Five Eyes có trở thành Nine Eyes?

Thứ Hai, 22/11/2021, 06:49

Hạ nghị sỹ Ruben Gallego (đảng Dân chủ, bang Arizona) - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ phụ trách các hoạt động đặc biệt và tình báo cho rằng Five Eyes đã “lỗi thời” và không nên giới hạn thông tin chỉ trong 5 nước nói tiếng Anh.

Five Eyes hay Nine Eyes?

Câu này xuất hiện sau khi ông Ruben Gallego bổ sung đề xuất vào báo cáo ngân sách quốc phòng năm 2022 của Mỹ, đề nghị kết nạp thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức vào liên minh tình báo Five Eyes (hiện gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada). Ông đề nghị Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ phối hợp với Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo Quốc hội nước này về các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo trong Five Eyes, cũng như khả năng chia sẻ thông tin tình báo với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức trước tháng 5/2022. Báo cáo cũng có thể cần nhắc đến “bản chất thông tin mà các nước này có thể đóng góp” và xác định những rủi ro khi mở rộng thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo.

Trao đổi tại cuộc hội thảo trực tuyến cùng hãng tin an ninh Defense One, ông Ruben Gallego cho biết, Washington cần mở rộng hợp tác vì Mỹ không nên chỉ dựa vào hệ thống tình báo thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai và tập trung vào tiếng Anh. Ông cho rằng Five Eyes đã “lỗi thời” và nêu rõ các quốc gia như Hàn Quốc có “những cơ sở tốt hơn tại Trung Quốc và châu Á mà chúng ta có thể hợp tác, nhưng chúng ta chưa tạo dựng được quan hệ để có thể chia sẻ thông tin giống như với các nước Australia, New Zealand hoặc Canada”. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ khẳng định: “Vì vậy, chúng ta cần mở rộng phạm vi... Chúng ta không nên giới hạn việc chia sẻ thông tin chỉ trong 5 nước nói tiếng Anh”.

Tuy nhiên, một quan chức trong Five Eyes đã đánh giá thấp khả năng mở rộng mạng lưới tình báo này, đồng thời cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của các nước này và luôn mong chờ các biện pháp giúp họ tham gia trên cơ sở chung... Nhưng tôi không mong đợi Five Eyes trở thành Nine Eyes vào lúc này”.

Trong khi đó, tháng 12/2020, báo cáo Armitage-Nye lần thứ 5 của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage và Joseph Nye - nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách Công John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard - đã kêu gọi bổ sung Nhật Bản vào Five Eyes; đồng thời, nhấn mạnh “Mỹ và Nhật Bản nên nghiêm túc nỗ lực hướng tới liên minh Six Eyes”. Tại một sự kiện trực tuyến chuẩn bị cho việc công bố báo cáo, ông Richard Armitage nói: “Những khó khăn khi chuyển sang Six Eyes... ở Nhật Bản là cần đưa ra một quy trình cho phép chia sẻ thông tin trong một phạm vi nhỏ các thành viên nội các”.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nhật Bản cần một cơ chế giống như ở Mỹ, nơi các thành viên Quốc hội nhận thông tin tại các cuộc họp giao ban tình báo dưới sự bảo mật nghiêm ngặt. Trả lời trang mạng Nikkei Asia, một quan chức chính phủ Nhật Bản xác nhận “có nhiều quốc gia đang tiếp cận cộng đồng tình báo của Nhật Bản để tìm hiểu sâu hơn về các nước trong khu vực”. Vị quan chức này cho rằng Nhật Bản đang thiếu một cơ quan chính thức tương đương với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Tokyo không có quy mô.

Tuy nhiên, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể chọn tăng cường thu thập và chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia trong Five Eyes. Trên thực tế, sau khi Thủ tướng Fumio Kishida triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia đầu tiên, dự kiến diễn ra ngày 13/10, ông đã khẳng định sự cần thiết phải xem xét lại chiến lược an ninh sao cho phù hợp với những thách thức hiện nay.

3.jpg -0
Nhiều khả năng liên minh tình báo Five Eyes sẽ trở thành Nine Eyes. Ảnh: defensenews.com.

Thường được phóng đại, thực tế không như đồn đoán

Một bài viết được đăng tải trên Tân Hoa xã đã bình luận như vậy về cộng đồng tình báo Mỹ, đồng thời đưa ra 3 nguyên nhân khiến họ có nhận định như vậy. Thứ nhất, các cơ quan tình báo Mỹ chủ yếu phục vụ mục đích chính trị, được lãnh đạo bởi các quan chức do Thượng viện phê chuẩn và hoạt động đồng bộ với nhu cầu của các nhà hoạch định chính sách tại Washington.

