Gỡ vướng cho 1 triệu căn nhà ở xã hội

Thứ Sáu, 23/02/2024, 08:39

Việc triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Những hạn chế lớn tạo ra lực cản có thể nhắc đến như: việc giải ngân vốn ưu đãi từ gói 120 nghìn tỷ còn chậm; nhiều địa phương chưa quyết liệt; doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi…

Đây là những thực tế được chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” trong năm 2024 tổ chức ngày 22/2.

Phấn đấu xây dựng 130 nghìn căn trong năm 2024

Kết quả thực hiện giai đoạn từ 2021 đến hết năm 2023, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031ha so với năm 2020. Đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.250 căn hộ. Trong đó đã hoàn thành 71 dự án với quy mô 37.868 căn; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô hơn 107.896 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô khoảng 265.486 căn.

hud me linh.jpg -0
Việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội.

Có thể kể đến như: tỉnh Bắc Ninh với 15 dự án (6.000 căn hộ); Bắc Giang với 5 dự án (12.475 căn hộ); Hải Phòng với 7 dự án (11.678 căn hộ)… Tuy nhiên, tại một số địa phương có nhu cầu rất lớn nhưng việc đầu tư lại hạn chế theo mục tiêu của Đề án như: Hà Nội chỉ có 3 dự án với khoảng 1.700 căn hộ (chỉ đáp ứng 9% mục tiêu); TP Hồ Chí Minh có 7 dự án với 4.900 căn (chỉ đáp ứng 19% mục tiêu); Đà Nẵng với 5 dự án khoảng 2.700 căn hộ (đáp ứng 43%)... Bên cạnh đó, còn có những địa phương không có dự án nào khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi... Thậm chí, còn một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội như: Ninh Bình, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về "Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024", Chính phủ đã đặt mục tiêu trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.

“Đây là yêu cầu và mục tiêu rất cao, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ Đề án đã đề ra, đặc biệt là rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt gỡ khó

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân việc triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội hiện còn nhiều khó khăn, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc là do nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án. Trong đó, có một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới. Cùng với đó, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Một nguyên nhân lớn nữa là vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…

“Còn rất nhiều vướng mắc để đạt được yêu cầu theo đề án. Chẳng hạn như nhu cầu vay vốn của chủ đầu tư rất lớn nhưng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hiện nay mới chỉ có 1 chủ đầu tư được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ hiện mới có 6 dự án tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng. Việc giải ngân rất chậm, do đó cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Trong khi đó, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với thực tiễn phát triển xã hội. Một số địa phương hiểu chưa đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa thực sự chú trọng ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội. Hệ thống các cơ chế, chính sách và pháp luật về nhà ở xã hội chậm được đổi mới, chưa thực sự bảo đảm yêu cầu về đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

“Một số hạn chế nữa cần phải kể đến là thiếu những cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội. Thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng, mua bán kinh doanh đối với dự án nhà ở xã hội, tiếp cận các chương trình hỗ trợ mua bán nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế và bất cập. Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương chưa thực sự quan tâm đến yêu cầu phát triển nhà ở xã hội… Đây là những vướng mắc phải được các bộ ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc thời gian tới”, ông Hiển đánh giá.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định đây là chương trình hết sức nhân văn, là nhiệm vụ chính trị cấp bách, trọng tâm. Quan điểm là không chỉ dừng ở mục tiêu thí điểm 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, mà cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổng kết, đánh giá để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phát triển nhà ở xã hội một cách lâu dài.

“Hiện các quy định về phát triển nhà ở xã hội đã cơ bản hoàn thiện. Do đó, quan trọng là công tác tổ chức triển khai cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan nhằm cụ thể hóa những việc cần làm ngay, cũng như sớm xây dựng các quy định về phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng. Các bên liên quan tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng hưởng thụ, nghiên cứu xây dựng Quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, từ đó khuyến khích, thu hút thêm nguồn lực xã hội trong việc phát triển phân khúc nhà ở bình dân, có nhu cầu thực. Bộ Xây dựng phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá để tìm ra các giải pháp phù hợp. Trong đó cần lắng nghe ý kiến thực tế tại các doanh nghiệp, địa phương, từ đó đề xuất Chính phủ phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với các bên liên quan nhằm đạt được mục tiêu của Đề án”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tìm giải pháp giúp hơn 1.000 người mua nhà tại điểm nóng tranh chấp

