Ngôi làng chỉ con gái út mới là cháu đích tôn, thừa kế tài sản

Chủ Nhật, 12/06/2016, 23:08
Ở bộ tộc Khasi, phụ nữ được tôn trọng tối đa, và thậm chí là thành phần duy nhất được thừa kế tài sản, tham gia đối nội, đối ngoại.

"Phụ nữ trong văn hóa bộ tộc Khasi có địa vị rất quan trọng. Nếu bạn không tôn trọng phụ nữ trong cộng đồng này, bạn sẽ là ung nhọt của xã hội. Con gái cũng luôn được mong đợi hơn là con trai. Bởi vì chỉ có mỗi con gái là được quyền thừa kế, duy trì bộ tộc mà thôi" - nữ nhiếp ảnh gia người Đức Karolin Kluppel nhận định về bộ tộc Khasi, nơi mà phụ nữ luôn được ưu tiên và có địa vị cao, sống ở Mawlynnong, Ấn Độ. Điều đặc biệt hơn, gia đình sinh con một bề, chỉ có con trai sẽ bị coi là không may mắn.

Ngôi làng Mawlynnong ở sát biên giới với Bangladesh, là nơi cư ngụ của bộ lạc Khasi, nơi vô cùng nổi tiếng với du khách thế giới và được mệnh danh "nơi trong sạch nhất châu Á". 

Mặc dù chỉ hoàn thành đường làng cách đây 12 năm, nhưng cho đến hiện tại ngôi làng nhỏ này đang là một trong những điểm đến hàng đầu Ấn Độ cũng như châu Á. Mawlynnong chỉ có khoảng 90 gia đình với gần 500 người dân, tạo thành một cộng đồng khép kín. Mặc dù không lớn nhưng ở đây có đầy đủ nhà thờ, trường học... và con người cũng có cách sống rất riêng.

Người dân coi việc bảo vệ thiên nhiên và giữ gìn sạch sẽ ngôi làng là một truyền thống quý báu để lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nữ nhiếp ảnh gia đến từ châu Âu Karolin Kluppel đã có cơ hội tới đây và khám phá cuộc sống phụ nữ nắm ngôi vương tại bộ lạc đặc biệt này.

Theo truyền thống của bộ tộc Khasi, tất cả quyền lực kinh tế đều do phụ nữ nắm giữ. Người con gái nhỏ tuổi nhất trong gia đình sẽ được quyền thừa kế toàn bộ của cải, tài sản của gia tộc, trong khi nam giới chỉ có thể mỗi đêm ngồi thu lu một góc, quẹt diêm mà mơ ước. 

Con cái trong một gia đình cũng sẽ phải theo họ mẹ, và nếu một cậu con trai đến tuổi thành hôn, anh ta được mời tới nhà cô gái ở rể. 

Phụ nữ tại bộ lạc được coi trọng hơn nam giới

Gia đình nào mà chỉ có mỗi con trai sẽ bị coi là không may mắn, điều này trái ngược hoàn toàn với phần lớn các nước châu Á khác. 

Truyền thống trên khác xa với những suy nghĩ cho rằng, thân phận phụ nữ ở Ấn Độ không được ưu ái, tự do nhiều như ở Việt Nam hay các nước phương Tây khác, luôn phải chịu sự đè nén của tư tưởng phân biệt giới tính nặng nề, đặc biệt thời gian gần đây báo chí luôn đăng tải chuyện phụ nữ quốc gia Nam Á bị hãm hiếp, ngược đãi và bị giết hại dã man.

Ở bộ tộc Khasi, phụ nữ được tôn trọng tối đa, và thậm chí là thành phần duy nhất được thừa kế tài sản, tham gia đối nội, đối ngoại.

Nữ nhiếp ảnh gia Karolin với bộ ảnh mang tên "Kingdom of girls" (Vương quốc của những cô gái) chủ yếu tập trung vào các cô gái trẻ trong ngôi làng. Karolin chia sẻ, cô cảm thấy rất ấn tượng với vẻ ngoài tự tin, khí chất bá vương toát ra từ các cô bé nhỏ tuổi nơi đây.

 Trong thời gian 9 tháng ở lại ngôi làng, cô đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều gia đình khác nhau, và cô chia sẻ đây là trải nghiệm khác nhất mà cô từng có.

"Xã hội phương Tây cho phụ nữ nhiều cơ hội để sống tự lập và khẳng định bản thân hơn. Nhiều gia đình trong bộ tộc Khasi còn rất nghèo, nhất là những gia đình trong làng. 

Kể cả nếu bạn là người Khasi không có nghĩa là bạn sẽ được hưởng nền giáo dục tốt hay đi học đại học. Nếu trong nhà mà có của cải, số tiền ấy sẽ được sử dụng đầu tư cho con gái, không phải con trai.

Tuy nhiên, điều gây ấn tượng nhất mà tôi luôn nhớ khi còn ở Đức, đó là cách mà người Khasi quan tâm đến nhau, chăm sóc đùm bọc người thân và bạn bè. Trong xã hội châu Âu của tôi, sự cô đơn là thứ đang ám ảnh rất nhiều người. Xã hội nào cũng có cái hay của nó cả” - nữ nhiếp ảnh gia người Đức Karolin Kluppel chia sẻ.

Văn Nguyễn-Linh L. (tổng hợp)
.
.