Cứu đuối - nước đã tới chân!

Rất cần kĩ năng cứu đuối nước (Bài 2)

Thứ Bảy, 04/06/2016, 08:10
Với trường hợp đuối nước việc sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân. Do đó rất cần thiết phải tập huấn kỹ thuật sơ cấp cứu hàng năm nhất là đối với giáo viên mầm non.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tai nạn chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do TNGT. Trong đó, tỉ lệ trẻ Việt Nam bị chết vì đuối nước lớn hơn rất nhiều so với số bị chết do các bệnh truyền nhiễm và các nguyên nhân khác. Ngay sau vụ việc đuối nước xảy ra tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn gửi tới các ban, ngành liên quan chỉ đạo tăng cường ngay các biện pháp khẩn cấp phòng chống đuối nước cho HS.

Qua trao đổi với BS Nguyễn Minh Tiến, Phó GĐ, Trưởng khoa HSTC  BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, Khoa HSTC chống độc của BV là nơi tiếp nhận, điều trị những ca đuối nước nặng nhất của các tỉnh phía Nam, trong đó ghi nhận nhiều nguyên nhân đưa tới tai nạn này. Đáng chú ý, 2/3 trong số ca nhập viện cấp cứu là HS phổ thông. Đặc biệt, qua việc cấp cứu cho các nạn nhân, các BS đã đưa ra khuyến cáo, để giảm tử vong do đuối nước ở trẻ, việc triển khai cho HS biết bơi và nắm kĩ thuật cứu đuối có tầm quan trọng không kém gì nhau.

HS Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 trong phần thi Kĩ năng cứu đuối.

Tuần qua, Khoa HSTC cũng vừa tiếp nhận 1 trường hợp HS đuối nước từ Long An chuyển lên cho thấy, việc tuyên truyền về sơ cấp cứu đuối nước đúng cách đã nói rất nhiều, nhưng chiếm tới 40% số vụ việc đuối nước phụ huynh tại địa phương vẫn dùng biện pháp “lăn lu” để cứu trẻ bị nạn. Khi đưa tới BV, khiến BS vừa phải cấp cứu lá phổi, vừa cấp cứu bỏng cho trẻ. 

Ngoài ra, ở các vùng sông nước như Tiền Giang, Long An, mỗi nhà thường có ao nước trước cửa, nghỉ hè, cha mẹ mải việc, không kịp để mắt, trẻ tha thẩn chơi gần ao mà rớt xuống. Vùng ven thành phố lại phổ biến hiện tượng nhà có bể nước nhưng không có nắp đậy, trẻ đi lại, chạy nhảy chơi đùa và lọt, ngã vào. 

Còn trong vùng nội đô, nhiều trường hợp, rõ ràng cha mẹ đã có phen sợ “mất mật” vì để con ngã xuống hồ nước hòn non bộ thiết kế trong nhà. Thế nhưng, sau khi được BS cứu sống, đưa trẻ tới tái khám, BS hỏi đã phá bỏ cái “bẫy” chết người ấy trong nhà chưa thì đa số đều tỏ vẻ tiếc tiền nên chưa phá bỏ.

Trước áp lực của ngành Giáo dục đang phải đối mặt về nạn trẻ đuối nước, BS Nguyễn Minh Tiến góp ý, có 2 vấn đề cần được thực hiện song song: Đó là việc tuyên truyền sâu, rộng cho mọi bậc cha mẹ và HS thấy tầm quan trọng của việc học bơi; thứ nữa khi mà việc phổ cập bơi 100% cho trẻ chưa thể thực hiện được thì việc cần hơn, đó là cần trang bị cho giáo viên và HS kiến thức về an toàn phòng chống đuối nước. HS cần biết cách tự bảo vệ mình khi gặp đuối nước, và cả biết cách cứu bạn đuối nước đúng cách. Không thể thiếu kiến thức cứu đuối mà cứ nhảy ào xuống cứu bạn, nguy hiểm tính mạng cho chính mình. 

Theo BS Tiến, các kiến thức cơ bản này ở các nước phát triển, HS đều được học nhưng ta thì hoàn toàn bị... bỏ quên, như: Phát hiện bạn bị đuối nước, trước hết cần động viên bạn để không hoảng hốt, nhìn xung quanh khu vực tai nạn có vật dụng gì có thể tiếp cận được với người bị nạn để tìm cách đưa họ cầm, nắm mà mình không bị nguy hiểm, động viên người bị nạn trấn tĩnh là vô cùng quan trọng. La lớn gọi mọi người xung quanh ứng cứu. Đây là những kiến thức tối thiểu phải dạy cho HS là những kỹ năng thiết thực nhất khi đối mặt với hiểm nguy cứu đuối và cấp cứu đuối nước.

Theo Y văn thì với trường hợp đuối nước, 4 phút đầu được coi là giờ vàng để cấp cứu có hiệu quả. Nghiên cứu khảo sát các trường hợp nhập viện vì đuối nước của BV Nhi đồng 1, cho thấy có 3 nguyên nhân gây ra tai nạn này, gồm: do trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) chìm trong các vật chứa nước trong nhà; do trẻ không biết bơi rơi xuống ao, hồ, kênh, rạch, sông và do biết bơi nhưng kiệt sức, bị vọp bẻ, thiếu kiến thức cứu đuối. Trong đó, việc sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân. Do đó rất cần thiết phải tập huấn kỹ thuật sơ cấp cứu hàng năm nhất là đối với giáo viên mầm non.

HS Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 trong phần thi Kĩ năng cứu đuối.
Huyền Nga
.
.