Hơn 1.000 người đã mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza ở phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương hết sức bức xúc vì sau nhiều năm vẫn chưa được bàn giao nhà. Phát sinh khiếu kiện đông người, một bộ phận người mua nhà thường xuyên tập trung vào những ngày cuối tuần, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư và đơn vị phân phối ven tuyến quốc lộ 13. Tình trạng này khiến dự án trở thành điểm nóng về tranh chấp kéo dài ở khu vực giáp ranh giữa Bình Dương với TP Hồ Chí Minh. Công an địa phương thường xuyên phải bố trí lực lượng trực chốt để giữ gìn trật tự. 

Để tháo gỡ về pháp lý cho dự án nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà và chủ đầu tư, ngày 20/12/2023 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án. Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục công nhận Công ty TNHH XD DV TM ĐT BĐS Tường Phong là chủ đầu tư của dự án và cho phép dự án được kéo dài thời hạn hoàn thành đến tháng 12/2024. Ngày 29/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho Công ty Tường Phong với quy mô 1.174 căn hộ. Ngày 5/1 vừa qua, Sở Xây dựng Bình Dương cũng đã có văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư được phép bán nhà hình thành trong tương lai. Theo đại diện chủ đầu tư, dự án đã thi công trở lại từ tháng 9/2023 và chủ đầu tư đang chuẩn bị mời những người đã mua nhà lên ký lại hợp đồng.

Như Báo CAND đã từng thông tin, số lượng hợp đồng do NaviLand, đơn vị hợp tác phát triển dự án ký còn hiệu lực đến nay là 1.081 căn hộ. Tổng số tiền Công ty CP NaviLand đã thu của người mua nhà, gồm cả VAT là 748 tỷ đồng. Trong số này, NaviLand đã để đơn vị phân phối độc quyền là Viethome giữ số tiền đặt cọc thu hộ chủ đầu tư từ 974 khách hàng là 32,79 tỷ đồng và giữ hơn 130 tỷ đồng đã thu từ người mua nhà. Số tiền này được phía Viethome cho là tiền hoa hồng môi giới bán căn hộ. Tình trạng trên khiến dự án không có tiền tiếp tục đầu tư để hoàn thiện và phát sinh tranh chấp gay gắt kéo dài giữa chủ đầu tư với các công ty liên quan. Từ đó cũng dẫn tới tranh chấp giữa người mua nhà với Công ty NaviLand và chủ đầu tư.

Để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, nhất là khi hầu hết người mua căn hộ tại dự án đã nộp phần lớn giá trị các căn hộ cho NaviLand, trước đó UBND tỉnh Bình Dương, Sở Xây dựng Bình Dương đã có văn bản khẳng định không công nhận NaviLand là chủ đầu tư dự án. Thanh tra tỉnh Bình Dương cũng đã vào cuộc và tháng 8/2023 đã có báo cáo về thực hiện dự án. Trong kết luận của UBND tỉnh Bình Dương về dự án vào ngày 22/8/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã khẳng định Công ty Tường Phong được chấp thuận là chủ đầu tư dự án từ năm 2010 và ngày 2/8/2018, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định cho phép Công ty Tường Phong chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên. Tháng 11/2018, Sở Xây dựng Bình Dương cấp phép xây dựng cho Công ty Tường Phong. UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Công ty Tường Phong tiếp tục thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt và thực hiện các hợp đồng do doanh nghiệp được ủy quyền là Công ty NaviLand đã ký kết với khách hàng. Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động trong thời gian dài đối với Công ty NaviLand về hành vi bán nhà khi chưa đủ điều kiện.

Như vậy đến nay vụ việc tranh chấp giữa các bên tại dự án đã cơ bản được khắc phục, tỉnh Bình Dương đã tiếp tục khẳng định rõ tính pháp lý của dự án và pháp nhân làm chủ đầu tư. Song theo đại diện chủ đầu tư, đến nay dù chủ đầu tư đã thông báo rộng rãi đến khách hàng tại UBND phường Vĩnh Phú, nhưng vẫn còn nhiều người chưa thể liên hệ được. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, người mua nhà cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để ký lại hợp đồng chuyển nhượng căn hộ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương nhằm nhanh đảm bảo việc hoàn thiện dự án trên trong thời hạn quy định. (Bảo Sơn)

Phan Hoạt
.
.