Bài viết có đoạn: “Lịch sử chỉ ra rằng các cơ quan tình báo thường hoạt động như tay sai trong nỗ lực duy trì quyền bá chủ của Mỹ bằng cách làm sai lệch thông tin và thậm chí ngụy tạo bằng chứng chống lại những lực lượng khác với mục đích nâng cao các câu chuyện chính trị mà Washington thao túng”. Nhiều quốc gia đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò đó. Ví dụ, các quan chức cấp cao của Mỹ viện dẫn những gì họ mô tả là “sự thật và kết luận dựa trên thông tin tình báo vững chắc” rằng chế độ Iraq đã chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt trước khi Mỹ tiến hành một cuộc xâm lược chống lại quốc gia Tây Á giàu dầu mỏ này hồi năm 2003, dẫn đến hệ quả là hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.

Nhiều năm sau, một số nhân vật tham gia quyết định phát động Chiến tranh Iraq đã thừa nhận sai lầm, song lại tìm cách đổ lỗi cho thông tin tình báo thiếu sót, trong khi các chuyên gia chỉ ra rằng Nhà Trắng quyết tâm tiến hành cuộc chiến đến mức cộng đồng tình báo đã hứng trọn áp lực chính trị và phải tìm cớ biện minh cho hành động quân sự này.

Thứ hai, không có ranh giới nào mà cộng đồng tình báo Mỹ không dám vượt qua. Trước và trong “cuộc chiến chống khủng bố”, các đặc vụ CIA đã sử dụng cái gọi là “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao”. Các hành động của CIA, được nêu chi tiết trong một báo cáo do Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ viết và công bố năm 2014, đã bị các cơ quan giám sát trong nước chỉ trích là “vết nhơ” trong lịch sử, đồng thời phơi bày các tiêu chuẩn kép đáng xấu hổ của Washington về nhân quyền.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cơ quan gián điệp này đã bí mật tuyển dụng các nhà báo Mỹ để tuyên truyền và thao túng dư luận bằng cách yêu cầu họ viết những câu chuyện dựa trên thông tin giả mạo; và trong những thập kỷ qua, các cá nhân hoặc tổ chức có liên hệ với các nhân viên tình báo Mỹ từng nhiều lần bị cáo buộc giật dây và kích động bất ổn chính trị-xã hội ở một số quốc gia và khu vực.

Thứ ba, các cơ quan tình báo Mỹ không đáng tin cậy. Mỹ được cho là đã tiến hành nhiều vụ nghe lén ở cả trong và ngoài nước với sự trợ giúp của cộng đồng tình báo. Những rạn nứt mới giữa Mỹ và các đồng minh ở bờ bên kia Đại Tây Dương vào cuối tháng Năm năm nay đã xuất hiện khi truyền thông châu Âu tiến hành một cuộc điều tra chung.

Kết quả điều tra về giai đoạn 2012-2014 cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan tình báo quân đội Mỹ, đã phối hợp với Cơ quan mật vụ Đan Mạch để theo dõi nhiều quan chức cấp cao của Đức, Thụy Điển, Norway và Pháp. Nhà Trắng từng cam kết không nghe lén nhà lãnh đạo các nước đồng minh của Washington vào năm 2014 sau khi Edward Snowden làm rò rỉ các tài liệu tuyệt mật của NSA. Tuy nhiên, đối mặt với vụ bê bối nghe lén mới và những lời chỉ trích gay gắt từ các đồng minh, Chính phủ Mỹ đã né tránh các câu hỏi, trong khi cộng đồng tình báo từ chối bình luận.

Điều đáng nói là một số hãng truyền thông Mỹ và các chuyên gia vẫn cố gắng bảo vệ những hành động sai trái của Washington, cho rằng “do thám các đồng minh là bình thường” và “mọi người đều làm như vậy”. Đáng chú ý là, cộng đồng tình báo Mỹ cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin ở trong nước sau cuộc rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan, sự kiện mà nhiều người coi là một thất bại tình báo nghiêm trọng.

Giới tình báo Mỹ hiện được Nhà Trắng giao nhiệm vụ 90 ngày để điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 - một công việc thực sự mất rất nhiều thời gian và nên được giao cho các nhà khoa học có trình độ chuyên môn vững trong một số lĩnh vực, và trên hết là phải được thực hiện mà không có bất kỳ sự can thiệp chính trị nào.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.