Bi hài thợ mộc bỗng dưng “biết” chữa bệnh

Thứ Ba, 03/10/2017, 08:37
Một người chuyên nghề thợ mộc, chưa hề được đào tạo chuyên môn đông y nhưng lại xuất chiêu KCB bằng bấm huyệt, xoa bóp, thì liệu có đủ tin cậy?

Gần ba năm qua, ông Lê Kim Qui (50 tuổi, ngụ khu phố Phước Mỹ Tây, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, Phú Yên) bỗng dưng… “xuất chiêu” hành nghề chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt, xoa bóp, mặc dù người đàn ông này chưa được đào tạo, chứng nhận có kiến thức về đông y. Ít người biết rằng ông Qui xuất thân từ người chuyên nghề thợ mộc…

Trong vai người thân một phụ nữ bị thoái hóa đốt sống lưng, tôi tìm đến nhà “thầy” Qui. Dù mới sáng sớm nhưng người đến “thầy” này khá đông. Không chỉ xe máy, còn có ôtô đậu bên lề đường phía trước lối vào nơi chữa bệnh cũng là nhà xưởng gia công đồ mộc dân dụng kết nối phía vách hậu căn nhà “thầy Qui”. 

Khi bước vào trong, chúng tôi thấy có hơn chục người già, trẻ, gái, trai đang ngồi trên ghế nhựa chờ đợi đến lượt chữa bệnh. Bên cạnh đó là những đống gỗ xẻ do “thầy” mua về để đóng đồ mộc. Đến lượt người nào thì người đó nằm trên giường xếp sẵn để “thầy” đến bắt mạch, bấm huyệt, xoa bóp.

“Thầy” Qui ăn mặc lôi thôi với áo thun, quần sọt, chân không dép lấm lem bụi đất. Cạnh giường xếp người đến khám nằm chờ là gạt tàn thuốc với những mẩu điếu do “thầy” vứt bỏ rơi vãi. 

Theo yêu cầu của “thầy”, người bệnh lần lượt chuyển đổi tư thế từ nằm ngửa, nằm úp đến co duỗi chân, tay, ngồi thẳng để “thầy” bấm huyệt, xoa bóp thân thể. Bi hài nhất là nữ bệnh nhân nào cũng được “thầy” nhiệt tình bấm huyệt, xoa bóp vùng ngực rất lâu, có trường hợp “thầy” mở móc khóa quần, kéo lệch xuống dưới để… bấm, bóp. 

Từ một thợ mộc, bỗng dưng ông Lê Kim Qui xuất chiêu…chữa bệnh tại xưởng mộc gia đình.

Sau mỗi lượt bấm huyệt, xoa bóp, “thầy” Qui chỉ vào những vết bầm tụ máu trên người bệnh nhân rồi cho rằng đã “trục xuất” một phần mủ và khí huyết độc ra khỏi cơ thể người bệnh (?).

Về phía người bệnh, mỗi lần đến nhà “thầy” Qui bấm huyệt là họ đều gửi tiền vào một thùng nhựa được “thầy” gọi là “thùng công đức”. Đến lượt người thân của tôi, “thầy” Qui đưa tay bắt mạch, phán: “Bệnh nặng lắm, phải bấm huyệt, xoa bóp nhiều lần”. Dứt lời, “thầy” chỉ tay về phía hai người phụ nữ ngồi chờ bấm huyệt, rồi nói: “Mai cô xuất viện, còn chị hôm nay da trắng hồng rồi đó, chồng nhìn thấy sẽ ưa liền”.

Chị Nguyễn Thị Đ. (47 tuổi, trú ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) kể: “Nghe nhiều người đồn đoán ông Qui chữa được bá bệnh, mấy lần tôi đưa mẹ ruột đến đây điều trị tê nhức, đau cột sống nhưng kết cục bệnh trạng thêm nặng. Khi biết ông Qui chưa hề được đào tạo chuyên môn về đông y, mà chỉ là… thợ mộc, phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh mơ hồ, thiếu khoa học… nên tôi đưa mẹ đến phòng khám của một bác sĩ ở TP Tuy Hòa để chụp X-quang, mới biết mẹ tôi bị xẹp đốt sống”. 

Trớ trêu hơn nữa là sau khi một số người tung tin có bệnh nhân ung thư dù “bác sĩ chạy” nhưng sau đó được “thầy” Qui chữa bệnh hiệu quả, tôi đã dò hỏi tên tuổi những người đó thì họ lắc đầu “do chỉ nghe nói”. 

Một người ở gần nhà “thầy” Qui lại cho biết: “Người nào khỏi bệnh sau khi được ông Qui bấm huyệt thì tôi không biết, chứ ở làng này, hầu như không có ai đến đó chữa trị”.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Khắc Hạ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ khẳng định: “Ông Lê Kim Qui không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (KCB), cơ sở KCB này hoạt động tự phát trái phép nên Công an và chính quyền địa phương đã kiểm tra, yêu cầu ông Qui chấm dứt hành vi vi phạm Luật Khám chữa bệnh, nhưng ông Qui vẫn tổ chức hoạt động. Gần đây nhất vào lúc 3h sáng 29-6, Công an thị trấn Phú Thứ tiến hành kiểm tra, phát hiện ông Qui đang KCB cho hơn 10 bệnh nhân là người dân ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa”.

Bản tường trình của ông Lê Kim Quy thừa nhận không có bằng cấp chuyên môn đông y.

Trong bản tường trình tại Công an thị trấn Phú Thứ cùng ngày hôm đó, ông Qui tự khai trình độ văn hóa lớp 9 nhưng chữ viết với rất nhiều lỗi chính tả. 

Ông Qui thừa nhận “không có bằng cấp” chuyên môn y khoa, nhưng lại biện minh rằng: “Dân yêu cầu tôi làm từ 3h sáng đến 12h trưa”. Trong tường trình, “thầy” Qui thừa nhận việc làm sai trái nhưng thực tế khi về nhà, ông vẫn tiếp tục đặt “thùng công đức” để KCB trái phép.

Theo tìm hiểu của PV, sau lần phát hiện kể trên, vào tháng 7-2017, UBND thị trấn Phú Thứ có văn bản báo cáo Phòng y tế huyện Tây Hòa. Thế nhưng, không hiểu sao từ đó đến nay ông Qui vẫn công khai hành nghề. Trong khi đó, trao đổi với PV Báo CAND sáng 2-10, bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên thừa nhận chưa hề biết vụ việc ông Qui hành nghề không phép và mong muốn chúng tôi cung cấp thông tin để chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra.  

Một bác sĩ đông y cho biết, massage, bấm huyệt để chữa bệnh là một phương pháp khoa học. Theo quy định của pháp luật, người hành nghề phải có văn bằng chuyên môn y khoa, chứng chỉ hành nghề KCB. 

Thông thường, ngoài việc chẩn đoán bệnh thông thường, người hành nghề KCB cần phải có sự hỗ trợ kỹ thuật hoặc ít ra cũng biết đọc kết quả có được từ các thiết bị y tế như xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, chụp X.quang, chụp cắt lớp (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI)… để có cơ sở khoa học điều trị. 

Đằng này một người chuyên nghề thợ mộc, chưa hề được đào tạo chuyên môn đông y nhưng lại xuất chiêu KCB bằng bấm huyệt, xoa bóp, thì liệu có đủ tin cậy? Ngành Y tế Phú Yên cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý theo đúng pháp luật.

Hữu Toàn
.
.