Ngân hàng mong gỡ thủ tục về đất để "tiêu tiền"

Chủ Nhật, 03/03/2024, 07:58

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau gần 1 năm triển khai, các tổ chức tín dụng mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng trong gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, thực hiện triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về cho vay phát triển nhà ở xã hội, NHNN đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai cho vay.

Ngân hàng mong gỡ thủ tục về đất để
Sau gần 1 năm triển khai, các tổ chức tín dụng mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng trong gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Kết quả, hiện nay có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó, đã có 7 dự án có nhu cầu giải ngân, số tiền cấp cam kết cấp tín dụng hơn 1.800 tỷ đồng. Tổng số tiền giải ngân đến nay đạt hơn 500 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đã giải ngân cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền giải ngân là 542 triệu đồng.

Về lãi suất, mức lãi suất áp dụng đối với Chương trình 120 nghìn tỷ đồng thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ. Trên cơ sở đó, NHNN đã công bố lãi suất cho vay kể từ khi triển khai chương trình cho đến hết ngày 30/6/2023 là 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2% đối người mua nhà. Kể từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2023, lãi suất cho vay theo chương trình đã giảm 0,5% so với thời kỳ trước (8,2%/năm đối với chủ đầu tư và 7,7% đối với người mua nhà). Đến ngày 25/12/2023, NHNN tiếp tục công bố mức lãi suất cho vay theo chương trình áp dụng từ 1/1/2024 đến 30/6/2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà.

Như vậy, so với thời điểm triển khai gói tín dụng này, lãi suất đã giảm tổng cộng 0,7%. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xây dựng cũng như người mua nhà thì lãi suất từ 7,5 - 8%/năm là mức cao, vì lợi nhuận có được từ kinh doanh nhà ở xã hội bị khống chế ở mức 10%, luôn thấp hơn so với làm nhà ở thương mại. Trong khi đó, mức lãi suất ưu đãi cho vay ngắn hạn mua nhà ở thương mại đang được một số ngân hàng áp dụng còn thấp hơn cả lãi suất của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, ví dụ như Woori Bank (7,2%/năm), BIDV (7,3%/năm), Agribank và Vietcombank (6-6,7%/năm)... Chưa kể, các thủ tục vay vốn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vay thương mại.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây lo lắng cho người vay. Riêng thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong 3 năm trong khi thủ tục đầu tư đã kéo dài 1-3 năm. "Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét mở rộng hơn các đối tượng được vay, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/năm và có ưu tiên cho "người mua căn nhà đầu tiên", ông Châu nói.

Lãnh đạo NHNN cho biết, tỷ lệ giải ngân của gói 120 nghìn tỷ đồng vẫn còn thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai. Đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế do UBND một số tỉnh, thành phố chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn chương trình; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác); một số dự án còn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Thông tin từ Ngân hàng Agribank, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, với gói 120 nghìn tỷ, hiện Agribank đã phê duyệt được 5 dự án, cam kết 2.100 tỷ, dư nợ giải ngân 200 tỷ. Chia sẻ thêm về tín dụng cho vay BĐS, ông Vượng cho biết thêm, hiện tại Agribank đang cho vay hơn 200 nghìn tỷ, trong đó về dư nợ kinh doanh BĐS hơn 20 nghìn tỷ, dư nợ liên quan đến BĐS 185 nghìn tỷ.

Theo ông Vượng, khó khăn khi cho vay BĐS nói chung và gói 120 nghìn tỷ nói riêng là do vướng về thủ tục pháp lý đất đai. "Điều chúng tôi cần lúc này là các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đang chuyển giao, dự án mới gặp vướng mắc, đặc biệt là các thủ tục pháp lý về đất đai để thuận lợi cho việc cho vay vốn", ông Phạm Toàn Vượng kiến nghị.

Cũng thông tin về tín dụng gói 120 nghìn tỷ, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng này đang tiếp cận 20 dự án với dư nợ 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên, khó khăn vướng mắc hiện nay là tháo gỡ thủ tục pháp lý. Vì thế, Vietcombank cũng đề nghị các địa phương cần tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp.

Tương tự, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng cho rằng, khó khăn khiến việc giải ngân cho vay BĐS nói chung chậm đó là do vướng mắc về pháp lý, vì thế, BIDV kiến nghị bộ, ngành địa phương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các công trình để ngân hàng xem xét cấp tín dụng, giải ngân cho nền kinh tế…

Hà An
.
.