Khi người dân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở

Thứ Sáu, 14/04/2023, 07:54

Để có được một mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút được người dân tích cực tham gia, doanh nghiệp tự nguyện đóng góp…   đó là điều không dễ dàng. Sự tò mò ấy đã thôi thúc tôi tìm về Thanh Tùng, địa bàn đầu tiên của huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương triển khai mô hình "Tổ tự quản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ". Được tận mục sở thị, tôi phần nào giải đáp được câu hỏi trên.

1. "Đây là các trang, thiết bị do thành viên của "Tổ tự quản phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH)" xã Thanh Tùng tự đóng góp để xây dựng… UBND xã đã giành vị trí đất trong khu khuôn viên của trụ sở xã làm kho chứa các công cụ…", Thượng tá Vũ Khắc Hội, Trưởng Công an huyện Thanh Miện chia sẻ, trong lúc đưa chúng tôi tham quan địa bàn xã.

Từ khi thành lập "Tổ tự quản về PCCC và CNCH"; Đội PCCC dân phòng đến nay, các thành viên đã được tập huấn nghiệp vụ về công tác PCCC và CNCH; được trang bị những kiến thức cần thiết, những kỹ năng nghiệp vụ PCCC và CNCH một cách thành thạo như lực lượng chuyên nghiệp. Ngoài ra, các thành viên thường xuyên phân công nhau bảo trì bảo dưỡng hệ thống, trang thiết bị, máy móc thường xuyên đảm bảo các trang thiết bị về PCCC luôn sẵn sàng hoạt động tốt. Bên cạnh đó, các trang thiết bị chữa cháy tại chỗ cũng được địa phương quan tâm đầu tư, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác PCCC và CNCH ngay tại địa bàn. Đây chính là lực lượng hạt nhân ở cơ sở, là cánh tay nối dài của lực lượng PCCC chuyên nghiệp, có thể trực tiếp tham gia chữa cháy và CNCH ngay tại địa bàn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Nói về ý tưởng ra đời của mô hình trên, Thượng tá Vũ Khắc Hội cho biết: Thanh Tùng nằm ở phía bắc của huyện Thanh Miện. Trong năm 2020, trên địa bàn xã xảy ra 3 vụ cháy. Các vụ việc này tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại về vật chất trị giá nhiều tỷ đồng như vụ cháy nhà anh Vũ Đức Hợi, ở thôn La Xá đã thiêu rụi chiếc xe ô tô cùng hàng hoá trong kho lên đến 1,5 tỷ đồng. Tiếp đó, là vụ cháy xảy ra tại nhà anh Nguyễn Đinh Quốc làm toàn bộ kho hàng trị giá lên tới 2 tỷ đồng trong một chốc đã tan biến. Khi nghiên cứu về các vụ việc, Công an huyện Thanh Miện và Công an xã Thanh Tùng nhận thấy, các vụ cháy phần lớn tập trung ở các hộ gia đình nhà ở, kết hợp với sản xuất kinh doanh. Một phần nguyên nhân là do việc tiêu thụ điện năng tăng lên, trong khi công xuất thiết kế ban đầu không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện thực tế, dẫn đến bị quá tải, gây cháy nổ. Nguyên nhân khác là do việc bố trí, sắp xếp hàng hoá của một số hộ gia đình vừa kinh doanh, vừa làm nhà ở chưa dảm bảo các quy định về PCCC, như ban không đảm bảo khoảng cách, lối thoát nạn.

Khi người dân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở -0
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập huấn kỹ năng sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện chữa cháy tại chỗ cho các hộ sản xuất tại làng nghề Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Làm thế nào chữa cháy ngay từ đầu, làm giảm đến mức thấp nhất về tài sản cho người dân… Đó là những điều lãnh đạo Công an huyện Thanh Miện và Công an xã Thanh Tùng trăn trở. Từ tình hình đó, dưới sự hướng dẫn của Công an huyện Thanh Miện, Công an xã Thanh Tùng đã tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai thực hiện mô hình "Tổ tự quản về PCCC và CNCH"; "Đội PCCC dân phòng". Ngày 28/10/2020, "Tổ tự quản về PCCC và CNCH" được thành lập gồm có 58 thành viên ở tại các thôn trong xã. Mô hình hoạt động dưới sự quản lý, điều hành của UBND xã, thực hiện theo nhiệm vụ, quy chế và các quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh về vấn đề trên, Trưởng Công an xã Thanh Tùng cho biết: Trước đó, trên địa bàn xã đã có 4 hộ kinh doanh tự trang bị máy bơm chữa cháy phục vụ cơ sở sản xuất kinh doanh của gia đình; sẵn sàng mang phương tiện chữa cháy của gia đình để phục vụ bà con nhân dân trong thôn trong xã nếu trường hợp có hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn cùng phối hợp với lực lượng chữa cháy là đội PCCC dân phòng nêu trên. Cùng với đó, qua công tác ra soát cho thấy trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn hoạt động khá đông, nhưng sự hiểu biết về PCCC còn hạn chế; thiết bị phòng cháy chưa được trang bị và hướng dẫn tập duyệt… Từ đó, Công an xã Thanh Tùng đã tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng và đưa mô hình đi vào hoạt động.

