Đi tìm chiến lược chống COVID-19 tốt nhất trong ngắn hạn

Thứ Tư, 01/09/2021, 08:37

Biến thể Delta đã và đang làm đảo lộn các giả định về dịch bệnh COVID-19. Theo giới chuyên gia, hiện có 3 chiến lược để ngăn chặn căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng này.

Chiến lược duy nhất

Miễn dịch cộng đồng với COVID-19 thường được ca ngợi như mục tiêu sau cùng và tốt nhất - tức là nếu chúng ta đạt được tỷ lệ tiêm vaccine là 70% thì tất cả mọi người sẽ được cứu và chúng ta có thể hy vọng quay lại cuộc sống bình thường ở một vài mức độ. Tuy nhiên, đó là thông điệp khiến các bác sĩ như ông David Owens, chuyên gia về y tế gia đình và người sáng lập OT&P Healthcare ở Hong Kong (Trung Quốc), không mấy tán thành.

“Bằng việc tập trung vào chủ đề miễn dịch cộng đồng với tỷ lệ 70%, chúng ta có nguy cơ làm tổn hại đến những lợi ích dài hạn của chính mình. Trong nỗ lực tăng cao tỷ lệ tiêm vaccine, vốn là một mục tiêu tốt, chúng ta đang bỏ qua một sự thật rằng đối tượng được tiêm vaccine có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất”, ông David Owens cho hay. Theo chuyên gia này, những người chúng ta nên ưu tiên tiêm vaccine là những người lớn tuổi và những người dễ tổn thương nhất trong cộng đồng.

Ông đã dẫn ra số liệu thống kê của Hong Kong: Hiện tại, chỉ 5% người sống trong các viện dưỡng lão được tiêm vaccine và họ là những người có nguy cơ tử vong cao nhất nếu mắc COVID-19. Một người 75 tuổi có nguy cơ cần chăm sóc tích cực cao gấp 9 lần và có nguy cơ tử vong cao gấp 230 lần so với một người 20 tuổi nếu mắc COVID-19. Đối với những người ở độ tuổi 85, nguy cơ cần chăm sóc tích cực cao gấp 15 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 600 lần.

“Điều quan trọng nhất là cần hiểu đúng về thông điệp này mặc dù có nhiều vấn đề về văn hóa, niềm tin và chính trị. Tuy nhiên, nhìn chung, thông điệp tương đối đơn giản cần được truyền tải là khuyến khích và giáo dục mọi người về yêu cầu tiêm vaccine”, ông David Owens nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia này, mặc dù chiến lược loại bỏ số ca mắc COVID-19 đã thành công vào thời kỳ đầu đại dịch nhưng đã đến lúc nên dịch chuyển khỏi chiến lược “Không COVID”. “Hầu hết các bác sĩ y tế cộng đồng đều coi việc sống chung với COVID-19 là điều không thể tránh khỏi”, chuyên gia này nhận định.

Ông đồng ý rằng, chiến lược “Không COVID” là một chiến lược tốt nhất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, người sáng lập OT&P Healthcare cho rằng trong khi các quốc gia khác học tập Hong Kong trong việc loại bỏ số ca mắc thì khu vực này có thể học hỏi từ các nước khác về chiến lược tiêm chủng vaccine. Singapore đã áp dụng chiến lược “sống chung với COVID-19” dựa trên tỷ lệ tiêm vaccine cao và tập trung vào việc làm giảm số ca mắc ở những người dễ tổn thương nhất.

Ở giai đoạn hiện nay có 3 lựa chọn. Thứ nhất là, vẫn thực hiện chiến lược loại bỏ số ca mắc nhưng theo chuyên gia David Owens: “Phong tỏa mãi không phải là điều khả thi”. Thứ hai là, tăng độ phủ vaccine, song vị chuyên gia dẫn ra rằng với chiến lược này, hiện Trung Quốc đang phải đề xuất mũi tiêm tăng cường với thế hệ vaccine tiếp theo.

“Rủi ro ở đây là nếu gặp phải các biến thể mới, chúng ta sẽ chứng kiến tỷ lệ cao những người dễ tổn thương mắc bệnh”. Lựa chọn thứ ba là áp dụng mô hình của Singapore, đó là sống chung với COVID-19. “Cá nhân tôi cho rằng đây là chiến lược duy nhất”, chuyên gia này cho hay.

Đi tìm chiến lược chống COVID-19 tốt nhất trong ngắn hạn -0
Biến thể Delta vẫn đang không ngừng “hoành hành” trên thế giới.

