Các bên nỗ lực giảm leo thang căng thẳng Nga-Ukraine

Thứ Sáu, 24/12/2021, 10:14

Các nhà đàm phán từ Ukraine, Nga cùng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) mới đây đã nhất trí khôi phục hoàn toàn lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng của Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này.

Đại sứ Mikko Kinnunen, đại diện đặc biệt của Chủ nhiệm Văn phòng OSCE tại Ukraine, đã đưa ra thông báo này ngày 22/12, đồng thời cho biết các bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ lệnh ngừng bắn mà Nhóm Tiếp xúc ba bên về vấn đề Ukraine (gồm đại diện của Ukraine, Nga và OSCE) đã nhất trí vào ngày 22/7/2020. Trong những tháng gần đây, các bên xung đột ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn nói trên, vốn được cho là giúp giảm đáng kể con số thương vong trong năm ngoái. Theo báo cáo của phái bộ giám sát đặc biệt ở khu vực này của Ukraine, số lần vi phạm lệnh ngừng bắn trung bình mỗi ngày trong tháng 12 này cao hơn gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo Reuters.

Các bên nỗ lực giảm leo thang căng thẳng Nga-Ukraine -0
Binh sĩ Nga tại một chiến hào ở gần biên giới với Ukraine. Ảnh Getty Images

Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi phía NATO bày tỏ sẵn sàng tiếp tục tổ chức “đối thoại có ý nghĩa” với Nga trong bối cảnh Moscow triển khai quân đến gần biên giới với Ukraine. Theo một nguồn tin của CNN, Nga hy vọng tổ chức các cuộc đàm phán song phương với NATO và Mỹ vào tháng 1/2022 để thảo luận về các cam kết đảm bảo an ninh mà Moscow đạt được với phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Washington. Cụ thể hơn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Russia Today rằng Moscow muốn tổ chức đàm phán vào tháng 1 tới đây để “thảo luận thỏa thuận dự thảo giữa Nga và các nước NATO về các cam kết đảm bảo an ninh”.

Tình hình biên giới Nga-Ukraine trong thời gian qua tiếp tục nóng với động thái triển khai quân của Nga mà nhiều nước phương Tây coi là một “động thái đáng quan ngại” hay theo như tình báo Mỹ đánh giá là “bước chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện vào đầu năm 2022” nhằm vào Ukraine. Cả Mỹ và các đồng minh đã đưa ra cảnh báo với Nga về những hậu quả khôn lường nếu tiếp tục các hành động thù địch với Ukraine. Nga liên tục bác bỏ những cáo buộc của phương Tây và cho rằng nước này bị lên án chỉ vì “điều động quân trên chính lãnh thổ của mình”.

Mới đây nhất, ngày 23/12, Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu Vladimir Chizhov trả lời phỏng vấn tờ Die Welt của Đức cho biết Nga “không lên phương án tấn công quân sự nhằm vào Ukraine”. Ông Chizhov nhấn mạnh Nga “mong muốn hỗ trợ người dân nói tiếng Nga và những người yêu nước sống tại các quốc gia khác nhưng không bao giờ muốn sử dụng các biện pháp vũ lực để thực hiện điều đó”. “Nga không lên kế hoạch tấn công bất kỳ nước nào. Tôi có thể khẳng định với mọi người rằng không binh đoàn nào của Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine”, ông Chizhov cho biết trong cuộc phỏng vấn.

Hôm 21/12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẵn sàng tham gia “đối thoại thực chất” với Nga, đồng thời tái khẳng định rằng khối vẫn tiếp tục “hỗ trợ Ukraine về mặt chính trị và kinh tế”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu đồng thời là quan chức cấp cao của chính quyền Biden tại châu Âu, Karen Donfried, cho biết Washington và châu Âu đã sẵn sàng hành động ngay lập tức nếu Nga tăng cường gây hấn với Ukraine trong những ngày tới. Dù không nói rõ những động thái mà Mỹ đang chuẩn bị, nhưng bà Donfried cho biết nước này “đã bàn bạc về tất cả các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng”. Ngoài ra, quan chức này cũng xác nhận tháng 1/2022 là thời điểm tiến hành cuộc đàm phán giữa các bên.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit ngày 22/12 tuyên bố Berlin sẵn sàng tham gia mọi cuộc đàm phán nhằm giúp giảm leo thang căng thẳng ở Ukraine. Trả lời câu hỏi liệu Thủ tướng Đức Olaf Scholz có sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán theo đề xuất của Nga với các nước thuộc NATO trong tháng 1/2022 hay không, ông Hebestreit nhấn mạnh Đức mong muốn góp phần làm giảm leo thang và sẵn sàng tham gia mọi cuộc đàm phán. Ông cũng cho biết theo những thông tin mà phía Đức có được tới nay, các cuộc đàm phán sẽ không diễn ra ở cấp nguyên thủ hay người đứng đầu chính phủ mà sẽ ở cấp thấp hơn. Ông Hebestreit nhắc lại lời Thủ tướng Scholz nhấn mạnh Berlin sẵn sàng tham gia mọi cuộc gặp, trong đó có cả các cuộc gặp theo định dạng Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine). Cùng ngày 22/12, Thủ tướng Scholz cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh Boris Johnson để thảo luận về những căng thẳng liên quan vấn đề Ukraine. Lãnh đạo hai nước nhất trí về tầm quan trọng của việc phối hợp với Nga để giảm leo thang trong vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, một động thái mới từ Nga khiến giới quan sát quan ngại có thể gây ảnh hưởng đến quá trình giảm leo thang căng thẳng liên quan đến khu vực biên giới Nga-Ukraine. Theo đó, hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/12 cho biết khoảng 1.200 binh sĩ cùng hơn 250 phương tiện và máy bay sẽ tham gia cuộc tập trận ở các thao trường thuộc bán đảo Crimea (khu vực Nga sáp nhập năm 2014) và tỉnh Krasnodar gần đó. Đáng chú ý, cuộc tập trận diễn ra trong tuần này sẽ mô phỏng quá trình chiếm đóng một khu vực như một phần của chiến dịch tấn công.

Tiến Dũng
.
.