngắn gọn ấy thì có nghĩa là đứa trẻ muốn nói rằng “Con không muốn nói chuyện với bố mẹ”. Vì sao con bạn lại ít bộc lộ yêu thương như vậy?

Sẽ không khó gì nếu thực hiện tìm kiếm trên Google những bài viết về cách dạy con để trả lời cho các bạn “Vì sao con bạn ít bộc lộ yêu thương?”. Nhưng tôi nghĩ các bạn hoàn toàn có thể làm được điều ấy. Thay vì thế, tôi xin được kể một trải nghiệm thật của chính mình với một bé gái xinh xắn mà tôi mới gặp thay cho việc giúp bạn đọc một kinh nghiệm dạy con như sách giáo khoa.

Anh Thư học lớp 3, xinh xắn và cháu thường xuyên vẽ tranh … Điều ấy vẽ cho tôi hình ảnh một cô bé dịu dàng và nhỏ nhẹ trước khi đến gặp … Đó là tất cả những gì tôi biết trước khi đến gặp…  

Đang ngồi nhâm nhi ly café cho tỉnh táo chờ Anh Thư tỉnh giấc sau giấc ngủ trưa, cô bạn đi cùng ghé vào vai tôi với vẻ mặt đầy lo ngại “Anh ah, Thư không chịu chia sẻ gì đâu … Mẹ Thư cũng ít nói lắm” … Những điều ấy khiến cho mọi mường tượng của tôi về cô bé gần như sụp đổ.Nhưng rồi tôi vẫn quyết định gặp cháu vì bao năm nay tôi vẫn tin rằng mọi đứa trẻ đều không bao giờ từ chối những gì thực sự chân thành …

- Cháu đang vẽ gì thế?

- …

- Cháu tên là gì?

- Thư

- Cháu vừa ngủ dậy à, mặt vẫn còn ngái ngủ mà đã vẽ tranh rồi à?

- …

- Sắp tới ngày gia đình đấy, cháu vẽ tranh này dành tặng ai thế?

- Chả ai cả …

Gần nửa tiếng đồng hồ, cố gắng xoay sở với đủ thứ câu chuyện để rút ngắn khoảng cách với Thư, cuộc đối thoại của tôi với Anh Thư cũng chỉ là những câu trả lời cụt lụt, những cái chẹp miệng và thở dài của một cô bé mới 9 tuổi có cặp mắt đen láy và mái tóc rất mềm.

Mẹ Thư vừa chải tóc cho con, vừa động viên nhẹ nhàng:

-Kìa, trả lời chú đi con, xem con một tuần vẽ bao nhiêu bức tranh... Mẹ thấy con vẽ nhiều tranh lắm mà … Vừa nói mẹ Thư vừa lục đống tranh trên giá sách

- Hôm nọ mọi người bán đồng nát hết rồi còn đâu… Thư nói ra mà không bộc lộ bất cứ một cảm xúc nào trên khuôn mặt

Câu trả lời của Thư khiến tôi giật mình hiểu ra, có điều gì đó khiến cho cháu trở ít khó gần và ít nói đến như vậy.

-Tại sao mẹ lại bán đồng nát những bức tranh của cháu? Mẹ làm thế cháu có buồn không?

- …

- Cháu có bao giờ vẽ tranh tặng cho ông bà không?

- Có

- Cháu có thấy yêu ông bà không?

- Không

- Cháu có hay về chơi với ông bà không?

- Thi thoảng

- Cháu có muốn chia sẻ nói chuyện với chú không? Tôi nhìn sâu vào cặp mắt ấy của Thư khi cháu đột nhiên ngoảnh sang nhìn tôi

- Có

- Vậy tại sao chú ngồi nói chuyện mãi với cháu từ nãy giờ, cháu có nói gì với chú đâu? Toàn chú ngồi nói một mình

- Chú tự đoán đi

- Đố cháu biết chú đang nghĩ gì đấy?

…. Thư lại khẽ quay sang nhìn tôi

- Cháu thấy chưa cháu không thể đoán được chú, nên chú cũng không thể đoán được cháu đâu. Thôi nói về ông bà nhé. Ông bà có thích tranh của cháu không?

- Bà thì có.

- Còn ông thì sao?

- Ông không thích tranh

- Tại sao ông không thích tranh?

