Chiến sự Nga-Ukraine sang tháng thứ tư: Giao tranh leo thang, đàm phán đình trệ

Thứ Ba, 24/05/2022, 08:20

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bước sang tháng thứ tư (tính từ ngày bùng phát 24/2) với các đợt giao tranh lan rộng trên khắp miền Đông Ukraine, còn các cuộc đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc do cả hai bên không sẵn sàng nhượng bộ.

Trong thông báo đánh dấu mốc tròn 3 tháng từ thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga hôm 23/5 xác nhận quân đội nước này đã tiếp tục các đợt tấn công nhắm vào khoảng 700 mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, bao gồm các kho vũ khí, trận địa pháo, cùng khu vực tập kết binh sĩ và khí tài, Interfax đưa tin.

Nga khẳng định hơn 230 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng, 3 máy bay chiến đấu Su-25 bị bắn rơi. Các mục tiêu mới bị tập kích thuộc các tỉnh Donetsk và Lugansk ở Donbass, tỉnh Kharkov ở phía Đông, tỉnh Kherson ở phía Nam và tỉnh Zhytomyr ở phía Tây, nơi có hạ tầng giao thông đường sắt tham gia vào quá trình vận chuyển vũ khí của Kiev sang chiến trường miền Đông.

Ukraine cùng ngày xác nhận đợt không kích nhắm vào hạ tầng đường sắt gần thành phố Malyn, tỉnh Zhytomyr, đã khiến 5 người thương vong, khoảng 150 ngôi nhà gần hiện trường bị hư hại, theo KyivIndependent. Truyền thông Ukraine loan báo, giao tranh đang diễn ra ngày càng ác liệt trên toàn tuyến miền Đông. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình ở vùng Donbass "cực kì khó khăn", nhất là tại các thành phố Slovyansk và Severodonetsk.

"Các lực lượng vũ trang Ukraine đang ngăn chặn cuộc tấn công của Nga. Các đơn vị phòng thủ của Ukaine đang đối phó với kế hoạch tấn của Nga mỗi ngày", ông Zelensky nói.

8-1.jpg -0
Binh sĩ Ukraine di chuyển trên một thiết giáp gần Kiev. Ảnh: AP.

Chiến sự nóng lên trông thấy, nhưng các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tiếp tục nguội lạnh. Interfax ngày 22/5 dẫn lời ông Vladimir Medinsky, trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Putin và cũng là người đứng đầu phái đoàn đàm phán với Ukraine của Nga, khẳng định, Moscow đã gửi dự thảo thỏa thuận hòa bình cho Kiev cách đây cả tháng, song chưa nhận được phản hồi nào. "Đối tác của chúng tôi đã tạm nghỉ (đối thoại)", ông Medinsky nói. "Quả bóng đang ở phía họ. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại. Việc đóng băng đàm phán hoàn toàn là ý tưởng của Ukraine".

Theo quan chức Nga, Moscow thậm chí sẵn sàng tiến hành đối thoại ở cấp Tổng thống với Kiev, song một cuộc gặp như vậy cần điều kiện tiên quyết. "Vấn đề là cần chuẩn bị nghiêm túc", ông Medinsky nói. "Các nguyên thủ quốc gia gặp nhau để đạt được thỏa thuận cuối cùng và ký kết các văn bản, chứ không phải để chụp ảnh chung".

Từ phía Ukraine, các quan chức cấp cao nước này cương quyết không thỏa hiệp với Nga về lãnh thổ và chỉ trích Moscow khiến đàm phán trì trệ khi muốn áp đặt các cuộc đối thoại. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Andriy Yermak, ngày 22/5 khẳng định: "Xung đột phải kết thúc bằng việc Ukraine khôi phục toàn vẹn lãnh thổ".

