Nhiều kỳ vọng về nhà ở xã hội trong năm 2024

Chủ Nhật, 18/02/2024, 06:52

108 dự án đăng ký về đích, đây là con số được Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành năm 2024 của các địa phương. Nếu số lượng dự án này hoàn thành theo kế hoạch sẽ cung cấp cho thị trường hơn 47.500 căn nhà ở xã hội. Số lượng lớn căn hộ này chắc chắn sẽ phần nào giải toả được “cơn khát” cho thị trường hiện nay.

Kỳ vọng “giải khát”

Cơn khát nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn thời gian qua đã thể hiện rất rõ qua việc người dân phải xếp hàng ngày đêm đăng ký mua nhà tại Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được mở bán khoảng tháng 5/2023. Suốt cả năm 2023, trên địa bàn Hà Nội chỉ duy nhất dự án nhà ở xã hội này được mở bán nên đã thu hút lượng lớn người dân xếp hàng đăng ký mua nhà. Chỉ 147 căn hộ được bán ra, chính vì thế hàng nghìn người đã phải chen lấn bốc thăm để giành được suất mua. Việc chen lấn xếp hàng cả ngày lẫn đêm này phản ánh rất rõ về việc “khát” nhà ở xã hội tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

nha o xa hoi.jpg -0
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tốt lên trong năm 2024 bởi hàng loạt dự án được triển khai.

Tuy vậy, cơn khát này sẽ phần nào có thể được giải bởi trong năm 2024, các doanh nghiệp đã vào cuộc và hàng loạt dự án đang được triển khai. Theo con số của Bộ Xây dựng, Hà Nội đăng ký hoàn thành 3 dự án với gần 1.200 căn hộ, TP Hồ Chí Minh đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn hộ. Nếu theo Đề án hoàn thành một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu của Hà Nội là 18.700 căn và TP Hồ Chí Minh là hơn 26.000 căn. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ, ba địa phương dẫn đầu cả nước về mục tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2024 là Bắc Ninh, Bình Dương và Hải Phòng. Bắc Ninh đăng ký hoàn thành nhiều nhất với 5 dự án, quy mô 6.000 căn. Đứng thứ hai là Bình Dương với 20 dự án, quy mô 4.500 căn. Hải Phòng xếp thứ ba với gần 4.000 căn từ 8 dự án. Nhiều địa phương cũng đặt mục tiêu hoàn thành hơn nghìn căn hộ trong năm nay như Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Cần Thơ, An Giang…

Để hoàn thành các mục tiêu, các doanh nghiệp cũng đang mạnh mẽ vào cuộc. Vừa bước sang năm 2024, chủ đầu tư Vinhomes đã liên tiếp khởi công 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 100ha tại Hải Phòng và tỉnh Khánh Hòa. Dự án tại Hải Phòng có quy mô hơn 28ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ cung cấp 4.004 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 10.000 người. Dự án tại Khánh Hòa có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng, quy mô 87,64ha, với khoảng 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng. Trong khi đó, chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đã khởi công dự án nhà ở xã hội CT05 và CT06 (KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 Mê Linh, Hà Nội). Thời gian tới chủ đầu tư HUD cho biết sẽ tiếp tục triển khai các dự án tại Hà Nội như: Nhà ở xã hội HUD Vân Canh, nhà ở xã hội HUD Sơn Tây và một số dự án khác trên cả nước với mục tiêu hoàn thành 17.500 căn hộ…

Điểm sáng cho thị trường

Đây là đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính về nhà ở xã hội thời gian tới. Ông Đính cho rằng, thị trường căn hộ vẫn chưa thể phục hồi trong ngắn hạn. Lý do là nguồn cung căn hộ sẽ chưa có nhiều cải thiện bởi vướng mắc về pháp lý của các dự án vẫn chưa được giải quyết. “3 dự án luật quan trọng liên quan đến bất động sản là Luật đất đai sửa đổi, Luật nhà ở sửa đổi và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi đã vừa được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng ngay lập tức sẽ có những tác động đến thị trường bất động sản. Bước sang 2025 luật mới có hiệu lực nên những vướng mắc về pháp lý cho các dự án vẫn chưa được giải quyết. Vì thế trong ngắn hạn, thị trường căn hộ vẫn thiếu nguồn cung, và giá cũng sẽ chắc chắn còn tăng. Như thế đa số người dân có thu nhập trung bình có nhu cầu ở thực ở đô thị hiện nay vẫn khó có thể tiếp cận được giá nhà ở thương mại. Chính vì thế nhà ở xã hội sẽ là “cứu cánh” và cũng là lời giải để ổn định thị trường”, ông Đính phân tích.

Ông Đính cho rằng, việc hàng loạt các dự án nhà ở xã hội được triển khai, ra hàng sẽ giúp thị trường giảm bớt sự lệch pha cung cầu và tăng tính thanh khoản. Khi thị trường bất động sản phục hồi thì phân khúc nhà ở đáp ứng khả năng chi trả của người dân sẽ phục hồi đầu tiên. Chính vì vậy, việc tập trung vào bất động sản nhà ở, đặc biệt là những dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, phân khúc chung cư trung cấp và bình dân là khả quan, phù hợp với nhu cầu thị trường, cũng như chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết, sau khi triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng, 27 tỉnh đã công bố danh mục 63 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay theo chương trình này, với nhu cầu vốn 28 nghìn tỷ đồng. “Một số dự án tại các địa phương đã được giải ngân gói tín dụng này. Nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng hạn, chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 428.000 căn hộ. Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, kịp thời đảm bảo nhu cầu tín dụng để giải ngân gói ưu đãi”, ông Hải cho biết. Ông Hoàng Hải cũng nhận định, năm 2024, dự báo nhà ở giá cũng sẽ ở mức vừa phải, nhà ở xã hội sẽ là một trong hai điểm sáng của thị trường bởi nhiều dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và nhiều dự án sẽ khởi công trong năm 2024.

Phan Hoạt
.
.