Từ đó, nhận thức được thành lập mô hình Tổ tự quản là hết sức quan trọng, đảm bảo tình cấp thiết trong PCCC và CNCH. Cùng với đó là quan điểm thuận tiện, gần dân, hiểu địa bàn là giờ vàng trong phòng cháy do vậy các thành viên trong tổ đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng về tinh thần và vật chất; với phương châm lấy tập thể là trọng tâm, cá nhân phụ trách đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả khi có sự việc xảy ra trên địa bàn. Sẵn sàng tham gia PCCC các xã lân cận khi nhận được thông tin ứng cứu. Từ khi thành lập, tổ tự quản luôn vận hành trơn chu, hoạt động theo quy chế Đội Cảnh sát PCCC và CNCH được Công an huyện Thanh Miện. Qua quá trình hoạt động, đến nay, "Tổ tự quản PCCC và CNCH" xã Thanh Tùng đã tự đóng góp kinh phí xây dựng kho để trang thiết bị phòng cháy tại khuôn viên UBND xã. Đồng thời, mua sắm trang thiết bị gồm 2 xe kéo (dùng chở thiết bị chữa cháy), 2 máy bơm công suất lớn cùng cơ số lăng vòi,… các phương tiện để di chuyển máy bơm chữa cháy một cách thuận tiện nhất.

Sau khi đi vào hoạt động "Tổ tự quản PCCC và CNCH" xã Thanh Tùng đã dập tắt nhiều đám cháy. Điển hình là đám cháy xảy ra ngày 31/1/2021 tại kho hàng của anh Nguyễn Lương Cường, ở tại thôn Đông xã Thanh Tùng. "Tổ tự quản PCCC và CNCH" xã đã dập tắt đám cháy, trước khi lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh có mặt đã góp phần làm giảm thiệt hại về tài sản do cháy gây ra. Ngoài ra, các thành viên trong mô hình đã phối hợp cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện 20 bài tuyên truyền về PCCC, 8 buổi tập huấn hướng dẫn về công tác PCCC để cung cấp một số kiến thức cơ bản nhằm đảm bảo an toàn PCCC thoát nạn tại các hộ gia đình, khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, in ấn hàng trăm bản pano, áp phích các ấn phẩm về tuyên truyền công tác PCCC tới người dân. Thường xuyên tổ chức hàng chục lượt tập huấn về công tác PCCC tại các hộ kinh doanh, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn xã. Rà soát toàn bộ nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, ngòi tại địa bàn xã và lên phương án hút nước chữa cháy đối với từng khu vực trên địa bàn.

Từ hiệu quả của mô hình tại xã Thanh Tùng, Công an huyện Thanh Miện đã nhân rộng ở 17/17 xã, thị trấn, với sự tham gia tự nguyện của 510 thành viên. Việc ra mắt và duy trì hoạt động của các "Tổ tự quản  PCCC và CNCH" trên địa bàn xác xã, thị trấn trên địa bàn đã góp phần đáp ứng yêu cầu "4 tại chỗ" trong PCCC, xử lý ngay các đám cháy tại thôn, khu dân cư; nâng cao ý thức tự phòng cháy, chấp hành pháp luật về PCCC. Các mô hình này đã góp phần vào công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại một số địa bàn như xã Ngô Quyền, thiệt hại do cháy ở Trạm biến áp 110 KV; xã Thanh Tùng, xã Đoàn Tùng, Ngũ Hùng…

