Liên tiếp tử vong do ngạt khí: Thiếu kiến thức phòng tránh

Thứ Năm, 18/05/2017, 09:15
Cái chết thương tâm của 3 anh em do bị ngạt khí biogas ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) lại thêm một hồi chuông cảnh báo nguy hiểm về việc sử dụng hầm biogas không đúng cách. Đã có nhiều cái chết bất ngờ do ngạt khí độc biogas, ngạt khí lò vôi, bếp than tổ ong… nhưng cách phòng tránh cũng như việc sử dụng thế nào để tránh nguy hiểm đến tính mạng vẫn chưa được nhiều người dân coi trọng.

Liên tiếp những cái chết do ngạt khí

Sử dụng hầm biogas đã trở thành quen thuộc với bà con nông dân khi nó tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Ở nhiều miền quê, hầu như gia đình nào cũng xây dựng hầm biogas. Nhưng việc sử dụng hầm này như thế nào cho đúng cách, đảm bảo an toàn thì không phải gia đình nào cũng biết. Hậu quả của việc sử dụng không đúng cách đã dẫn tới nhiều vụ thiệt mạng một cách oan uổng.

Mới đây nhất là cái chết thương tâm của 3 anh em Tăng Văn Đươm, Tăng Văn Đới và Tăng Văn Đượm, đều ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Khoảng 21h ngày 10-5, anh Đươm ra sau nhà để sửa bình khí biogas. Chưa đầy 5 phút sau, người nhà anh Đươm nghe thấy tiếng động mạnh sau nhà chạy ra thì phát hiện anh đã ngã xuống hố gas.

Thấy anh mình rơi xuống bất tỉnh, anh Tăng Văn Đới hô hoán mọi người ứng cứu và giục mẹ (bà Tăng Thị Mơ) chạy sang gọi anh trai cả. Trước lúc bà Mơ chạy đi gọi anh Tăng Văn Đượm thì thấy anh Đới đang đứng ở thang tre, nửa người dưới hố gas, nửa người trên mặt đất. Anh Đượm tới nơi thấy hai em rơi xuống hố gas bất tỉnh thì cũng leo xuống cứu người nhưng do hít phải khí độc trong hầm biogas nên ngã xuống.

Khi 3 anh em được đưa lên mặt đất thì đều đã tử vong. Vì không có kiến thức cứu người bị ngạt khí biogas mà nhiều sinh mạng mất đi trong cùng một thời điểm.

Do không nắm rõ kiến thức an toàn, không biết trong hầm có nhiều khí độc, nhiều người đã trèo xuống hầm biogas để sửa chữa, tháo nắp, bơm nước và tử vong ngay tức thì. Người khác thấy vậy cũng vội vàng nhảy vào cứu nên cũng bị ngạt khí độc dẫn tới tử vong.

Điển hình là vụ 3 người chết ngạt khí biogas, 6 người phải vào viện cấp cứu xảy ra tại ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Hay 3 người chết do ngạt hầm khí biogas ở xóm Đồng, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Việc cứu người bị ngộ độc khí dẫn tới tử vong hàng loạt còn xảy ở cả dưới giếng, lò gạch… Điển hình là cái chết của 8 nạn nhân vì ngạt khí CO2 tại lò vôi ở thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) vào ngày 1-1-2016 là một ví dụ.

Theo chuyên gia vật lý, TS Nguyễn Văn Khải thì lò vôi truyền thống được vận hành bằng phương pháp thủ công, xử lý chất độc không được tốt, dẫn đến xảy ra nhiều cái chết thương tâm. Trong quá trình nung đá vôi ở nhiệt độ nhất định sẽ sản sinh ra các khí như CO2, CO, Nox, trong đó có CO và Nox là những loại khí cực độc, khi hít phải một lượng nhất định có thể dẫn tới bất tỉnh, chết não. Tuy nhiên, những loại khí này đều không mùi, không màu nên nạn nhân không nhận biết.

Xây dựng hầm biogas nhưng cần phải phổ biến cách sử dụng an toàn cho người dân.

Những cách phòng tránh

Trong khi việc xây dựng hầm biogas không ngừng gia tăng ở các vùng nông thôn nhưng kiến thức và ý thức phòng tránh ngạt khí độc khi sử lại không tăng lên. Hậu quả là nhiều cái chết oan uổng, tức thì để lại bao đau xót và gánh nặng kinh tế gia đình cho người ở lại. Vì sao những cái chết oan uổng cướp đi nhiều sinh mạng như vậy lại vẫn liên tiếp diễn ra?

Theo TS Nguyễn Văn Khải thì nguyên nhân là do người dân thiếu kiến thức về việc sử dụng hầm biogas đúng cách, an toàn. Tương tự như vậy, người lao động làm việc ở các lò vôi, lò gạch, hay xuống giếng bị ngạt khí dẫn tới tử vong cũng vậy. Do họ không biết trong môi trường đó có khí độc, dẫn tới hít phải lượng khí độc lớn, tử vong ngay tức thì. Vậy làm gì để phòng tránh?

Theo TS Nguyễn Văn Khải thì bất kỳ chỗ nào có sự phân hủy của hữu cơ là ở đó có khí Metan. Khi đào giếng, hầm ngầm, hố sâu hay hang núi, để phát hiện bên trong có khí Metan hay không, người dân có thể sử dụng nguyên tắc “ngọn nến”. Khi đưa ngọn nến vào nếu lửa tắt chứng tỏ là khí Metan vẫn còn nhiều. Còn nếu vẫn cháy thì khí Metan đã đi hết.

Trong trường hợp khí Metan đậm đặc thì không thể dùng nguyên tắc “ngọn nến”. Bởi lẽ, dùng ngọn nến ở môi trường khí Metan đậm đặc sẽ dễ dẫn đến tình trạng cháy nổ.

TS Nguyễn Văn Khải khuyến cáo, khi có ý định sửa chữa hầm biogas thì người dân phải xả hết khí dưới đó ra thì mới được phép chui xuống. Khí trong hầm biogas thực ra chính là khí Metan có tác dụng làm chất đốt. Người bình thường khi bất ngờ bị xộc khí này vào mũi có thể bị ngạt và dẫn tới tử vong. Vì thế, người dân phải tuyệt đối cẩn thận và phải xả hết khí biogas ra ngoài trước khi xuống hầm biogas để sửa.

Để xác định trong hầm biogas đã xả hết được khí Metan ra hay chưa, TS Khải cho hay người dân hãy sử dụng nguyên tắc “ngọn nến”. Nếu đưa xuống đó lửa vẫn cháy tức là khí Metan đã đi hết, lúc này có thể vào sửa chữa.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Khải thì trong chương trình sách giáo khoa phổ thông đã có những bài học về khí Metan. Tuy nhiên, lại thiếu kiến thức liên quan đến việc phát hiện, tận dụng cũng như giảm thải khí Metan. Đây là điều mà các nhà làm sách giáo khoa nên chú ý.

Thiết nghĩ, để sử dụng hầm biogas an toàn, người dân khi xây dựng cần phải tìm hiểu, học thuộc quy tắc, kỹ năng khi sửa chữa để đảm bảo tính mạng. Ở những địa phương khi triển khai xây dựng nhiều hầm biogas cũng như có lò vôi hoạt động, chính quyền địa phương cần mở các lớp tuyên truyền kiến thức để người dân nắm rõ quy tắc, nâng cao cảnh giác, nhằm tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.

Hương Hằng
.
.