Hàng ngàn hécta đất trồng lúa “khát nước”, nông dân gặp khó

Thứ Tư, 26/05/2021, 09:56
Vụ Hè Thu 2021, tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 2.600ha diện tích trồng lúa không chủ động nguồn nước, do đó phải chuyển đổi qua trồng các loại cây chịu hạn, như đậu, lạc, dưa hấu… Ngoài ra, một số khu vực do ảnh hưởng nặng của hạn hán, xâm nhập mặn phải bỏ hoang khiến nông dân gặp khó khăn...


Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện Phú Vang có diện tích lúa vụ Hè Thu 2021 không thể sản xuất lớn nhất tỉnh, với 1.156ha, do không chủ động được nguồn nước tưới.

Điển hình như xã Vinh Xuân, có 198ha diện tích trồng lúa phải chuyển đổi qua cây trồng ngắn ngày, hoặc một số diện tích phải bỏ hoang. Các xã, thị trấn Vinh Hà, Phú Diên, Phú Đa, Phú An... cũng “chung cảnh ngộ” khi hàng trăm hecta diện tích trồng lúa do thiếu nước nên phải chuyển đổi qua trồng các loại cây chịu hạn. Ngoài ra, cũng có một số khu vực do bị nhiễm mặn phải bỏ hoang.

Ông Phan Phước (trú tại tổ dân phố Lương Viện, thị trấn Phú Đa) cho biết, vụ Hè Thu năm nay gia đình ông tiếp tục bỏ hoang 3 sào ruộng lúa, do sản xuất không hiệu quả, nguồn nước tưới chủ yếu nhờ vào… trời mưa; trong khi đó hạn hán kéo dài.

Đắp đập tạm tại 5 xã thuộc thị xã Hương Trà để tận dụng nguồn nước tưới cho vụ Hè Thu 2021.

Ông Đặng Văn Sỹ, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa thông tin, nhiều năm nay, hơn 150ha trồng lúa của người dân 2 thôn Lương Viện, Viễn Trình bị thiếu nước tưới tiêu, sản xuất phải nhờ vào nguồn nước tự  nhiên. Tuy nhiên, nhiều tháng nay và dự báo trong những tháng tới, nắng hạn sẽ gay gắt nên nguồn nước mưa sẽ không có. Với diện tích ruộng chỉ sản xuất được 1 vụ, nhưng thường phải bỏ hoang đất, đang gây nhiều khó khăn cho nông dân.

Tương tự, để ứng phó với hạn hán, một số xã của huyện Phú Lộc, thị xã Hương Thủy cũng đang triển khai chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng chịu hạn. Đối với xã Giang Hải (Phú Lộc), vào vụ Hè Thu thì nhiều diện tích lúa và rau màu cũng đành bỏ hoang do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Nhiều xã ở vùng Ngũ điền thuộc huyện Phong Điền, những ngày qua, nguồn nước tưới tiêu ở một số vùng hiện đã cạn kiệt. Nhiều nông dân ở đây cho biết, cả gần 2 tháng vẫn không có giọt mưa nên gây ảnh hưởng đến lưu lượng nước từ thượng nguồn về sông Ô Lâu, dẫn đến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở cuối sông bị cạn kiệt nghiêm trọng.

Thực tế, gần 2 tháng nay, trên địa bàn Thừa Thiên-Huế nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến cho một số địa phương bị hạn hán cục bộ, nguồn nước tưới cạn kiệt. Để ứng phó với hạn hán và đảm bảo cho vụ gieo sạ Hè Thu 2021, Công ty Thủy lợi Thừa Thiên- Huế vừa quyết định mở nước hồ Truồi để bổ sung và duy trì mực nước sông Đại Giang để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các huyện, thị xã, như Phú Lộc, Hương Thủy và Phú Vang.

Đồng thời, đề nghị các thủy điện thượng nguồn bổ sung nước và duy trì mực nước sông Hương từ 0,45 - 0,5m để đảm bảo cung cấp hơn 7.900ha diện tích trồng lúa ở khu vực phía Nam Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra, đơn vị này còn thực hiện nạo vét cửa vào Cống Mụ Tú, kênh dẫn Điền Hải - Điền Hòa, tuyến kênh chính hồ Hòa Mỹ, lắp đặt các trạm bơm tạm tăng cường vùng liên hồ Mỹ Xuyên, trạm bơm Phổ Lại ở Phong Điền; khởi động các trạm bơm tưới hỗ trợ hồ Khe Ngang, đắp đập tạm tại Hói 5 xã ở thị xã Hương Trà... 

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, để ứng phó với hạn hán, tỉnh vừa có văn bản gửi đến Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 5 (thuộc Bộ NN&PTNT) yêu cầu tăng lưu lượng hồ thủy lợi Tả Trạch về hạ du để phục vụ xuống giống vụ Hè Thu 2021, với lưu lượng mỗi ngày khoảng 45-50m3/s, thời điểm điều tiết kéo dài từ giữa tháng 5/2021 đến kết thúc giai đoạn xuống giống vụ Hè Thu 2021.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cấp nước trong vụ Hè Thu 2021 để chủ động xác định ngay từ đầu vụ việc tiếp tục trồng lúa hay chuyển đổi sang trồng cây rau màu khác, nhằm tránh thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra...
Hải Lan
.
.