Hoa cảnh Cái Mơn vào vụ Tết

Thứ Bảy, 15/12/2018, 10:35
Vào thời điểm hiện tại, không khí lao động tại các điểm sản xuất hoa kiểng trên địa bàn huyện Chợ Lách (Bến Tre) diễn ra tất bật. Dọc theo QL57, nhất là khu vực Cái Mơn, địa danh thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, không khó để bắt gặp cảnh người nông dân cần mẫn chăm sóc, tỉ mỉ cắt tỉa, tạo hình kiểng thú, kiểng chậu, để nhằm cung ứng thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nhiều sản phẩm đẹp, độc và chất lượng.…


Cây cảnh hình lợn vàng hút hàng

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách, trên địa bàn có khoảng 1.500 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, thu hút trên 10.000 lao động. Hiện nhiều chủ vườn đang tất bật uốn, tỉa, ghép hình để tung ra nhiều loại sản phẩm mới nhằm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Trong đó, sản phẩm kiểng tạo hình con lợn được nhà vườn đẩy mạnh sản xuất, bởi đây là linh vật của năm.

Với hơn 40 năm trong nghề kiểng tạo hình, nghệ nhân Nguyễn Văn Rớt (68 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hưng 1, xã Vĩnh Thành) cho biết, năm nay cơ sở của ông có hàng “độc nhất vô nhị”, đó là 3 cặp kiểng hình lợn vàng. Theo ông Rớt, lợn là linh vật của năm nay.

Chính vì thế, ông đã ấp ủ ý tưởng từ năm ngoái (2017), đến tháng 2 âm lịch năm nay thì bắt đầu việc tạo khung hình và tìm giống cây kiểng thích hợp để lên khuôn. Sau nhiều làm thử nghiệm, nghệ nhân Ba Rớt quyết định chọn cây trang bông vàng để tạo hình.

“Hiện, tôi đang cắt tỉa cành, xử lý để hoa nở rộ vào lối hai mươi tháng Chạp. Nếu đúng như kế hoạch khi cây trang ra hoa đều thì cặp kiểng hình heo của tôi sẽ rất đẹp và độc đáo. Cây trang bông vàng giờ rất khó kiếm và đang dần khẳng định giá trị trong giới cây cảnh”, ông Rớt chia sẻ. Theo ông Rớt, mỗi cặp kiểng hình lợn vàng, có chiều dài từ 1,2 – 1,6m, có giá từ 20 – 30 triệu đồng. Được biết, kiểng hình lợn vàng của cơ sở ông Rớt đã có nhiều khách hàng đến xem, thích thú.

Nghệ nhân Ba Rớt chăm sóc cho cây cảnh tạo hình lợn vàng.

Riêng nghệ nhân Năm Công, người đi đầu trong nghệ thuật tạo hình kiểng thú của Chợ Lách cho biết, năm nay ông chọn cây si để sản xuất kiểng tạo hình. Đến nay đã có nhiều đơn vị đặt hàng, cơ sở của ông cũng đã vận chuyển giao cho khách hàng vì cây si dễ chăm sóc. Theo đó, giá bán của kiểng hình lợn từ cây si cũng rất đa dạng, từ vài triệu đến vài chục triệu/cặp, tùy vào kích thước theo yêu cầu của khách hàng.

Còn ông Nguyễn Văn Vi (51 tuổi) có 14 năm gắn bó với nghề tạo hình quất, chia sẻ: “Để cho ra một sản phẩm kiểng thú, nghệ nhân phải kỳ công uốn khung sắt để tạo phần thân, đuôi, chân… cho con vật thật sinh động. Trong đó, phần khó làm nhất vẫn là đầu vì phải dùng bông gòn và keo trộn vào, rồi nắn sao cho giống đầu vật thật.

Ngoài ra, thân hình đòi hỏi đôi tay nghệ nhân phải vô cùng khéo léo mới tạo ra sản phẩm có hồn, thu hút khách hàng”. Theo các nhà vườn tạo hình quất kiểng, cuối tháng 2 âm lịch là thời điểm bắt đầu chiết quất thành nhánh, rồi cho vào bầu bó lại để ươm. Đến tháng 10 lịch sẽ dồn những giỏ quất đạt chất lượng vào khung sắt để tạo hình. Cứ 20-25 giỏ (mỗi giỏ 3–4 nhánh) quất sẽ cho ra hình một con vật theo mong muốn.

Nếu tính các công đoạn như vô bầu, uốn khung sắt cho đến tạo hình người thợ phải bỏ thời gian 3–5 ngày để có được một chậu kiểng tạo hình. Việc tạo kiểng hình thú ở Chợ Lách không chỉ đa dạng về hình dáng, kích thước mà còn khác nhau về cách trang trí phụ kiện như: mắt, đầu, lỗ tai… Việc tạo hình bắt đầu tháng 10 và kết thúc vào cuối tháng 11 âm lịch. Đối với những chú lợn kiểng được tạo thành từ cây quất, thì phải đảm bảo trái còn xanh cho đến cận Tết thì chuyển sang màu vàng đều.

