Những bóng blouse trắng trên đại dương xanh

Chủ Nhật, 26/06/2016, 07:38
Ngày 16-5, đang làm nhiệm vụ ở khu vực nhà giàn Tư Chính, giáp ranh với vùng biển Malaysia và Indonesia, anh Nguyễn Quốc Lợi, thuyền phó tàu kiểm ngư 202 phát hiện bị đau bụng. 41 tiếng đồng hồ sau đó, Lợi mới được đưa đến bệnh xá Trường Sa lớn trong tình trạng ruột thừa đã vỡ, mủ đã đầy ổ bụng.


Ca mổ gấp gáp trong điều kiện cơ sở vật chất có hạn của đảo đã cứu mạng anh Lợi một cách thần kỳ. Với sự hiện diện của những bác sỹ tay nghề cao tăng cường từ đất liền, rất nhiều ca bệnh trọng như thế đã được xử lý ở Trường Sa.

Tàu KN 490 mang theo đoàn công tác số 15 cập cảng Trường Sa ngày 1-6 có một người khách đặc biệt. Đó chính là Nguyễn Quốc Lợi, đã tương đối bình phục sau ca mổ ruột thừa 15 ngày trước. 

Dù sự hồi phục được cho là trên cả mong đợi, bệnh nhân đã đi lại, ăn uống bình thường, các bác sỹ ở đảo Trường Sa lớn vẫn muốn đưa Lợi vào bờ càng sớm càng tốt, để có đầy đủ các thiết bị làm các xét nghiệm chuyên biệt.

Bác sỹ của bệnh xá Trường Sa chia tay bệnh nhân đặc biệt Nguyễn Quốc Lợi.

Dù đã đưa ra đảo các bác sỹ vừa trẻ, vừa có tay nghề giỏi, nhưng việc chăm sóc hậu phẫu vẫn còn là khó khăn của đảo. Thượng úy An Quang Vũ – chàng bác sỹ gốc Hà Nội, 27 tuổi, trẻ đến độ ai mới nhìn cũng tưởng là lính nghĩa vụ, chia sẻ: “Với bác sỹ ở ngoài này, khó khăn nhất là điều trị sau mổ. Bệnh nhân không ăn được, phải có đầy đủ xét nghiệm để đánh giá rối loạn sau quá trình phẫu thuật, để bù cho đủ, nhưng ở đây không có nên phải bù “mù”.

Ví dụ muốn dùng kháng sinh mạnh nhất cho bệnh nhân, nhưng chẳng may bệnh nhân lại kháng với kháng sinh đấy thì chết”. “Thiết bị xét nghiệm ở đảo chỉ có những thứ cơ bản, còn chuyên sâu quá thì không có. Điều kiện vô trùng, kháng sinh cũng chỉ dùng được tới mức độ trung bình, nếu có biến chứng nặng thì sẽ khó khăn hơn. 

Ngoài này biệt lập, đâu có được như trong đất liền, trong khi trên tính mạng con người, phải làm thế nào cho chắc chắn nhất, không thể có rủi ro được” – Thiếu tá, bác sỹ Lê Thanh Liêm bổ sung. “Nhưng ca này đến thời điểm này là quá tốt rồi, đi đứng, sinh hoạt như bình thường. Một phần là nhờ thể lực của bạn ấy rất tốt”.

Bên cạnh sức khỏe trời phú, Nguyễn Quốc Lợi đã thực sự rất may mắn, bởi có ở giữa mênh mông đại dương mới thấy con người nhỏ bé, mong manh đến nhường nào. “Em phát hiện đau bụng khi đang ở nhà giàn Tư Chính, cách Trường Sa lớn gần 200 hải lý. Nằm 1 ngày trên tàu không đỡ, anh em mới đưa sang tàu KN 290, ở cách đó 50 hải lý, vì trên đó có bác sỹ.

Sau khi thăm khám và kết luận đau ruột thừa, tàu đã xin lệnh của Quân chủng, mở 4 máy, chạy hết tốc lực đưa em về Trường Sa lớn”, Nguyễn Quốc Lợi cho biết. Đã vậy, Lợi vẫn tự đi xuồng, đi bộ vào bệnh xá, không cần cáng, nhưng khi các bác sỹ đặt dao mổ đã thấy mủ phun ra từ ổ bụng, ruột thừa đã vỡ từ lúc nào.

