Những điều cần biết khi chọn mua chung cư

Kỳ 3: Đừng mua căn hộ... bằng niềm tin

Thứ Tư, 05/12/2018, 09:19
Để giải quyết tình trạng tranh chấp tại các chung cư, cách nay 1 năm, Thường trực HĐND thành phố đã phải vào cuộc, tổ chức phiên họp để nghe UBND thành phố giải trình về công tác quản lý Nhà nước đối với nhà chung cư.

Song đến nay, nguy cơ gây mất ANTT tại nhiều chung cư do người mua nhà tranh chấp quyền lợi với chủ đầu tư, với Ban Quản trị hoặc chính quyền địa phương vẫn chưa được thành phố chỉ đạo giải quyết một cách triệt để.

Khi quyết định bỏ tiền để mua căn hộ chung cư hình thành trong tương lai, người mua nhà đều không thể nhìn thấy hình hài căn hộ của mình ra sao bởi tòa nhà chủ yếu mới chỉ được chủ đầu tư làm xong phần móng. Qua nhiều đợt móc hầu bao trả tiền trong vòng 2-3 năm, người mua nhà mới có thể được nhận căn hộ.

Tranh chấp bãi giữ xe tại một chung cư khiến xe của người dân phải phơi mưa, nắng ngoài vỉa hè. 

Thời điểm được nhận căn hộ để dọn vào ở, giấy tờ có giá trị nhất thể hiện quyền sở hữu tài sản rất lớn của người dân cũng chỉ là bản hợp đồng mua bán nhà giữa khách hàng với chủ đầu tư. Do đó, gặp phải trường hợp chủ đầu tư thiếu uy tín hoặc lâm vào cảnh khó khăn về tài chính, người mua nhà còn phải chờ đợi vài năm, thậm chí là cả chục năm chưa chắc đã nhận được “sổ hồng” căn hộ.

Ông Trần Quốc Đạt, Phó phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, trách nhiệm chính trong việc giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư chây ì không chịu làm “sổ hồng” cho cư dân thuộc về Sở TN&MT. Trước khi mở bán căn hộ, chủ đầu tư phải có văn bản kèm hồ sơ gửi Sở Xây dựng để được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện mở bán. Với những dự án đã bị chủ đầu đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, đây là đăng ký giao dịch đảm bảo nên việc giám sát thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố.

Về phía Sở Xây dựng, trong bộ hồ sơ đăng ký mở bán thông thường, chủ đầu tư chỉ cần kèm thêm nội dung cam kết chưa thế chấp dự án trong văn bản và tự chịu trách nhiệm về nội dung cam kết này.

Trường hợp dự án đã bị thế chấp, trước khi mở bán chủ đầu tư phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của phía ngân hàng cho vay nộp về Sở Xây dựng. Những chủ đầu tư sai phạm, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt, trường hợp sai phạm nghiêm trọng Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND thành phố để chuyển cơ quan điều tra. Thời gian qua cơ quan điều tra đã nhiều lần vào cuộc điều tra, xử lý các chủ đầu tư sai phạm.

Trở lại công tác quản lý Nhà nước đối với nhà chung cư, cách nay 1 năm, báo cáo trước Thường trực HĐND thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, tại thành phố đã có 141.062 căn hộ chung cư nhưng vẫn còn tới 35.400 căn chưa được cấp “sổ hồng”. Trong số căn hộ chưa được cấp “sổ hồng” này cũng chỉ có 19.000 hồ sơ hợp lệ sẽ được cấp, còn lại 16.400 hồ sơ chưa được thực hiện vì nhiều lý do. Đến nay số căn hộ chưa được cấp “sổ hồng” tại thành phố vẫn còn cả chục ngàn căn. Tình trạng người mua căn hộ sau nhiều năm chưa được cấp sổ này càng khiến những người đang có nhu cầu mua nhà ngao ngán, quay mặt lại với căn hộ chung cư.