- Ông coi những gì cháu vẽ là xấu, là rác ông toàn vứt đi

- Cháu cảm thấy thế nào?

- Tổn thương, rất tổn thương.

Những âm thanh dứt khoát qua cái miệng rất xinh của Thư làm không khí của cuộc nói chuyện như trầm hẳn lại. Tôi cố gắng tạo ra những khoảng lặng im để tiếp tục chia sẻ với cháu.

- Cháu có bao giờ nói điều ấy với bà, với ông không?

- Cháu nói với bà, nhưng bà sợ ông lại giận nên thôi.

- Ông bà phải làm thế nào để cháu cảm thấy hạnh phúc

- Phải cư xử thật tốt.

- Tốt có nghĩa là thế nào?

- Có nghĩa là làm cháu của mình vui.

Thư cứ vừa chú tâm vẽ bức tranh vừa tiếp tục nói chuyện với tôi, thi thoảng lắm cháu mới ngoảnh lên nhìn tôi chăm chú.

- Chú có làm cháu cảm thấy vui không?

- Có

- Cháu có thể vẽ tặng bức tranh một ngày nào đó cho chú chứ?

- Có thể

- Vậy mình tiếp tục câu chuyện nhé. Cháu có muốn được yêu thương, muốn được ôm bố mẹ, ông bà không?

- Có

- Cháu có nói điều ấy với họ không?

- Có

- Và họ đã nói gì với cháu?

- ….

Cô bé không trả lời mà chỉ nhìn tôi. Ở độ tuổi lên 9, tôi chưa từng gặp cô bé nào có vẻ chín chắn, dứt khoát và lạnh lùng đến vậy.

- Cháu có vẻ rất mâu thuẫn. Những bức tranh của cháu đầy màu sắc, nhưng cháu thì lại rất khó chia sẻ với mọi người…

- Mọi người phải chia sẻ trước, rồi mình mới chia sẻ với mọi người sau …

Hai chú cháu nói chuyện với nhau nhiều điều nữa mà tôi không thể nhớ cho hết. Tôi chỉ nhớ rằng, cuộc nói chuyện chiều hôm ấy, Thư yêu cầu tất cả mọi người ra ngoài để hai chú cháu nói chuyện riêng với nhau. Nhiều năm nay, giờ tôi mới được nghe hai từ “tổn thương” từ miệng của một đứa trẻ ở độ tuổi còn quá vô tư. Sự “tổn thương” dù còn rất nhỏ trong lòng Thư xuất phát từ những sở thích và tình cảm của em chưa được ông bà bố mẹ hiểu cho hết với sự tôn trọng và sẻ chia sẻ với cháu. 

Tôi còn nhớ, cho đến tận đại học, tôi vẫn luôn mang theo mình chiếc bút mực chỉ vì mỗi khi cầm nó tôi cảm thấy an tâm và bình tĩnh. Tôi hiểu những thứ như búp bê, cái bút, đôi dép, bức tranh, miếng xếp hình hay thậm chí chỉ là một mẩu gỗ vừa tay có giá trị như thế nào với sự bình yên trong tâm lý của những đứa trẻ … Nếu những người lớn không hiểu rằng mình cũng có những điều như thế cho đến khi lớn có người yêu, có vợ, có chồng, rồi có con có cháu … 

Nếu vì bận bịu công việc, vì áp lực cuộc sống mà quên nâng niu những điều nhỏ bé thiêng liêng chung của mỗi con người, thì chúng ta – những người lớn đang làm sự “tổn thương” trong lòng những đứa trẻ thêm lớn hơn… Dần dần chúng sẽ không muốn chia sẻ với ai nữa, dù không ai trong số chúng không thích được yêu thương và gần gũi … Vì sao con bạn ít bộc lộ yêu thương? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn cư xử với chúng.

Anh Thư – cô bé 9 tuổi đã cho tôi một bài học có lẽ mà tôi nhớ mãi. Cũng bởi vì thế, dù cháu là người ít nói nhất và phải rất khó khăn mới nói ra một vài lời trong video “Bạn có dám bộc lộ yêu thương” thì với tôi cô bé vẫn là một điều tuyệt vời mà may mắn lắm tôi mới có thể gặp được trong cuộc sống này.

PV
.
.