Chuyến công du “đầy thách thức”

Thứ Ba, 08/02/2022, 09:51

Một trong những tâm điểm của giới chính trị quốc tế ngày 7/2 chính là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây vẫn rất căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine, chuyến công du Moscow của ông Macron được kỳ vọng giúp hạ nhiệt tình hình, ít nhất là cho đến "siêu tháng tư" – thời điểm diễn ra hàng loạt đợt bầu cử quan trọng tại các nước châu Âu.

Ngày 7/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên máy bay tới Moscow, bắt đầu chuyến thăm Nga hai ngày để đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin về những vấn đề nóng hai bên cùng quan tâm. Theo thông cáo của Văn phòng Tổng thống Pháp, hai chủ đề chính mà Tổng thống Pháp Macron dự kiến đề cập trong chuyến đi này là thúc đẩy thực thi thoả thuận Minsk và vấn đề an ninh của châu Âu liên quan tới tình hình biên giới giữa Nga và Ukraine.

Chuyến công du “đầy thách thức” -0
Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga V.Putin tại Điện Kremlin. Nguồn: Reuters.

Cụ thể, nội dung thứ nhất là thúc đẩy các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy gồm 4 bên: Đức, Pháp, Nga và Ukraine trên cơ sở thoả thuận Minsk với vai trò trung gian của Đức và Pháp. Phía Pháp đánh giá cuộc gặp đầu tiên theo định dạng Normandy được nối lại cách đây gần 2 tuần, sau hơn 2 năm gián đoạn đã đạt kết quả tích cực với việc lệnh ngừng bắn được các bên tôn trọng.

Nguồn tin từ một quan chức cấp cao Điện Elysee cho hay, ưu tiên của Pháp tới đây là tìm kiếm một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine trong cuộc gặp Normandy ngày 10/2 tại Berlin, Đức. Đây sẽ là thách thức lớn bởi quan điểm giữa các bên vẫn còn khác xa nhau khi các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine được Nga hậu thuẫn đòi hỏi quy chế nhà nước cộng hoà tự trị, trong khi chính quyền Ukraine đến nay vẫn bác bỏ mọi cuộc thảo luận về vấn đề này.

Nội dung thứ hai mà ông Macron đưa ra chính là trật tự an ninh mới của châu Âu, nói cách khác là thảo luận về các điều kiện cân bằng chiến lược ở châu Âu với Nga, để giúp châu Âu giảm thiểu rủi ro trên thực địa và đảm bảo về an ninh. Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, ông Macron đã liên tục trao đổi về vấn đề này với lãnh đạo các nước châu Âu và Mỹ trước khi quyết định đến Nga.

“Từ việc hiểu những lo ngại của Nga về khả năng mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Âu, chúng tôi đặt ra mục tiêu là không để xung đột vũ trang diễn ra ở cửa ngõ của châu Âu. Tổng thống Pháp ngày nào cũng có các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo đồng nhiệm. Chỉ trong 1 tuần qua, Tổng thống Macron đã điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin 3 lần, với Tổng thống Ukraine, với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu. Chúng tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực nào để có thể giảm căng thẳng tình hình", ông Gabriel Attal nêu rõ. Trước chuyến thăm, ông Emmanuel Macron cũng nói với tờ Le Journal du Dimanche rằng không thể bình thường hóa tình hình quốc tế nếu không đối thoại với Điện Kremlin.

Nhận định về chuyến thăm này, giới phân tích chính trị thế giới cho biết, ông Macron đã mang một sứ mệnh hoà bình cao cả tới Moscow. Tờ Politico dẫn lời cựu Đại sứ Pháp tại Liên minh châu Âu (EU) Pierre Sellal cho biết, Tổng thống Macron là một nhà ngoại giao rất linh hoạt. Trong khi các nước thuộc NATO tự tin rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ lùi bước trước sự phô trương lực lượng và việc các nước này tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, thì ông Macron lại tìm kiếm đối thoại.

"Tổng thống Macron cho rằng, tiếp xúc cá nhân trực tiếp có thể giúp người ta hiểu nhau hơn, đào sâu hơn đến bản chất vấn đề. Theo đó, cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp – Nga sẽ giúp hai bên hiểu rõ quan điểm của nhau, từ đó tìm ra được giải pháp để ngăn chặn một cuộc xung đột nóng tại đây”, cựu Đại sứ Pierre Sellal nhận định. Tuy nhiên, sứ mệnh này của ông Macron cũng được cho là một động thái ngoại giao đầy rủi ro và thách thức. Hai nguồn tin thân cận với Tổng thống Macron tiết lộ, một trong những mục đích quan trọng của chuyến thăm là kéo dài thời gian và "đóng băng" tình hình trong vài tháng, ít nhất là cho đến "siêu tháng tư", thời điểm hàng loạt đợt bầu cử diễn ra tại các quốc gia châu Âu như Hungary, Slovenia và Pháp. Nếu đạt được thành quả, ông Macron sẽ được coi là thể hiện tốt vai trò lãnh đạo ở châu Âu, rằng có thể vượt lên mọi xung đột. Ngược lại, ông Macron sẽ bị đánh giá là “chơi trội” và có thể mất điểm rất nhiều điểm trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới nếu tiếp tục tranh cử.

Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn tờ Repubblica của Italia, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov cùng ngày cho biết ông không nhận thấy bất cứ mối đe dọa nào vào lúc này từ Nga. Bộ trưởng Alexei Reznikov nói: "Hành động xâm lược có thể xảy ra sớm hoặc muộn hơn, nhưng vào lúc này không có mối đe dọa nào. Chúng tôi sẽ không khơi mào cho cuộc chiến, nhưng để đề phòng tấn công, chúng tôi biết cách để chuẩn bị trước".

Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nước này không có kế hoạch tấn công Crimea, Lugansk hay Donetsk, nhấn mạnh sẽ không tiến hành bất cứ vụ tấn công nào khi người Ukraine còn sinh sống tại Crimea, Lugansk hay Donetsk và Ukraine kiểm soát hoàn toàn tình hình tại khu vực biên giới với Nga.

Linh Đan
.
.