Tiếp nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất

Thứ Ba, 05/10/2021, 08:46

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến 98% tổng số DN trên cả nước. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều DNNVV phải giải thể, phá sản, hoặc thu hẹp sản xuất do thiếu vốn trong khi các chi phí đều tăng mạnh. Trong bối cảnh phải "sống chung với dịch COVID -19", thì việc phục hồi để tái sản xuất kinh doanh đang là khó khăn rất lớn của các DN, đặc biệt là DNNVV, cần được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Ngày 7/9/2021 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong thời điểm DN đang "đói" vốn để duy trì hoạt động sản xuất, thì thông tư 14 ra đời rất được cộng đồng DN quan tâm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước -  Chi nhánh TP Hồ Chí Minh giải thích: Thông tư 14 không khác biệt nhiều so với Thông tư 01, Thông tư 03 trước đó. Điểm mới của Thông tư 14 là điều chỉnh, kéo dài thêm về mặt thời gian để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Với Thông tư 14, đối tượng được hỗ trợ là DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì vậy để được hỗ trợ, DN phải chứng minh được là mình đã bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, dẫn đến doanh thu sụt giảm, thu nhập sụt giảm…

Tiếp nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất -0
Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ DN.

Đồng hành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã giúp DN tiếp cận thêm các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác. Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (USAID LinkSME), trên cơ sở phối hợp với Chính phủ Việt Nam đang hướng tới đạt các mục tiêu: Môi trường kinh doanh được cải thiện, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV; Tương tác giữa Chính phủ và DN hiệu quả nhờ hiện đại hóa và số hóa; DNNVV thiết lập các kết nối mới và quan hệ cung ứng với các DN đầu chuỗi thông qua các đơn đặt hàng, hợp đồng cung ứng lâu dài; DNNVV đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tiếp cận nguồn tài chính nhờ sự hỗ trợ của dự án và các đối tác.

Bà Phan Lệ Hà, cán bộ dự án USAID LinkSME cho biết: "Hiện, USAID LinkSME đã hợp tác được với hơn 30 DN đầu chuỗi (nhà mua) lớn, tham gia vào dự án và chúng tôi cũng đã giới thiệu được hơn 156 DN kết nối với các DN đầu chuỗi này, với tổng giá trị đơn hàng thành công hơn 10 triệu USD. Cách chúng tôi thực hiện là sẽ tìm kiếm năng lực, đánh giá sơ bộ các DNNVV, sau đó giới thiệu các DNNVV này với các DN trong chuỗi. Chúng tôi thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực kiến thức cho các DNVVN trong hoạt động quản lý chất lượng, hỗ trợ chuyện sâu để các DNNVV đáp ứng được các đơn hàng cho các DN trong chuỗi".

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của bà Hà thì "Khi cán bộ dự án tiếp cận để hỗ trợ các DNNVV chuẩn bị các hồ sơ tài chính, hay hồ sơ tái cấu trúc thì thấy có một số điểm làm giảm khả năng giúp DN tiếp cận thành công các nguồn tài chính. Cụ thể, có lịch sử nợ xấu; Năng lực quản trị tài chính chưa chuyên nghiệp; Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, rõ ràng; Phương án kinh doanh không khả thi, hay vượt quá khả năng của DN; Thiếu thông tin về nguồn tài chính khác như nguồn vốn từ công ty tài chính, quỹ hỗ trợ phát triển DNVVV… Vì vậy, DN cần khắc phục ngay những nhược điểm này, để hồ sơ dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng".

Ngoài các nguồn vốn trên, DNNVV có thể vay gián tiếp thông qua các Ngân hàng thương mại để tiếp cận với Quỹ phát triển DNNVV - Bộ  Kế hoạch & Đầu tư. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, với những ưu điểm: Lãi suất thấp hơn Ngân hàng thương mại, cố định hoặc giảm trong thời gian vay vốn; Tư vấn, hỗ trợ DN chuẩn bị thủ tục thực hiện quy trình vay vốn; Miễn phí trả nợ trước hạn… Tuy nhiên, Quỹ sẽ không hỗ trợ một số nội dung như: Trả nợ vay; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; các khoản bồi thường; hàng hóa dịch vụ pháp luật cấm.

Ông Bùi Hoàng Tùng - Trưởng phòng nghiệp vụ cho vay - Quỹ phát triển DNNVV cho biết, có 3 đối tượng được Quỹ hỗ trợ gồm: DNNVV khởi nghiệp và sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành và DNNVV tham gia chuỗi giá trị. Hiện, có 6 Ngân hàng thương mại đang hợp tác với Quỹ phát triển DNNVV gồm: BIDV, MB, SHB, HD Bank, BAC A Bank, Sacombank. Vì vậy, các DN muốn tiếp cận nguồn vốn của Quỹ phát triển DNNVV thì đến bất cứ ngân hàng nào trong số 6 ngân hàng trên để nộp hồ sơ vay vốn. Ngân hàng tiếp nhận hồ sơ sẽ thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của DN. Nếu thẩm định đạt thì Ngân hàng sẽ chuyển hồ sơ của DN về Quỹ phát triển DNNVV. Quỹ sẽ đánh giá hồ sơ và xác định DN có thuộc 3 đối tượng được hỗ trợ không. Nếu hồ sơ không phù hợp, Quỹ sẽ nêu rõ lý do từ chối, còn nếu đồng ý thì Quỹ sẽ thực hiện các thủ tục chuyển vốn cho ngân hàng để thực hiện giải ngân cho DN theo tiến độ dự án sản xuất kinh doanh của DN.

Mặc dù các chính sách, thông tư liên quan đến các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được triển khai trong thời gian qua, nhưng thực tế cho thấy, việc DN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi không nhiều, nguyên nhân là do hồ sơ của DN chưa đáp ứng được nhu cầu cho vay của ngân hàng. Ông Đỗ Văn Hải - Trưởng phòng khách hàng DNNVV - Ngân hàng BIDV lưu ý DN: "Hồ sơ vay vốn phải minh bạch hóa tài chính, có báo cáo thuế, kiểm toán...; phương án kinh doanh cũng phải rõ ràng khả thi; DN nên kiểm soát tốt dòng tiền kinh doanh và trả nợ ngân hàng để tránh bị nợ xấu, nợ quá hạn và kiểm soát tốt cơ cấu tài chính để ngân hàng tin tưởng cho vay".

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết: "Về góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi theo dõi, giám sát, động viên, khích lệ các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động giảm lãi suất cho DN. Nếu DN tiếp cận khó khăn về mặt thủ tục hành chính thì phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước TP thông qua Sở Công Thương, Hiệp hội DN, Phòng Kinh tế các quận, huyện, là những đầu mối mà chúng tôi phối hợp để xử lý trực tiếp, và sẽ trả lời cho DN biết tại sao không cho vay được… Tổng hợp danh sách đến nay có hơn 815 ý kiến của DN khó khăn, vướng mắc và cơ bản chúng tôi đã xử lý thỏa đáng cho DN".

Thúy Hà
.
.