Không để xuất hiện tâm lý chủ quan khi dịch bệnh được kiểm soát

Thứ Ba, 21/09/2021, 07:22

Ngay khi được chính quyền cho phép hoạt động trở lại với 50% công suất, nhiều dịch vụ ăn uống tại Lâm Đồng vào giờ cao điểm luôn đông nghẹt khách hàng, làm dấy lên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng nếu người dân không tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Hơn 6h sáng hằng ngày, nhiều quán cà phê "cóc" trên đường Phan Đình Phùng, Ba Tháng Hai, Hai Bà Trưng, khu Hòa Bình... TP Đà Lạt đã đông nghẹt người lui tới. Hầu hết những người có mặt ở đây đều không ai thực hiện nguyên tắc "5K", theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Không ít câu chuyện của những người ăn sáng, uống cà phê tại các địa điểm tập trung đông người nói về tình hình dịch bệnh căng thẳng với nhiều chuyện bi thương, đau lòng xảy ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thế nhưng, hầu hết những người này đều có điểm chung, họ dường như xem dịch bệnh đang ở rất xa nên xuất hiện tâm lý chủ quan, coi nhẹ công tác phòng, chống dịch bệnh.

1.jpg -0
Một điểm bán cà phê ở khu Hòa Bình, TP Đà Lạt đông nghẹt người sau khi được kinh doanh trở lại.

Tại một quán cà phê "cóc" đường Phan Đình Phùng, trên diện tích khoảng 40m2 nhưng có tới gần 30 người ngồi kín các bàn. Ở một quán cà phê khác gần đó, hàng chục người khác lại vây quanh những bàn cờ tướng. Mọi người xúm lại thách đố lẫn nhau các nước cờ, cười nói rất vô tư mà không ai nghĩ tới việc tụ tập đông người, không tuân thủ quy tắc "5K" sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

Phóng viên Báo CAND bắt chuyện với một người khoảng 50 tuổi vừa tới uống cà phê, là người duy nhất trong quán có đeo khẩu trang. Người này cho biết, ông làm nghề tự do, hằng ngày thường tranh thủ dậy sớm ra uống một ly cà phê cho đỡ thèm rồi mới về đi làm. Theo người đàn ông trên, từ khi hàng quán tại Lâm Đồng được mở cửa trở lại, sáng nào quán cà phê này cũng trong tình trạng đông nghẹt vì chủ quán bán với giá rẻ cho người có thu nhập thấp, thậm chí chỗ quen biết có thể uống nợ. Điều đáng nói, hầu hết những người tới đây uống cà phê khi bước vào quán đều gỡ bỏ khẩu trang, không ai quét mã QR để khai báo y tế và càng không mấy ai bận tâm tới chuyện giữ khoảng cách giữa mình với những người xung quanh.

"Số ca nhiễm COVID-19 trong nhiều tuần qua tại Lâm Đồng chủ yếu là tài xế, phụ xe và những người tiếp xúc gần với đội ngũ này. Dịch bệnh trong cộng đồng đã được khống chế tốt nên làm nảy sinh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống dịch của nhiều người!...", người đàn ông này cho biết.

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 này, tỉnh Lâm Đồng đã khá thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tính tới 7h ngày 21/9, toàn tỉnh có 274 trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng đã điều trị khỏi và xuất viện 235 ca. Lâm Đồng hiện còn 39 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do COVID-19.

Theo quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ chiều 8/9, các dịch vụ ăn uống, thể thao, chợ, siêu thị... được hoạt động trở lại nhưng không quá 50% công xuất so với ngày thường, đồng thời mọi người phải tuân thủ nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế. Tuy nhiên, thực tế từ khi được hoạt động trở lại tới nay, bên cạnh những hàng quán nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 thì vẫn còn nhiều hàng quán ở Đà Lạt đã hoạt động hết công suất mà cả chủ và khách không mấy ai để ý đến các biện pháp an toàn.

"Mặc dù hiện nay Lâm Đồng đã khống chế được dịch bệnh COVID-19 nhưng điều đó không có nghĩa là an toàn tuyệt đối. Nguy cơ xuất hiện, lây nhiễm và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn rất cao nhưng tôi thấy rất nhiều người chủ quan lắm!..", ông Nguyễn Văn Thanh, một cán bộ hưu trí ngụ đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt cho biết.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt, cùng với việc tăng cường các xe tuyên truyền lưu động, lãnh đạo UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo các phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, trong đó lấy việc chủ động phòng ngừa làm công tác trọng tâm. Từ đầu tháng 6 tới nay, UBND các phường, xã đã lập biên bản vi phạm hành chính gần 900 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền xử phạt gần 2 tỷ đồng. Các lỗi chủ yếu là không đeo khẩu trang, tụ tập tại nơi công cộng, chủ cơ sở lưu trú, du khách vi phạm quy định phòng, chống dịch...

Khắc Lịch
.
.