Nhiều “khoảng không lớn” cho doanh nghiệp số Việt Nam vươn ra thế giới

Thứ Sáu, 24/02/2023, 07:26

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thế giới hiện vẫn còn khoảng 49% dân số trong tổng số 8 tỷ người, tức là còn gần 4 tỷ người chưa được kết nối Internet. Với tiềm lực và những thế mạnh sẵn có, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, đây chính là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường ra quốc tế.

Tại hội nghị “DN công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 23/2, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đã chia sẻ về dấu ấn Việt Nam trên bản đồ số toàn cầu, từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ, hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD. Sự thành công của FPT trong hành trình chinh phục thị trường thế giới có thể tiếp thêm động lực, niềm tin cho các doanh nghiệp công nghệ số đã và đang ấp ủ giấc mơ vươn ra toàn cầu.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: Bắt đầu đi ra nước ngoài từ năm 2006, đến nay, Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD.

Nhiều “khoảng không lớn” cho doanh nghiệp số Việt Nam vươn ra thế giới -0
Muốn chinh phục thị trường quốc tế thành công, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải “đi cùng nhau” ra thế giới. Ảnh minh họa

Viettel đúc rút bài học kinh nghiệm là luôn phải tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư; thượng tôn pháp luật; xây dựng được giá trị cốt lõi của DN, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh…

Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, vẫn còn nhiều cơ hội cho DN công nghệ số Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu. Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, thị trường thế giới có tiềm năng khoảng 1.803 tỷ USD, trong đó, các DN lớn của thế giới chiếm khoảng 30% thị trường  này (531 tỷ USD), còn lại 70% thị trường là phần mềm và dịch vụ CNTT, giá trị khoảng 1.272 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT, Bộ TT&TT, đây là cơ hội lớn, khoảng không lớn cho các DN công nghệ số Việt Nam để cùng phát triển dịch vụ. Lý do là DN công nghệ Việt Nam hiện không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu.

Đồng quan điểm này, ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: Với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, DN công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ông Kully Nelson, Phó Tham tán Thương mại, tuỳ viên kinh tế số, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng cho rằng, với thị trường CNTT rộng lớn của Hoa Kỳ và số lượng lớn các “Big Tech” sẽ là cơ hội hấp dẫn cho các DN công nghệ Việt Nam hợp tác, làm ăn.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) cũng giới thiệu các chương trình, kế hoạch thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư của Nhật Bản, cung cấp thông tin về cơ hội cho các DN công nghệ số Việt Nam mở rộng hợp tác, kinh doanh tại thị trường Nhật Bản, vốn đang thiếu hụt số lượng lớn kỹ sư CNTT.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, DN công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số Make in Viet Nam đi ra thế giới. Bộ TT&TT cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đồng hành, sát cánh cùng DN trong tiến trình này. Và để cụ thể hoá mục tiêu này, ngay trong ngày 23/2, Bộ TT&TT chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ DN công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ DN công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

Nhận định chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ đầy khó khăn nhưng đầy vinh quang, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là sứ mệnh của các DN để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Hiện nay là thời điểm thích hợp để các DN công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới.

Với quan điểm “Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau”, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu chính phủ ký kết các hiệp định về đối tác số với các nước. Mỗi tháng Bộ TT&TT sẽ dự kiến tổ chức ít nhất một sự kiện để giúp đỡ các DN công nghệ số làm ăn ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.

Hùng Quân
.
.