Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp 'ngốn' hàng chục tỷ đồng nhưng không hiệu quả

Thứ Sáu, 26/12/2014, 09:05
Việc xây Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Hướng Hiệp, huyện Đakrông xuất phát từ ý tưởng, kế hoạch của Tỉnh đoàn Quảng Trị. Chấp thuận ý tưởng, kế hoạch này, năm 2008, TW Đoàn đã có quyết định đầu tư cho dự án trên. Nhưng đến nay, sau hơn 5 năm triển khai xây dựng với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, làng này mới chỉ có vài chục hộ dân sinh sống…

Từ quốc lộ 9 đoạn thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp vào tới Làng TNLN Hướng Hiệp chừng 7 cây số. Con đường đèo dốc quanh co, bùn lầy và lởm chởm đá. Sau hơn 30 phút vật lộn với con đường, dưới trời mưa xiên, gió rét, chúng tôi đến được khu trung tâm của làng. Trước khi đến đây, chúng tôi đã nghe không ít cán bộ xã Hướng Hiệp than phiền về sự chậm trễ trong thi công hoàn thành dự án; sự “vênh nhau” quá lớn giữa lý thuyết của những người xây dựng, thực hiện dự án với thực tế mà họ đã làm... song cũng không hình dung được thực tế nhếch nhác như thế này.

Khu trung tâm của Làng TNLN Hướng Hiệp chỉ chưa tới 30 nóc nhà, nằm co cụm trên các rẻo đất hẹp dưới chân những quả đồi trùng điệp. Một người dân ở đây cho biết, gia đình chị đến đây để lập nghiệp theo danh sách đã đăng ký trước đó rất lâu với Tỉnh đoàn. Khi đó làng này chưa được xây dựng, song nghe cán bộ dự án thuyết minh, bà con đều hình dung được một ngôi làng rất hoành tráng trong tương lai. Vì thế, ai cũng háo hức chờ đợi ngày làng được xây dựng hoàn thành. Nhưng bây giờ thì khác, mọi thứ đều không như cán bộ dự án nói…

Tìm hiểu được biết, để xây dựng Làng TNLN Hướng Hiệp, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã có bản thuyết minh dự án dài trên 120 trang giấy. Ngày 30/10/2008, trên cơ sở này, Ban Chấp hành TW Đoàn đã có Quyết định số 380a-QĐ/TWĐTN phê duyệt dự án đầu tư xây dựng làng, với tổng mức kinh phí hơn 34 tỷ đồng.

Đã hết thời gian hoàn thành dự án nhưng Làng TNLN Hướng Hiệp mới chỉ có vài chục hộ dân sinh sống.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 23 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Quảng Trị gần 9 tỷ đồng, vốn khác (vốn tự có và vốn vay) 2,2 tỷ đồng. Mục tiêu chủ yếu của dự án là tiếp nhận 150 hộ dân, giải quyết việc làm cho 300 lao động thường xuyên; trồng mới 250ha cao su, 300ha rừng sản xuất, 26ha lúa nước và 13ha cây trồng ngắn ngày kết hợp chăn nuôi và khoanh nuôi, bảo vệ trên 3.000ha rừng tự nhiên…

Dự án do Tỉnh đoàn Quảng Trị làm chủ đầu tư. Theo đó, đơn vị này có nhiệm vụ xây dựng nhiều hạng mục, đảm bảo mục tiêu trên của dự án, gồm: Khai hoang 150ha đất sản xuất cho người dân; san ủi mặt bằng và xây dựng nhà văn hóa, trường học, sân vận động thể dục thể thao, công trình điện chiếu sáng và sản xuất, công trình nước sạch, đường giao thông…

Sau quyết định kể trên của Ban Chấp hành TW Đoàn không lâu, đầu năm 2009, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã làm lễ phát động xây dựng làng này. Điều đáng buồn, sau hơn 5 năm khởi công xây dựng công trình, đơn vị làm chủ đầu tư dự án này mới chỉ hoàn thành một phần việc rất nhỏ so với khối lượng, mục tiêu của dự án đặt ra.

Cụ thể, Làng TNLN Hướng Hiệp bao gồm 2 khu dân cư, một ở khu trung tâm của làng với 7 hộ (cũ) thuộc hai thôn Kreng và Pa Loang và 20 hộ đến ở mới vào năm nay (2014), khu còn lại ở khe Hiên với 27 hộ (cũ) được sắp xếp, bố trí lại theo quy hoạch của làng. Hỏi Làng TNLN Hướng Hiệp được đầu tư xây dựng nhằm tiếp nhận 150 hộ dân, nhưng đến nay đã quá 2 năm so với mốc thời gian cam kết hoàn thành dự án, làng mới chỉ có được 54 hộ dân đến ở?

Ông Trương Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án Làng TNLN Hướng Hiệp cho biết, dự án đã qua một lần điều chỉnh vào năm 2013. Theo đó rút lại từ 150 hộ xuống còn 90 hộ. Nguyên nhân, theo ông Thắng, do trong quá trình thực hiện dự án, ngành chức năng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi đất.

Cùng với đó, do đất đai nằm ở những vị trí hiểm trở nên việc khai hoang không đạt hiệu quả (?!). Chưa hết, đến nay những hạng mục quan trọng của dự án cũng đã bị cắt bỏ, như trường học, nhà văn hóa làng… Trong khi đó, kinh phí thực hiện dự án trong hơn 5 năm đã ngốn hết gần 23 tỷ đồng.

Hỏi việc xây dựng Làng TNLN Hướng Hiệp không đạt được mục tiêu ban đầu, rõ ràng có những nguyên nhân chính như, đơn vị làm chủ đầu tư đã chủ quan trong quá trình thực hiện dự án, khiến có những khó khăn phát sinh không thể giải quyết được? Hay chính những người trong cuộc đã vẽ vời nên một dự án như thế? Ông Thắng đã không quả quyết lắm với câu trả lời của chính mình: “Nói chủ quan cũng đúng mà nói không cũng đúng. Anh em đã cố gắng nhiều rồi, nhưng vì quản lý đất đai là do nhiều bên liên quan nên một mình đơn vị không tự giải quyết được. Khi bắt tay vào làm mới biết đất ở đó đã có chủ hết rồi!”…
Phan Thanh Bình
.
.