2.Xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có diện tích tự nhiên là 667.87 ha, dân số toàn xã là 10.720 người được chia làm 8 thôn. Xã có làng nghề truyền thống dệt may Phương La chiếm hơn 40% dân số của xã. Đây là làng nghề dệt may phát triển kinh tế trọng điểm của huyện, mang lại nguồn thu nhập cao và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Hiện tại, xã có 508 cơ sở sản xuất kinh doanh dệt may. Việc sử dụng các nguyên, nhiên liệu chủ yếu bông, vải sợi là chất dễ cháy, cùng với việc xây dựng các nhà xưởng sản xuất chủ yếu là tôn, sắt dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ đối với các cơ sở sản xuất tại làng nghề là rất cao, nếu công tác PCCC không được coi trọng. Đặc biệt, trước đây, tại xã đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt về tài sản của người dân.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH tại làng nghề; cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo trong việc triển khai xây dựng các mô hình an toàn PCCC. Lực lượng Công an xã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực vào cuộc, tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề tham gia phong trào "Toàn dân tham gia PCCC". Đồng thời, phối hợp với các đội nghiệp vụ Công an huyện Hưng Hà thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về PCCC cho các hộ sản xuất. Đến nay, tại làng nghề dệt may Phương La đã xây dựng được 23 Tổ liên gia an toàn PCCC và 8 Điểm chữa cháy công cộng. "Tổ liên gia an toàn PCCC" được thành lập từ 8 hộ sản xuất liền kề nhau, các hộ sản xuất tự trang bị bình chữa cháy, các dụng cụ phá dỡ thông thường, lắp đặt chuông báo cháy khu vực trong và ngoài nhà. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ sản xuất được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kỳ nút nào, toàn bộ chuông đều kêu để báo động cho các hộ sản xuất trong cùng Tổ liên gia biết và hỗ trợ chữa cháy, cứu người, cứu tài sản kịp thời; qua đó, tận dụng tối đa khoảng thời gian vàng trong chữa cháy, tránh để xảy ra cháy lớn, lan rộng. Cùng với đó, tại mỗi "Điểm chữa cháy công cộng" được trang bị bình chữa cháy xách tay và các dụng cụ phá dỡ, thang tre... sử dụng để kịp thời chữa cháy, cứu người, cứu tài sản ngay khi có sự cố xảy ra.

Ông Lê Văn Hợi - Tổ trưởng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" làng nghề dệt may Phương La cho biết: "Tổ liên gia chúng tôi có 8 hộ sản xuất mặt hàng dệt may, trong đó chủ yếu là xen kẽ giữa nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của Công an xã Thái Phương, chúng tôi đã vận động các gia đình sản xuất liền kề nhau thành lập được "Tổ liên gia an toàn PCCC". Từ khi mô hình thành lập đến nay, ý thức, trách nhiệm, kỹ năng PCCC và tình hình an ninh trật tự của các hộ sản xuất được cải thiện rõ rệt. Qua mô hình, tinh thần đoàn kết, quan tâm, sẻ chia của các hộ sản xuất trong Tổ liên gia được gắn kết chặt chẽ hơn.

Cùng suy nghĩ như ông Hợi, ông Lê Văn Bẩy - Chủ một cơ sở sản xuất tại xã Thái Phương cho biết thêm: "Hộ sản xuất của nhà tôi đã 2 lần xảy ra cháy nhỏ nên khi được Công an xã Thái Phương tuyên truyền, gia đình tôi đã đồng tình ủng hộ ngay vì hộ sản xuất của gia đình tôi nhận thấy mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" có ý nghĩa rất thiết thực. Nhờ được trang bị những kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, mỗi thành viên trong Tổ liên gia sẽ xử lý nhanh khi có cháy xảy ra.

Sau một thời gian xây dựng mô hình, lực lượng Công an các cấp đóng vai trò nòng cốt tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh từng bước nhân rộng các mô hình để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân tham gia PCCC". Từ đó, hướng tới mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, không để xảy ra cháy lớn...

Để nâng cao ý thức của các hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề truyền thống, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động đến từng ngõ, gõ từng nhà, chỉ ra những tồn tại, giải pháp phòng tránh, chỉ ra cụ thể những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC tại các hộ kinh doanh sản xuất ở các làng nghề. Đồng thời, hướng dẫn các hộ kinh doanh cách xử lý tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Mục tiêu đặt ra sau ngày 30/6/2023, 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và liền kề nhau đều tham gia "Tổ liên gia an toàn PCCC". 100% khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư có chiều dài từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được theo địa bàn khu dân cư có "Điểm chữa cháy công cộng".

Việc thành lập các "Tổ liên gia an toàn PCCC" ở các làng nghề truyền thống đã giúp xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, được trang bị kỹ năng chữa cháy, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra. Có thể thấy, đây là một mô hình thiết thực, cần tiếp tục nhân rộng.

Xuân Mai - Bình Vân
.
.