Ông Mykhailo Podolyak, trưởng phái đoàn đàm phán với Nga của Ukraine thì bác bỏ khả năng sớm đạt được một lệnh ngừng bắn với lí do ngừng bắn lúc này đồng nghĩa rằng lực lượng Nga sẽ ở lại các vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát. "Nga phải rời đi và sau đó tiến trình hòa bình mới có thể diễn ra", ông Podolyak nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Bước sang tháng chiến sự thứ tư, Ukraine đã mất kiểm soát phần lớn tỉnh Donetsk và Lugansk ở Donbass, tỉnh Kherson cùng một số khu vực ở vùng duyên hải phía Nam. Thành phố chiến lược Mariupol bên bờ biển Azov cũng đã bị Nga kiểm soát toàn diện sau khi lực lượng Ukraine rời nhà máy thép Azovstal để đầu hàng. Về hạ tầng quốc phòng, với tần suất tập kích liên tục của Nga, ngành công nghiệp quân sự Ukraine hứng chịu những thiệt hại không thể bù đắp. Tuy nhiên, phương Tây những tuần qua cấp tập gửi vũ khí sang Ukraine, giúp Kiev "cầm chân" lực lượng Nga ở một số khu vực, từ đó duy trì thái độ cương quyết hơn trên bàn đàm phán.

Trong diễn biến liên quan trực tiếp, khi được hỏi về thông tin lực lượng Nga đã phá hủy nhiều lô vũ khí mà Mỹ cùng đồng minh chuyển sang Ukraine, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngay 23/5 khẳng định, Mỹ sở hữu một "chuỗi cung ứng vũ khí đa dạng và linh hoạt sang Ukraine".

"Ngay cả khi trong trường hợp người Nga có thể nhắm mục tiêu và đánh trúng một số lô hàng trên mặt đất ở Ukraine, thì về cơ bản, ở góc độ chiến lược, điều đó không làm gián đoạn nỗ lực hỗ trợ quân sự mà chúng tôi đang cung cấp", ông Sullivan tuyên bố.

Tuy nhiên, từ Brussels, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 22/5 lại thừa nhận, khối liên minh này đã cạn kiệt trang bị quân sự giúp Ukraine. "Tình trạng cạn kiệt vũ khí mà chúng ta hỗ trợ cho Ukraine là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự thiếu hụt về năng lực quân sự của chúng ta", ông Borrell phát biểu, đồng thời kêu gọi EU tăng chi tiêu quốc phòng một cách đồng bộ để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ an ninh, động thái được cho là chắc chắn sẽ kéo theo sự phản đối của Nga.

Nga-Ukraine và những con số khác biệt

Sau 3 tháng giao tranh, Nga và Ukraine đưa ra những con số khác nhau về thiệt hại của mình và đối phương. Theo UkrainskaPravda, Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 22/5 nói nước này mất "khoảng 50 đến 100 binh sĩ" mỗi ngày trong các cuộc giao tranh với Nga. Cách đây hơn một tháng, hôm 16/4, Tổng thống Zelensky từng tiết lộ, khoảng 2.500 đến 3.000 lính Ukraine đã thiệt mạng và 10.000 người khác bị thương.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga giữa tháng 4 tuyên bố "thiệt hại không thể cứu vãn của Ukraine là 23.367 người", gồm thành viên quân đội Ukraine, lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine và cả lính đánh thuê nước ngoài.

Về thiệt hại của Nga, Ukraine quả quyết Moscow đã mất hơn 29.000 binh sĩ, 204 máy bay chiến đấu, 170 trực thăng, gần 5.000 xe tăng, thiết giáp và pháo các loại. Ukraine không cung cấp dữ liệu cho thống kê trên. Số liệu công khai gần nhất đến nay của Nga xác nhận họ chỉ mất 1.351 binh sĩ và 3.825 người khác bị thương.

Tuy vậy, có một số liệu mà Nga-Ukraine không tranh cãi gay gắt, đó con số dân thường Ukraine phải rời bỏ nhà cửa. Thống kê của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, khoảng 14 triệu người Ukraine buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn từ ngày 24/2, trong đó 6 triệu người đã ra nước ngoài.

Thái Hà
.
.