Mối lo ngại lớn nhất

Theo các cuộc phỏng vấn 10 chuyên gia hàng đầu về COVID-19, vaccine ngừa COVID-19 vẫn phát huy hiệu quả rất mạnh trước căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng này và vẫn bảo vệ được những người phải nhập viện vì nhiễm bất kỳ phiên bản nào của virus corona. Những người có nguy cơ cao nhất vẫn là những người chưa được tiêm phòng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, còn có khả năng lây nhiễm cho cả những người đã tiêm vaccine với tỷ lệ lớn hơn so với các biến thể trước và hiện có những lo ngại rằng những người này thậm chí vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Do đó, một vài trong số các chuyên gia này nhấn mạnh rằng, các biện pháp sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội cùng nhiều biện pháp khác hiện nay trở nên cần thiết ngay cả ở những quốc gia đã thực hiện các chiến dịch tiêm chủng rộng rãi. Israel mới đây đã khôi phục các quy định đeo khẩu trang và yêu cầu khách du lịch phải cách ly ngay khi đến đất nước này.

Các quan chức Mỹ đang cân nhắc xem có nên sửa đổi hướng dẫn đeo khẩu trang cho những người đã tiêm vaccine hay không. Los Angeles, thành phố đông dân nhất tại Mỹ, lại một lần nữa đặt ra quy định đeo khẩu trang đối với cả những người đã tiêm vaccine ở trong các không gian công cộng trong nhà.

Các loại virus thường phát triển thông qua đột biến với các biến thể mới phát sinh. Đôi khi những biến thể mới này còn nguy hiểm hơn cả bản gốc của nó. Mối lo ngại lớn nhất về biến thể Delta không phải là vì nó khiến người nhiễm yếu hơn, mà là nó lây lan dễ dàng hơn từ người sang người, khiến cho số người đã tiêm phòng bị nhiễm bệnh và phải nhập viện ngày càng gia tăng.

Tiến sỹ Monica Gandhi, một bác sỹ về bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học California (San Francisco), cho biết nhiều người đã tiêm phòng cảm thấy “rất thất vọng” vì họ không được bảo vệ 100% trước các căn bệnh lây nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, theo bà, thực tế gần như tất cả những người phải nhập viện vì COVID-19 lúc này đều chưa được tiêm vaccine “là một điều đáng kinh ngạc”.

Trong khi đó, ông Nadav Davidovitch, Giám đốc Trường Y tế công thuộc Đại học Ben Gurion của Israel, nói: “Người ta luôn ảo tưởng rằng có một viên thuốc thần kỳ sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề. SARS-CoV-2 đang dạy cho chúng ta một bài học”. Theo số liệu từ Chính phủ Israel, vaccine của Pfizer Inc (PFE.N)/BioNTech, một trong những loại vaccine hiệu quả nhất để ngừa COVID-19 cho đến nay, dường như chỉ có hiệu quả 41% trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm có triệu chứng tại Israel trong tháng qua khi biến thể Delta lây lan.

Các chuyên gia Israel cho biết thông tin này cần nghiên cứu thêm trước khi có thể đưa ra kết luận. Chuyên gia Nadav Davidovitch nói: “Sự bảo vệ của vaccine đối với mỗi cá nhân là rất mạnh, nhưng khả năng ngăn ngừa sự lây lan cho người khác lại yếu hơn”. Một nghiên cứu tại Trung Quốc đã phát hiện ra rằng những người bị nhiễm biến thể Delta mới mang lượng virus ở mũi cao gấp 1.000 lần so với những người nhiễm phải phiên bản gốc phát hiện tại Vũ Hán năm 2019.

Nhà vi sinh vật học Sharon Peacock, người điều hành các nỗ lực của Anh trong việc phân tích bộ gen của các biến thể của virus Corona, nói: “Bạn thực sự có thể bài tiết nhiều virus hơn khi nhiễm biến thể Delta, vì vậy bạn dễ lây cho người khác hơn. Điều này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu”.

Nhà virus học Shane Crotty của Viện Miễn dịch học La Jolla tại San Diego lưu ý rằng, biến thể Delta có độ lây nhiễm cao hơn 50% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh. Về phần mình, chuyên gia về hệ gene học Eric Topol - Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps tại La Jolla, bang California - lưu ý rằng các ca nhiễm Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và số lượng hạt virus cao hơn rất nhiều.

Ông nói: “Đó là lý do vì sao các vaccine sẽ gặp nhiều thách thức. Những người đã tiêm vaccine vẫn phải đặc biệt cẩn thận. Đây là một vấn đề khó khăn”. Tại Mỹ, biến thể Delta đã bắt đầu lây lan nhanh khi nhiều người Mỹ - dù đã được tiêm hay chưa - không đeo khẩu trang ở các khu vực trong nhà. Sự phát triển các loại vaccine có hiệu quả cao có thể khiến nhiều người tin rằng một khi đã được tiêm phòng thì COVID-19 sẽ không gây ra nhiều nguy hiểm với họ nữa.

Ông Carlos del Rio, một giảng viên y khoa và dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory (Atlanta) nhận định: “Khi các vaccine được phát triển lúc ban đầu, không ai nghĩ là chúng sẽ ngăn ngừa được sự lây nhiễm. Mục tiêu vẫn luôn là ngăn ngừa các ca bệnh nghiêm trọng và tử vong”. Tuy nhiên, các vaccine vẫn hiệu quả khi có những dấu hiệu cho thấy chúng đã ngăn ngừa được sự lây lan của những biến thể đầu tiên của SARS-CoV-2.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.