Chuyến công du nhằm xoa dịu căng thẳng

Thứ Tư, 30/08/2023, 07:11

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang thực hiện chuyến thăm kéo dài 4 ngày (27-30/8) tới Trung Quốc. Bà là một trong số các quan chức cấp cao Mỹ thăm Trung Quốc trong vài tháng qua nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quan hệ Mỹ - Trung đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên và các biện pháp hạn chế về thương mại mà Washington áp dụng đối với Bắc Kinh là một trong những vấn đề mâu thuẫn nhất trong quan hệ song phương.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Gina Raimondo hôm 28/8 (giờ địa phương) đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Văn Đào tại Thủ đô Bắc Kinh. Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thành lập một nhóm công tác để “tìm kiếm giải pháp về các vấn đề thương mại và đầu tư, cũng như thúc đẩy lợi ích thương mại của Mỹ ở Trung Quốc”.

Bà nói: “Đội ngũ của hai nước đã phối hợp chặt chẽ với nhau mùa hè qua để thiết lập các cuộc trao đổi thông tin và các nhóm công tác mới nhằm tăng cường tiếp xúc trong quan hệ song phương. Chúng tôi tin rằng một nền kinh tế Trung Quốc vững mạnh là một điều tốt. Tổng thống Joe Biden đã luôn làm rõ một điều, đó là chúng tôi muốn cạnh tranh lành mạnh với Trung Quốc. Một nền kinh tế Trung Quốc phát triển và tuân thủ luật lệ có lợi cho cả hai nước”.

Chuyến công du nhằm xoa dịu căng thẳng -0
Phái đoàn Bộ Thương mại Mỹ và Trung Quốc thảo luận tại Bắc Kinh ngày 28/8. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Thương mại Mỹ, nhóm công tác sẽ tiến hành họp thường kỳ 2 lần 1 năm, với cuộc họp đầu tiên do Mỹ chủ trì, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Washington và Bắc Kinh sẽ triệu tập một cuộc họp chung với chuyên gia của cả hai nước nhằm thảo luận chuyên sâu về việc tăng cường bảo vệ bí mật thương mại và thông tin kinh doanh bảo mật. Hai bên cũng đặt mục tiêu thực hiện các cuộc gặp thường niên cấp Bộ trưởng Thương mại. Ngoài ra, hai bên cũng đã nhất trí khởi động đối thoại nhằm “trao đổi thông tin thực thi kiểm soát xuất khẩu” - được xem như một nền tảng để “giảm bớt sự hiểu lầm về các chính sách an ninh quốc gia của Mỹ”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Gina Raimondo tuyên bố: “Chúng tôi không nhượng bộ hay thương lượng về các vấn đề liên quan an ninh quốc gia”.

Các phương tiện truyền thông Mỹ bày tỏ kỳ vọng cao vào chuyến đi của bà Gina Raimondo. Theo tờ The New York Times, chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ có thể sẽ là “minh chứng rõ ràng nhất cho hành động cân bằng mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thực hiện trong quan hệ với Trung Quốc”. T

rong khi đó, một số chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng, chuyến thăm được coi là phép thử để xem liệu Washington có thể hiện sự chân thành trong việc khắc phục quan hệ song phương hay không, đồng thời cho rằng, khó có thể chứng kiến những đột phá lớn trong lĩnh vực thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ông Zhou Rong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chongyang về Nghiên cứu Tài chính thuộc Đại học Renmin của Trung Quốc chỉ ra rằng: Mỹ đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn củng cố động lực ổn định và cải thiện trong quan hệ song phương, ít nhất là không để mối quan hệ này đi xuống vào thời điểm hiện tại cho đến khi Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra và tại đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp người đứng đầu Nhà Trắng.

“Mỹ vẫn đang tìm cách duy trì một kênh để đàm phán với Trung Quốc và phát triển hợp tác trong một số lĩnh vực”, ông nhấn mạnh, lưu ý thêm rằng “các lĩnh vực” chủ yếu là những lĩnh vực có lợi nhất cho Mỹ. Vị chuyên gia cũng cảnh báo, chiến lược của Mỹ trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và quân sự không thay đổi.

 Ngay trước thềm chuyến đi của bà Gina Raimondo đã có thông tin cho rằng, mối liên kết thương mại Mỹ-Trung Quốc đang ngày càng tách rời. Cụ thể, theo một nghiên cứu mới được công bố ngày 26/8, tại Hội nghị Jackson Hole do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức, thương mại của Mỹ đang ngày càng tách rời Trung Quốc, do ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế mà hai chính quyền Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã áp dụng. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng liên kết với Trung Quốc chưa hẳn đã giảm đi và người tiêu dùng đang phải đối mặt với chi phí cao hơn.

Chuyên gia Laura Alfaro, nhà Kinh tế học tại Trường Kinh doanh Harvard, và Phó Giáo sư Davin Chor tại Trường Kinh doanh Tuck ở Dartmouth, nhận định, bất chấp những lo ngại về phi toàn cầu hóa sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, thương mại Mỹ-Trung về tổng thể “vẫn ổn định ở mức dưới 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, thay vì chìm vào tình trạng rơi tự do”. Nhưng mức thuế cao mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đi kèm với các chính sách công nghiệp thắt chặt được ban hành gần đây và đại dịch COVID-19, đã tạo ra một sự tái phân bổ lớn trong hoạt động của chuỗi cung ứng. Kết quả là nguồn cung hàng hóa trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ mức 21,6% vào năm 2016, xuống còn 16,5% vào năm 2022.

Hai vị chuyên gia cho rằng, sự chuyển dịch này đang gây tổn hại tới người tiêu dùng, khi giá nhiều loại hàng hóa khác nhau tăng, trong khi không có lợi ích bù đắp nào được quan sát thấy, ví dụ như cải thiện hiệu quả sản xuất tại Mỹ. Thậm chí, tỷ lệ nhập khẩu giảm đại diện cho sự “mất kết nối” thực sự, có khả năng gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc mở rộng liên kết sang các quốc gia khác.

Về cơ bản, khi Trung Quốc liên kết với các nền kinh tế khác, Mỹ vẫn có thể kết nối gián tiếp với nước này thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại với các nước bên thứ ba. Nhưng giá cả tại một số nước bắt đầu tăng. Theo chuyên gia Laura Alfaro và Phó Giáo sư Davin Chor, đã có những lo ngại về việc chuỗi cung ứng trải rộng có thể khiến các công ty và nước Mỹ đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn cung ứng, khi gặp các vấn đề như đại dịch hoặc thời tiết khắc nghiệt và cả những “cú sốc” chính trị, như thuế quan.

Nghiên cứu kết luận việc Washington liên tiếp đưa ra các chính sách thắt chặt thương mại với Trung Quốc, nhằm tìm kiếm nguồn cung ứng mới và khuyến khích thay đổi đầu vào trong nước, nhiều khả năng làm tăng thêm áp lực về lương và chi phí cho chính quốc gia này.

Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ nối tiếp loạt chuyến thăm Trung Quốc của các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ diễn ra trong vài tháng trở lại đây, nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Nhân dịp này, bà Gina Raimondo cũng sẽ đến thăm thành phố Thượng Hải.

Những chuyến thăm này có thể mở đường cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây nói rằng, ông hy vọng sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay. Vào tháng 11 tới, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ mời nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thành phố San Francisco tham dự Hội nghị cấp cao APEC. Hai nhà lãnh đạo có thể có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 9 tới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.