Quận huyện và các sở ngành liên quan thiếu kiên quyết trong việc đôn đốc, giám sát chủ đầu tư làm “sổ hồng” cho cư dân, nên những ngày qua 120 hộ dân chung cư Trung Đông Plaza (đường Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) đang hết sức lo lắng khi biết thông tin: Ngày 1-11, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã gửi văn bản yêu cầu Công ty CP TV&ĐTPT Trung Đông - chủ đầu tư dự án phải bàn giao tài sản đảm bảo cho khoản vay nợ ngân hàng, gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là chung cư Trung Đông Plaza để thực hiện nghĩa vụ đảm bảo trả nợ cho VAMC. Thời hạn được VAMC chốt là chậm nhất đến ngày 1-12.

Tiếp đó, ngày 5-11 VAMC một lần nữa gửi thông báo tới Công ty Trung Đông để nhắc lại yêu cầu phải bàn giao toàn bộ Chung cư Trung Đông Plaza để phục vụ việc xử lý, thu hồi nợ với thời gian thu giữ tài sản đảm bảo vẫn được chốt vào ngày 1-12. Lý do phải tiến hành xiết nợ cả tòa nhà chung cư đã được chủ đầu tư đem bán cho cư dân này, theo giải thích của VAMC thì trước đó đơn vị này đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu Công ty Trung Đông thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định.

Song, khách hàng này đã không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi. Một người dân ở đây cho biết, các hộ dân trong chung cư rất bức xúc khi tài sản thuộc sở hữu của mình đã bị chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng. Vụ việc khiến người dân chung cư này phải đặt vấn đề: Trách nhiệm quản lý của Sở Xây dựng, Sở TN&MT và quận Tân Phú ở đâu trong việc bảo vệ quyền lợi cho người mua căn hộ.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Bộ Xây dựng đã có đến 2 Thông tư hướng dẫn về phân hạng nhà chung cư. Song các Thông tư này chỉ quy định phân hạng chung cư sau khi chủ dự án đã xây dựng hoàn thành hoặc đã bán căn hộ cho khách hàng, bàn giao nhà để người mua dọn vào ở.

Do đó người mua nhà chung cư thực sự được hưởng dự án ở hạng cao cấp đến mức nào thì còn phải trông chờ vào uy tín của chủ đầu tư. Với quy định không sát thực tế như vậy, rõ ràng các Thông tư quy định về phân hạng của Bộ Xây dựng đã ở vào thế “việt vị” trước mánh khóe tự phong hạng dự án cao cấp của chủ dự án.

Theo cảnh báo của Hiệp hội BĐS thành phố, thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện tình trạng “loạn danh” xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang. Những cái tên nước ngoài gắn với các cụm từ như Luxury, Premier, Royal, Kingdom... được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật câu khách, quảng bá dự án và căn hộ.

Trong khi thực tế tại thành phố có không nhiều dự án nhà ở đạt chuẩn cao cấp hoặc đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu. Nhiều dự án nhà ở, chung cư cao tầng được chủ đầu tư tự phong dự án cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang, nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận.

Để ngăn chặn tình trạng này, Hiệp hội BĐS thành phố đã phải chỉ ra rằng các chủ đầu tư này đã “Cung cấp thông tin sai lệch, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm” theo Luật Nhà ở 2014.

Cùng lúc chủ đầu tư cũng đã vi phạm các hành vi bị cấm trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 vì đã "Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản" và đã có dấu hiệu "Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản"; làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà. Đó là còn chưa kể đến những sai phạm của chủ đầu tư dự án trong quá trình rao bán sản phẩm khi áp dụng quy định 16 hành vi bị cấm trong Luật Quảng cáo để xử lý.

Thế nhưng đến nay các cơ quan có trách nhiệm của thành phố vẫn chưa có động thái nào thể hiện việc kiểm tra, xử lý kiên quyết với các dự án nhà ở tự phong cao cấp đang được chủ đầu tư rao bán tràn lan.

Đức Thắng
.
.