Bài 2: Thủng túi ngân sách, méo mó môi trường kinh doanh

Thứ Sáu, 24/04/2015, 10:16
Trong 26 năm qua, kể từ khi DN có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam, không thể phủ nhận vai trò rất rõ nét của khối DN này đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.
>> Bài 1: Lộ mặt “đại gia” chuyển giá

Các dự án FDI góp phần tăng thu ngân sách (NS), là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những thông tin gần đây về việc hàng loạt DN FDI lỗ giả-lãi thật, chuyển giá, trốn thuế được xem là một “căn bệnh” làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay ở nước ta.

Nhiều thủ đoạn chuyển giá

Tại hội nghị sơ kết 5 năm phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Tổng cục Thuế đã kết thúc công tác rà soát 3.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đưa vào danh sách kiểm tra 300 DN để thanh tra chống chuyển giá. Trong 300 DN được thanh tra đã phát hiện 225 DN có hoạt động chuyển giá, như vậy tỷ lệ là rất cao.

Còn theo một số liệu khác trước đó từ Tổng cục Thuế, đợt thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng tại 122 DN FDI thuộc 23 địa phương trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2012 cho thấy nhiều DN hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng đã kê khai lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp để trốn thuế. Sau đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, các DN này buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ với tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng.

Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các DN sau thanh tra, kiểm tra đã tăng lên là 2.599 tỷ đồng, tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ đồng. Đứng đầu cả nước về số thuế truy thu FDI chuyển giá là Hà Nội với 98 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh với hơn 15 tỷ đồng, Thái Bình hơn 7 tỷ đồng, Quảng Ninh, Lâm Đồng hơn 5 tỷ đồng, Hải Phòng 1,3 tỷ đồng…

Bắt đầu từ năm 2012, công cuộc chống chuyển giá được ngành Thuế ráo riết thực hiện. Năm 2012, cơ quan thuế thanh và kiểm tra tại 2.161 DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá, truy thu NS trên 746 tỷ đồng. Năm 2013, vẫn thanh và kiểm tra tại 2.161 DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá, truy thu vào NS gần 1.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ 139,5 tỷ đồng, giảm lỗ 4.192,86 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã thanh tra tại 557 DN, truy thu đến 579 tỷ đồng. Đáng chú ý là hiện tượng chuyển giá hiện không chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực DN FDI như trước mà đã có dấu hiệu lan sang cả một số DN trong nước, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước và gây tác động xấu tới môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Cocacola và Pepsi cũng dính nghi án chuyển giá.

Trong rất nhiều “đại gia” bị ngành Thuế đưa vào tầm ngắm vì chuyển giá trốn thuế, Công ty CocaCola Việt Nam là cái tên khá nổi bật, khi số lỗ theo khai báo đã “ăn” luôn cả phần vốn ban đầu.

Cụ thể, sau 20 năm có mặt tại Việt Nam (từ 1993 - 2013), dù doanh thu cứ ngày một tăng nhưng chưa năm nào CocaCola có lãi. Số liệu từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho thấy, con số lỗ luỹ kế tính đến 30/9/2011 của đơn vị này đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm.

“Bí quyết” để doanh nghiệp (DN) này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007, chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn…

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện tượng của CocaCola rất đáng ngạc nhiên và hoàn toàn phi logic. Bình thường, một DN nếu 3 năm liền làm ăn thua lỗ thì chắc chắn sẽ phải đóng cửa. Trường hợp của CocaCola lại ngược lại, khi tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, nâng công suất từ 30 triệu thùng/năm lên 300-500 triệu thùng/năm.

Một “đại gia” khác trong ngành nước giải khát là Công ty PepsiCo Việt Nam cũng có những biểu hiện đáng ngờ về chuyển giá.

Theo số liệu, kể từ khi thành lập năm 1991 cho tới năm 2007, PepsiCo liên tục lỗ. Trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng, nhưng cũng giống như CocaCola, PepsiCo vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), mới đây nhất là tại Bắc Ninh (73 triệu USD), nâng tổng vốn đầu tư của “đại gia” này tại Việt Nam lên tới khoảng 500 triệu USD…

Phải chống được chuyển giá để không bị trốn thuế

Trong hàng trăm DN bị ngành Thuế đưa vào tầm ngắm chuyển giá, mới đây, một mặt hàng đang mang tính thời sự rất cao là sữa cũng đã có dấu hiệu vi phạm này. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, hầu hết các hãng sữa ngoại đều kêu lỗ để tăng giá. Việc kê khai lỗ này được các DN nước ngoài báo cáo với Sở và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Bởi vậy, bài toán đặt ra là tại sao lại có hiện tượng kêu lỗ? Hay giá tại tờ khai hải quan không trung thực?

“Vì sự bất hợp lý này, chúng tôi đang đặt ra nghi vấn chuyển giá của các DN sữa. Chuyển giá có 2 góc độ: chuyển giá cao và chuyển giá thấp. Chuyển giá cao tạo ra lỗ giả để tránh thuế thu nhập DN, còn đẩy giá xuống là để tránh thuế nhập khẩu. Hai cái này đều là hành vi chuyển giá, có thể lên hoặc xuống, tùy từng mục đích để DN có lợi nhất. Đa phần các DN bị “điểm danh” thời gian qua đều là chuyển giá lên: báo lỗ triền miên nhưng thị phần thì liên tục tăng. Với DN sữa, chúng tôi cho rằng, hướng chuyển giá ở đây là đẩy giá lên cao, vì qua nắm tình hình, DN luôn báo lỗ và cái lỗ đấy là cớ vin vào để tiếp tục điều chỉnh giá. Nhưng theo chúng tôi, so sánh với giá nước ngoài thì giá bán sữa chắc chắn đã đủ lãi rồi, không thể nói là lỗ được”, ông Tuấn cho biết.

Không chỉ sữa, theo phân tích của chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, chuyển giá không phải chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, mà ngay cả khai khoáng - một lĩnh vực rất đặc thù, dường như không mấy liên quan cũng xuất hiện hiện tượng chuyển giá. Câu chuyện Tập đoàn Besra (Canada) đóng cửa mỏ vàng lớn nhất Việt Nam (Bồng Miêu) sau khi đã khai thác cạn kiệt mỏ vàng và vẫn không chịu đóng gần 300 tỉ đồng tiền thuế là bề nổi của tảng băng chìm trong nghi án chuyển giá gây chú ý. Chiêu thức quen thuộc vẫn là báo cáo thua lỗ để chây ì nộp thuế.

“Cách thức mà các DN sử dụng là kê khai đầu tư thiết bị máy móc khai thác với giá thành cao hơn rất nhiều so với thực tế để hạch toán vào trong chi phí nhằm trốn thuế. Phải chống được chuyển giá để không bị trốn thuế”- TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính: Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài với sự khác biệt về thuế suất và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia thì vấn đề chuyển giá, tránh thuế không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà còn xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. “Vấn đề là chúng ta tiếp cận để quản lý tốt, vừa thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, vừa đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và phù hợp với luật pháp quốc tế. Giá đầu vào, đầu ra phải được xác định đúng theo thị trường. “Như vậy mới đảm bảo được chống chuyển giá, từ đó đảm bảo được sự công bằng, đảm bảo được sự thực thi pháp luật và đảm bảo được nguồn thu ngân sách Nhà nước”.
Lệ Thúy
.
.