Cải thiện điểm yếu để thu hút FDI có chọn lọc

Thứ Hai, 04/03/2024, 08:24

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh, đến nay TP Hồ Chí Minh có 12.300 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 57,25 tỷ USD. Trong đó, đứng đầu “top” 5 nhà đầu tư lớn nhất vào TP Hồ Chí Minh cả về dự án lẫn vốn đầu tư là Singapore, British Virgin Islands, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan.

Đặc biệt, Nhật Bản đứng thứ 3 về vốn đầu tư (5,7 tỷ USD) nhưng đứng thứ 2 về số lượng dự án (1.657 dự án, chỉ sau Singapore), và các dự án đầu tư cuả doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tập trung chủ yếu các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông, khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Cải thiện điểm yếu để thu hút FDI có chọn lọc -0
TP Hồ Chí Minh chọn lọc các dự án FDI vào đầu tư phải có chất lượng.

Để tiếp tục thu hút vốn FDI hiệu quả, cuối năm 2023 UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030, đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng vốn FDI cả Thành phố lên hơn 70% giai đoạn 2023 - 2025 và 75% giai đoạn 2026 - 2030.

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thu hút đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm hiện tại (sản xuất hàng điện tử, hóa dược - cao su - nhựa, cơ khí chính xác, chế biến thực phẩm & đồ uống); 5 ngành công nghiệp công nghệ mới (công nghệ sinh học, dược phẩm, tự động hóa – robotics, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao) và 6 ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng (du lịch, tài chính - bảo hiểm - ngân hàng đầu tư, y tế và chăm sóc sức khỏe; thương mại điện tử, vận tải & logistics, công nghệ giáo dục).

Trong ngắn và trung hạn, Thành phố ưu tiên thu hút các ngành: Kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch… Đặc biệt, Thành phố đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Trong dài hạn, Thành phố ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Phía các nhà đầu tư FDI cho rằng, để đạt hiệu quả như mong muốn Thành phố cần giải quyết được các vấn đề còn tồn tại như: Kẹt xe, ô nhiễm môi trường, hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao...

Để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 98/2023/QH15 cho phép ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện…

Thúy Hà
.
.