Một sản phẩm khác cũng được khách hàng ưa chuộng đó là quất chậu. Anh Nguyễn Thanh Hùng (xã Hưng Khánh Trung A, huyện Chợ Lách) cho biết, năm nay gia đình sản xuất 400 chậu quất kiểng bán cho thị trường Tết. “Để có một chậu quất đẹp, nhà vườn bắt đầu vào chậu từ tháng 5 âm lịch và xử lý ra hoa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa nên nhiều cây bị thối rễ, vàng lá, đậu trái không đều… mong rằng từ đây đến Tết thời tiết ổn định, để chất lượng sản phẩm được đảm bảo”, anh Hùng lo lắng.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, cán bộ phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết: “Năm nay sản lượng hoa kiểng cung ứng thị trường của huyện là trên 12,5 triệu sản phẩm, trong đó dịp Tết là 9 triệu. Sản phẩm chủ lực mai vàng, tắc kiểng, mai chiếu thủy và các loại hoa nở như cúc, vạn thọ…

Để hỗ trợ nông dân, các chuyên viên của đơn vị đang phối hợp cùng cán bộ nông nghiệp của từng địa phương triển giao kỹ thuật cho bà con, đặc biệt là kỹ thuật xử lý ra hoa đúng thời điểm. Ngoài ra, ngành chức năng huyện Chợ Lách cũng hỗ trợ người nông dân sản xuất hoa kiểng bằng cách liên hệ với các bến bãi, chợ hoa tại TP Hồ Chí Minh, để thuê mặt bằng với mức giá thấp nhất có thể cho người dân”.

Thu nhập cao từ việc chăm sóc cây cảnh

Những năm qua, sự thay đổi về tâm lý tiêu dùng của khách hàng cũng phần nào ảnh hưởng đến thị trường đầu ra, cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh của các cơ sở hoa kiểng. Nếu như trước đây, khách hàng thường chọn hình thức mua kiểng về chưng, thì nay lại chọn thuê, mướn chưng bày trong những ngày tết cho tiện lợi.

Tuy còn khoảng một tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng dịch vụ cho thuê mai vàng đã rục rịch. Tại các cơ sở sản xuất mai vàng trên địa bàn xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, từ nhiều ngày qua đã có khách hàng từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tìm đến, với mong muốn thuê được cặp mai ưng ý.

Anh Nguyễn Thái Cường (TP Hồ Chí Minh) cho biết, do diện tích sân trước nhà nhỏ hẹp không thích hợp việc trồng cây kiểng, nhất là những loại cao, to như mai vàng nên thường đến Tết, gia đình anh tìm đến những cơ sở sản xuất kinh doanh mai để thuê một cặp trưng trong nhà.

“Mình thuê từ ngày 25 Tết cho đến mùng 10, tùy vào kích cỡ lớn, nhỏ mà có giá thuê mai vàng cũng khác nhau, dao động từ khoảng 500.000 – 2.000.000 đồng/cây. Sau Tết, cơ sở cho nhân viên đến vận chuyển về để tiếp tục chăm sóc, phục vụ cho mùa Tết năm sau”, anh Cường chia sẻ.

Đối với các loại cây kiểng tạo hình hoặc mai vàng đòi hỏi người chơi phải có trình độ kỹ thuật cao, kỹ năng uốn tỉa và tạo dáng, xử lý ra hoa đúng thời điểm. Chính vì thế, vào thời điểm hiện tại, ngoài việc chú trọng sản xuất hoa kiểng bán Tết, thì cũng không ít cơ sở nhận chăm sóc kiểng. Có cơ sở cho nhân viên đến tận vườn để sửa, chăm sóc hoặc ký hợp đồng gửi chăm sóc dài hạn. Nghệ nhân sửa kiểng có 2 nhóm là chuyên sửa kiểng bông, kiểng trái, kiểng thú, kiểng hình và các loại trang trí. Lực lượng này làm việc quanh năm và trở nên “đắt show” vào những tháng cận Tết.

Gắn bó với nghề hơn 30 năm, một nghệ nhân ở Chợ Lách cho biết nghề sửa kiểng hiện nay rất thịnh hành, mùa nào cũng làm không hết việc. Tuy nhiên cao điểm vẫn là mùa Tết, bởi các cơ sở kinh doanh hoặc chủ vườn cần tạo nhiều dáng cây độc, lạ níu chân khách hàng, tiếp đãi bạn bè. Việc sửa kiểng làm sao ai nấy nhìn vào cũng thích, chứ chỉ cá nhân nhìn đẹp là thất bại. Một tác phẩm đạt yêu cầu phải đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật và thẩm mỹ.

Nghệ nhân Phạm Hồng Lựu kể thêm từ đây cho đến Tết là chẳng ngày nào ngơi tay, số lượng cây nhận chăm sóc, cắt tỉa nhiều lên. Người sửa kiểng phải tạo ra sản phẩm có hồn và đòi hỏi khi làm phải tập trung tối đa, có cặp mắt tinh tường, trí tưởng tượng phong phú. Theo ông Lựu, tùy vào loại cây, yêu cầu của khách hàng mà tiền công cũng khác nhau.

“Thường đối với những cây kiểng có giá trị, tiền công chăm sóc sẽ càng cao và nghệ nhân giỏi nghề mới được “trọng dụng”. Nếu nhiều đơn hàng thì qua mấy tháng Tết, cũng kiếm được vài chục triệu bỏ túi. Nếu thuê theo ngày thì tiền công cũng từ 700.00 – 1.000.000đồng/ngày, chưa kể tiền khách hàng ưng ý thưởng thêm”, ông Lựu chia sẻ.

Trần Lĩnh
.
.