Một may mắn khác của Lợi là gặp đúng ekip bác sỹ có chuyên môn cao, đặc biệt là người trực tiếp mổ - Đại úy, bác sỹ Nguyễn Đức Cường, vốn là bác sỹ chuyên ngành ổ bụng của Bệnh viện 175. Bác sỹ Cường, 33 tuổi, mắt đen láy và có khuôn mặt bầu bĩnh như trẻ con, vừa được tăng cường ra đảo cách đó 1 ngày, được mệnh danh là “mắn” bệnh nhân nhất đảo. 

Ra nhận nhiệm vụ hôm trước, hôm sau lập tức có một ca ruột thừa. Mổ vào lúc 10h đêm, dọn dẹp xong lúc gần 2h sáng, vừa chợp mắt được một chút thì 4h sáng nhận được tin về ca bệnh của Lợi.

Nhiều ca bệnh nặng tương tự đã được các bác sỹ ở đây xử lý thành công. Bác sỹ Lê Thanh Liêm cho biết: Từ đầu năm đến nay gặp 4, 5 ca bệnh nặng, trong đó phải đại phẫu 3, 4 ca. Về nội khoa cũng có 3 ca nặng, trong đó có 1 ca ngư dân, 63 tuổi, bị nhồi máu cơ tim. Bệnh xá đã hội chẩn trực tuyến với đất liền. Sau đó, cả khoa tim mạch cùng Phó Giám đốc Bệnh viện 87 đã bay trực thăng ra đảo áp tải bệnh nhân về điều trị.

Hay đúng 30 Tết năm ngoái, bệnh xá cũng đã tiếp nhận và mổ cho một ngư dân bị đá đập nát tay, mấy hôm mới vào đến đảo. Một trường hợp khác là một bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt, qua siêu âm chẩn đoán là vỡ tạng đặc và cần phải mổ cấp cứu ngay. Sau khi xin ý kiến hội chẩn, bệnh viện đã nhất trí mổ tại bệnh xá chứ không đưa vào đất liền vì sẽ bị sốc.

Bác sỹ An Quang Vũ hôm đó vừa tới đảo, “dặt dẹo” vì say sóng, nhưng cũng cùng một y sỹ của kíp trước lập tức hiến máu cho bệnh nhân. Đến nay, bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh và chuẩn bị ra đảo tiếp tục công tác. Còn trẻ và say sưa với nghề, Vũ cho biết vốn chuyên ngành tai, mũi, họng, nhưng ra đến đảo, giờ đã thành bác sỹ… đa khoa.

“Ra đảo em mới thấm thía, đúng là học được càng nhiều càng tốt, càng giúp đỡ được người dân trên đảo. Như em đã trực tiếp mổ, điều trị cho trường hợp bệnh nhân bị áp xe bàn tay do bị đâm bởi san hô. Do trước đó đã có 1 thời gian học chấn thương chỉnh hình, nên đến bây giờ có một vài chấn thương điều trị được. Ở đảo chỉ có vài bác sỹ, không thể đầy đủ như đất liền, lúc cần thì chuyên ngành nào cũng phải biết để còn cấp cứu cho bệnh nhân”.

Những năm gần đây, việc chăm lo sức khỏe cho quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã được nâng lên một bước. Nếu như trước đây, bệnh xá ở Trường Sa lớn chỉ có 1 bác sỹ, 1 y sỹ, thì nay đã có 3 bác sỹ các chuyên khoa và hàng chục y sỹ. Bệnh viện 175 còn đang có kế hoạch nâng bệnh xá thành Trung tâm Y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của quân dân trên đảo, đặc biệt trong mùa đánh bắt. 

Điều trị bệnh vô tư, hoàn toàn miễn phí cho quân dân trên đảo, ngư dân trên quần đảo, sự hiện diện của những bóng blouse trắng giữa đại dương mênh mông là một điểm tựa tinh thần, là một bảo chứng cho việc mỗi sinh mạng của quân dân trên đảo đều được bảo vệ đích đáng.

Vũ Hân
.
.