Vì sao trường "sợ" xét tuyển giáo viên?

Thứ Bảy, 27/12/2008, 12:48
Vào mùa xét tuyển giáo viên, nhiều trường tại tỉnh Thái Nguyên đã “né” việc nhận hồ sơ tuyển dụng bằng cách dùng bảo vệ chặn cổng, hiệu trưởng "đi vắng"... Lý do nhiều trường trốn trực là không phải nhận hồ sơ của người có năng lực yếu.

Những ngày này, không khí các trường học ở Thái Nguyên rất nóng. Bởi, đây là dịp xét tuyển viên chức đầu tiên tiến hành theo Quyết định 14 và Quyết định 654 của UBND tỉnh Thái Nguyên, dựa trên Nghị định 116 và Thông tư 04 của Bộ Nội vụ.

Điều đặc biệt là, không chỉ những người thi tuyển, mà cả các cán bộ quản lý của ngành Giáo dục, từ hiệu trưởng đến lãnh đạo phòng đều lo lắng như ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục TP Thái Nguyên bày tỏ: "Với cách tuyển giáo viên như hiện nay, chúng tôi thật sự lo ngại về chất lượng dạy và học. Hiệu trưởng và lãnh đạo phòng chịu trách nhiệm về chất lượng dạy - học, nhưng theo quy định mới của tỉnh, lại không có quyền tuyển chọn giáo viên".

Theo quy định mới về việc tuyển viên chức, chất lượng dạy không quan trọng, chỉ cần hồ sơ đáp ứng các yêu cầu tuyển là được: điểm xét tuyển là điểm trung bình học tập toàn khóa (thang điểm 100) nhân hệ số 2, cộng với điểm ưu tiên và được lấy từ cao xuống thấp. Trong khi chỉ cần chênh nhau 0,1 điểm là đã có thể phân "thắng - bại", thì các đối tượng ưu tiên lại có lợi thế rất lớn là được cộng thêm tới 30 điểm.

Bằng một phép tính đơn giản, có thể tính ngay ra rằng: Một người tốt nghiệp 7,5 điểm mới có cơ hội ngang bằng với một người tốt nghiệp 6,0 nếu đó là đối tượng được ưu tiên: (75 x 2 = 60 x 2 + 30 = 150 điểm).

Hoặc một người tốt nghiệp loại giỏi: 8,0 điểm (khi xét tuyển sẽ được 80 x 2 + 10 (điểm ưu tiên loại giỏi) = 170 điểm) sẽ bị một người là người ưu tiên được 7,05 tổng kết đánh bật (70,5 x 2 + 30 = 171 điểm).

Chưa hết, theo quy chế tuyển dụng mới, chỉ có bằng thạc sỹ trở lên mới được cộng thêm điểm khi xét tuyển (thạc sỹ được 10 điểm, tiến sỹ được 20 điểm), còn lại, bằng đại học, cao đẳng hay trung cấp đều như nhau. Vì thế, sẽ xảy ra trường hợp, người tốt nghiệp trung cấp với số điểm 5,0 sẽ trúng tuyển, trong khi người tốt nghiệp đại học với điểm số 6,49 cũng sẽ bị loại.

Thực tế, gần như các giáo viên ĐH Tiểu học khóa I của ĐH Sư phạm Thái Nguyên bị lọc ra hết. Vì có được điểm khá ở bậc ĐH đã khó, chứ nói gì đến điểm giỏi. Đây là điều bất hợp lý và cũng là nguyên nhân để ngay trong lần triển khai đầu tiên đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ.

Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào việc có tuyển được giáo viên giỏi hay không.

Không có quyền quyết định trong tuyển chọn giáo viên, mà theo quy định mới, các trường buộc phải nhận hồ sơ và phải nhận người nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu, đã dẫn đến nhiều trường trốn trực để không phải nhận hồ sơ của người có năng lực yếu.

Ông Bùi Tuấn Thịnh - Trưởng phòng Nội vụ TP Thái Nguyên cho biết: Ngày 11, 12/12 - những ngày cuối cùng nhận hồ sơ, Phòng liên tục nhận điện thoại phản ánh về việc không nộp được hồ sơ, do trường thì dùng bảo vệ chặn cổng với lý do không cho học sinh đi ra đi vào trong giờ học; trường thì hiệu trưởng "đi vắng" và hầu hết các hiệu trưởng đều tắt máy. Phòng Nội vụ và một số đơn vị liên quan phải thành lập các đoàn kiểm tra việc trực nhận hồ sơ ở các trường.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục TP cũng yêu cầu các trường phải bố trí người trực, nhưng ngày 12/12, có người đi 5 lần vẫn không nộp được hồ sơ. Đến mức, có trường đã bị lập biên bản tới 2 lần trong một ngày vì không trực nhận hồ sơ.

Không khí "nóng" đến thế là bởi các hiệu trưởng đều biết rằng, nếu nhận giáo viên chỉ căn cứ trên hồ sơ là điều lo ngại, khi từ 2009, các trường sẽ tự chủ về cả tài chính lẫn tổ chức và hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm. Nhiều hồ sơ đủ tiêu chuẩn, nhưng năng lực thực tế lại không đảm bảo.

Ông Bùi Tuấn Thịnh cho biết: "Nhiều hiệu trưởng hỏi Phòng Nội vụ câu hỏi mà chúng tôi không biết trả lời ra sao: "Những giáo viên trúng tuyển nhưng phát âm tiếng Việt còn không chuẩn thì dạy học sinh làm sao - nhất là với học sinh lớp 1?". Vì thế, một số trường đề nghị không cho chỉ tiêu tuyển, vì sợ ảnh hưởng chất lượng dạy và học".

Rõ ràng, với cách tuyển chỉ căn cứ trên hồ sơ và nhất là điểm ưu tiên quá cao như hiện nay, sẽ xảy ra tình trạng chất lượng khó đảm bảo. Lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục và các hiệu trưởng e ngại về trách nhiệm, nhưng chúng tôi cho rằng, lo lắng đầu tiên chính là học sinh vì thiệt thòi trước hết thuộc về các em nếu chất lượng giáo viên yếu.

Chúng tôi đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ: Vẫn cần thiết phải có chính sách ưu tiên cho các đối tượng, nhưng không nên để mức quá cao như hiện nay, mà nên thay mức 30 điểm bằng 10 điểm.

Đặc biệt, cần có chính sách cụ thể là ưu tiên cho khu vực nào. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp, sẽ dẫn đến hệ quả khó tránh là tìm cách có điểm cao để dễ xin việc. Bên cạnh các đối tượng ưu tiên hiện nay, cần phải trọng dụng những người vượt chuẩn, mới động viên được giáo viên nâng cao trình độ như chủ trương đang có, mà lại ổn định đội ngũ vì không phải đào tạo thêm

Thanh Hằng - Vũ Hân
.
.